Báu vật của Châu Đốc

Nguyễn Văn Mỹ , Chủ tịch Lửa Việt Tours - 14:07, 22/10/2020

TheLEADERCó những thứ mà các nhà quản lý cho là cổ hủ, tầm thường thì với du khách là của quí, thậm chí báu vật.

Tây Nam bộ, địa hình bằng phẳng, chằng chịt kênh rạch và ngút ngàn vườn cây ăn quả. Hai nét văn hóa đặc trưng nhất của vùng đất Chín Rồng (Cửu Long) là chợ nổi và xe lôi. Ngay tên gọi cũng đậm chất Nam bộ. Làm gì có chợ chìm. Phải gọi là chợ trên sông mới đúng. Miền Bắc gọi là kéo, Nam bộ bảo là lôi. Xe lôi là xe đạp lôi, không phải là xe kéo.

Trong ký ức dân Nam bộ xa xứ và khách du lịch vài chục năm, chợ nổi và xe lôi là bộ đôi độc đáo của vùng đất hào phóng, nghĩa tình. Là kế sinh nhai của dân nghèo, là nguồn sống của hàng triệu người. Mấy năm gần đây, do kinh tế phát triển và cả những lý do chủ quan về quản lý, chợ nổi và xe lôi ngày càng teo tóp, dân nghèo điêu đứng.

Đã có nhiều tiếng kêu thảng thốt và báo động, phải cứu các chợ nổi đang chìm. Còn xe lôi chưa thấy ai lên tiếng. Các chợ nổi dù thưa thớt, vẫn kiên cường tồn tại. Xe lôi đã biến mất. Duy nhất chỉ còn vùng Châu Đốc, An Giang. Dù chỉ bằng 1/10 thời hưng thịnh.

Những thập niên 90 của thế kỷ trước, ghé chợ nổi Phụng Hiệp một lần là cả đời vẫn nhớ. Qua phà Mỹ Thuận là cánh xe lôi nhộn nhịp chào mời với những tiếng rao lanh lảnh “Đéc, đéc” (Sa Đéc), “Long, long” (Vĩnh Long)… Có lãnh đạo cho rằng xe lôi là tàn dư phong kiến, lạc hậu, bóc lột sức lao động nên cần dẹp bỏ. Nói thế thì phá luôn nhà cổ, phố cổ, xây cao ốc cho hiện đại!

Xe lôi là xe đạp, gắn thêm thùng chở khách hoặc hàng phía sau, một loại xe ba bánh, cùng họ xích lô (cyclo, tiếng Pháp). Xích lô chở khách và hàng phía trước, xe lôi thì phía sau. Một bên là đẩy, một bên là lôi. Xích lô sử dụng ở nhiều nước; từ châu Á, qua châu Âu, đến châu Mỹ; chủ yếu chở khách du lịch và dân bản địa. Mấy nước chưa phát triền thì chở luôn hàng hóa khi vắng khách.

Xe lôi Châu Đốc, An Giang tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách
Xích lô du lịch ở Hà Nội.

Xích lô, biến thân của xe kéo, có mặt từ thế kỷ 19. Kéo được chuyển sang đạp, vào đầu thế kỷ 20. Theo tư liệu, Coupeaud (Pháp) làm ra xích lô vào năm 1939 ở Phnom Penh. Để quảng cáo, ông ra mắt chiếc xích lô, chạy 170 km từ Phnom Pênh về Sài Gòn, mất 17 giờ 23 phút do 2 người thay phiên nhau đạp. Cuối năm đó, Sài Gòn có 40 chiếc xích lô. Năm 1940, có 200 chiếc.

Tháng 2/1941, Bảy Viễn và Maurice (Pháp) lập công ty Mauvien (ghép tên 2 người) có 30 chiếc độc quyền ở khu vực Chợ Lớn. Từ năm 1961, Sài Gòn xuất hiện xích lô máy, động cơ 2 thì, loại 125 phân khối. Cùng là xe 3 bánh, họ xích lô nhưng xe ba gác chỉ chở hàng hóa chứ không chở người. Theo Tony Wheeler, xe lôi đạp xuất ở Singapore từ 1920, ở Ấn Độ từ 1930 và xe xích lô ở Jakarta từ 1936.

Xe lôi Châu Đốc, An Giang tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách 1
Xích lô ở TP.HCM.

Cùng họ nhưng xích lô có những biến tấu riêng. Malaysia, Myanmar thì thùng chở khách, không ở trước hay sau mà ở bên phải. Châu Âu làm thêm mái che, có khi chạy điện êm ru; gọi là cycle rickshaw, bike taxi, velotaxi, pedicab... Thái Lan, Lào, Campuchia thì phát triển ồ ạt, thành phương tiện phổ biến - Tuk Tuk (gọi theo tiếng nổ của xe).

Xe lôi Châu Đốc, An Giang tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách 2
Xích lô du lịch ở Phnom Pênh.
Xe lôi Châu Đốc, An Giang tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách 3
Xe lôi du lịch ở Malacca, Malaysia.

Việt Nam siết chặt quản lý, tiến tới xóa sổ xích lô. Chỉ còn một số nơi như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP. HCM… tổ chức đội hình xích lô phục vụ du khách. Nhiều người cho rằng xích lô bóc lột sức lao động nên phải thay thế. Nghề gì cũng phải bỏ sức lao động, từ tay chân tới trí óc, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để kiếm sống và làm giàu, trừ những nghề phi pháp.

Xe lôi miền Tây không cấm nhưng tự xóa sổ. May mà Châu Đốc, An Giang còn cố giữ được. Xe lôi Châu Đốc đã tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách, thay cho những chiếc xe điện vô hồn. Có những thứ mà các nhà quản lý cho là cổ hủ, tầm thường thì với du khách là của quí, thậm chí báu vật.

Xe lôi Châu Đốc, An Giang tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách 4
Xe lôi ở Châu Đốc.

Du khách thích dạo chơi đường làng chứ không khoái tham quan cao tốc. Thích ở những căn nhà chân quê, thoáng đãng, đủ tiện nghi thay vì cao ốc bít bùng, mê phố cổ hơn những khu hiện đại. Xe cổ có khi đắt gấp mấy lần xe mới. Cổ vật, càng lâu đời, càng có giá.

Châu Đốc, An Giang đã giữ cho ngành du lịch nét xưa đáng yêu. Khi tư vấn cho Sa Đéc, tôi đã đề nghị và năn nỉ tái lập xe lôi chở khách tham quan làng hoa. Vừa tạo nét riêng, thêm công ăn việc làm, kéo dài thời gian tham quan nhưng chẳng ai thèm nghe. Thay vào đó là mấy xe điện lãng nhách. Nghĩ mà buồn và chẳng biết trách ai.

Xe lôi có thể được sử dụng chở khách du ngoạn ở Gáo Giồng (Đồng Tháp), làng cổ Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang), các lò gạch hoang (Vĩnh Long), rừng trong phố (Trà Vinh)… Cùng với xe đạp, xuồng ba lá, xe lôi sẽ tạo nét riêng của du lịch bền vững Tây Nam bộ. Thay cho xe điện là xe lôi và có thể cả xe lam, một thời phổ biến và đầy ắp kỷ niệm.

Xe lôi Châu Đốc, An Giang tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách 5
Rước dâu bằng xe lôi ở An Giang.

Có những cặp đôi tổ chức rước dâu bằng xe đạp và xe lôi rất độc đáo. Cảm ơn Châu Đốc, An Giang. Đặc biệt là cảm ơn những phu xe kiên cường bám nghề dù trăm bề vất vả, cực nhọc. Nhờ đó, du lịch còn có sản phẩm không đụng hàng, như một di sản văn hóa giao thông đặc trưng đồng bằng Tây Nam bộ.