Bí quyết để doanh nghiệp Việt ‘cất cánh’ hậu M&A

Hứa Phương - 14:45, 07/08/2019

TheLEADERDù bị đánh giá là lép vế so với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường M&A nhưng các nhà đầu tư nội đã có những thương vụ tỏ rõ vị thế và chiến lược chủ động hơn Vingroup mua lại Fivimart và Saigon Co.op mua lại AuChan.

Điểm nghẽn

Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế quan trọng trong hoạt động đầu tư trong nhiều năm qua tại Việt Nam.

Cụ thể, nếu năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ USD, thì đến năm 2018, con số này đã vượt mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD, theo công bố của Ban tổ chức Diễn đàn mua bán sáp nhập 2019

Thị trường M&A không chỉ đạt kỷ lục về giá trị, mà số lượng các giao dịch tăng lên nhanh chóng ở cả khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, các giao dịch M&A còn có sự tham gia các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghệ...

Bên cạnh đó, hoạt động M&A đã đóng vai trò tích cực vào quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, kết quả cổ phần hoá và thoái vốn đạt trên 200.000 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Thông qua hoạt động này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã sở hữu cổ phần của doah nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB).

Bí quyết để doanh nghiệp Việt ‘cất cánh’ hậu M&A
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC

Tuy nhiên hoạt động M&A ở Việt Nam còn gặp khá nhiều trở ngại. Một trong số đó là về vấn đề pháp lý, như ông chia sẻ của ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo ông Lai, sau 12 năm hoạt động SCIC đã thoái vốn trên 900 doanh nghiệp, trung bình mỗi năm trên 70 doanh nghiệp. Nguồn thu mang lại cho Nhà nước rất lớn, trên 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, kết quả thoái vốn chậm lại, trong 6 tháng đầu năm 2019, mới thoái thành công 4 doanh nghiệp.

Dù chất lượng và số tiền thu về vẫn hiệu quả so với giá vốn, nhưng số lượng thì chưa đạt kế hoạch, có nhiều lý do, ngoài lý do chủ quan doanh nghiệp thì còn vì quy định thoái vốn thời gian qua dù nỗ lực của cơ quan chức năng nhưng vẫn cần phải tiếp tục sửa đổi bổ sung, hoàn thiện.

Chẳng hạn, về phương thức thoái vốn, hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thường thực hiện gồm đấu giá công khai, nếu không thành công thì chào giá cạnh tranh, nếu không thành công nữa thì bán thoả thuận... Với quy trình đó, thì nhiều trường hợp vai trò của các công ty tư vấn, nhất là thương vụ lớn là rất khó.

Quy trình này, nhiều trường hợp không phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là giai đoạn rà soát đặc biệt doanh nghiệp (Due diligence). Nhà đầu tư rất khó đưa ra quyết định nếu không không được rà soát đặc biệt doanh nghiệp theo thông lệ.

Về vấn đề định giá, vấn đề vướng đất đai không chỉ vướng ở cổ phần hóa mà vướng luôn ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp để thoái vốn sau cổ phần hóa.

Có doanh nghiệp nhà nước từ khi cổ phần hóa đến nay gần 15 năm, giấy tờ đất cũng chỉ có là hợp đồng thuê đất, biên lai thu tiền sử dụng đất... Giả định, doanh nghiệp nhà nước có đầy đủ giấy tờ pháp lý, thì giá trị thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục rà soát và xử lý vấn đề này.

Vấn đề nới room cũng được ông Lai cho là rất quan trọng, chẳng hạn với góc độ bên bán, ai cũng muốn khi công bố thông tin bán cổ phần thì không có bất kỳ hạn chế nào. Hay có những thông tin nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia vì bị hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Nếu họ tham gia được thì tính cạnh tranhcao hơn, khả năng nguồn thu mang về cho Nhà nước tốt hơn.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp nước ngoài, ông Masahiro Kotaka, Giám đốc điều hành KPMG Nhật Bản nhận định, thách thức chỉ bắt đầu khi chốt hạ thương vụ M&A.

Chẳng hạn một công ty Nhật Bản đầu tư vào một công ty Việt Nam thì không đơn giản chỉ là chuyện sáp nhập các doanh nghiệp hay tham gia của các cổ đông mới, mà phải nỗ lực để tạo ra một cơ thể hoàn toàn mới về quản trị.

Ông Masahiro Kotaka kể lại trong quá trình tư vấn cho khách hàng, họ luôn hỏi ông định nghĩa về M&A là gì? Kế hoạch của ông sau 3 đến 5 kể từ khi M&A sẽ như thế nào? Nhưng khi làm việc, ông Masahiro Kotaka nhận thấy điều trở ngại là nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn được bức tranh của mình hậu M&A.

Giải pháp để giải quyết vấn đề này theo ông Masahiro Kotaka là hai bên ngồi lại với nhau thảo luận để đưa ra chiến lược phát triển sau hậu M&A. Người Nhật luôn dựa vào số liệu đối tác và phải hiểu những gì đang diễn ra ở phía đối tác rồi mới đi thêm một bước nữa, điều này có thể khác với các nhà đầu tư khác.

Nhưng dù thế nào thì doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải hiểu cách tiếp cận của các nhà đầu tư khác nhau thì mới có chiến lược đúng trong định giá cũng như đưa ra chiến lược phát triển.

Bí quyết để doanh nghiệp Việt lớn hậu M&A

Nhận xét của ông Masahiro Kotaka phản ánh đúng diễn biến thường M&A của Việt Nam trong thời gian qua. Cụ thể thị trường M&A Việt Nam đang có tổng giá trị thương vụ chiếm gần 90% được thực hiện với sự chủ động bởi các nhà đầu tư ngoại, tập trung vào bốn quốc gia là Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Như thương vụ đứng ở vị trí số 1 trong danh sách 10 công ty M&A tiêu biểu năm 2018 – 2019 được công bố, đó là SK Group đầu tư vào Vingroup với giá trị 1 tỷ USD và Masan 400 triệu USD.

Dừ vậy, thời gian qua các nhà đầu tư nội đã có những thương vụ tỏ rõ vị thế và chiến lược chủ động hơn đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ với những thương vụ của Vingroup mua lại Fivimart và Saigon Co.op mua lại AuChan.

Đối với lĩnh vực bất động sản, các nhà đầu tư nội tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất nhưng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ M&A lớn nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và làm tiền đề để thu hút vốn từ khối ngoại.

Điển hình như các thương vụ Keppel Land đã chi tiền mua 60% cổ phần 3 lô đất rộng 6,2 ha ở huyện Nhà Bè, TP.HCM từ Công ty Địa ốc Phú Long. Hai bên có kế hoạch hợp tác xây dựng khoảng 2.400 căn hộ cao cấp kèm theo các nhà phố thương mại (shophouse) có diện tích sàn thương mại khoảng 14.650 m2.

Hay giao dịch M&A duy nhất đến từ công ty nội trong nửa năm 2019 là việc Nam Long công bố chi hơn 2.300 tỷ đồng mua lại 70% cổ phần công ty sở hữu dự án Dong Nai Waterfront City. Qua đó, Nam Long sẽ triển khai đầu tư 170 ha đất tại dự án này.

Bí quyết để doanh nghiệp Việt ‘cất cánh’ hậu M&A 3
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác thì hoạt động M&A cũng đã tác động mạnh đến hoạt động của công ty về mặt thương hiệu, thị phần và đặc biệt là doanh thu, lợi nhuận không ngừng tăng trưởng.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco cho biết, những năm qua Traphaco đã thực hiện nhiều thương vụ M&A. Tuy là những thương vụ nhỏ nhưng đây là cách nhanh nhất để doanh nghiệp này phát triển được như ngày nay.

Như việc Traphaco mua một doanh nghiệp ở Sapa và chỉ có Traphaco mới làm được vì tư duy phát triển bền vững. Lúc mới mua, Traphaco chấp nhận khó khăn, lỗ thời gian đầu, nhưng hiện nay đó là nông trường xanh của công ty. Việc M&A doanh nghiệp này theo bà Thuận đã giúp sản phẩm của Traphaco hiện diện nhiều hơn ở thị trường Tây Bắc.

Hay như nhà máy công nghệ cao sau 6 năm khởi động, Traphaco mua với giá gấp 6 lần giá trị hữu hình. Nhưng rõ ràng, sản phẩm nhà máy đó hiện đang giúp Traphaco bán được giá tốt hơn trên thị trường, có biên lợi nhuận gộp lớn.

Một trong những chiến lược khi thực hiện M&A được bà Thuận chia sẻ đó là thực hiện thương vụ để hình thành chuỗi giá trị từ vùng trồng đến nhà máy, đến hệ thống phân phối, Traphaco luôn tôn trọng cái tên riêng của doanh nghiệp được mua, vì dược phẩm không dễ thay đổi.

Sau đó Traphaco sẽ đưa văn hoá công ty mẹ tới các công ty được M&A, sao cho lan toả văn hoá đó và tạo sự thống nhất, cái tên thì giữ nhưng “ruột” thì thay.