Bộ Công thương kết luận về vi phạm của EVN

Nguyễn Cảnh - 09:08, 13/07/2023

TheLEADERThực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã hoàn thành, công khai kết luận về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện (giai đoạn từ 1/1/2021 đến 1/6/2023).

Bộ Công thương kết luận về vi phạm của EVN
Lần lượt Thanh tra Chính phủ và Bộ Công thương chỉ rõ nhiều vi phạm, tồn tại trong quản lý, điều hành cung ứng và sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị liên quan (ảnh minh họa: Hoàng Anh)

Theo Bộ Công thương, kết luận thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan.

Các tồn tại, vi phạm gồm: Chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.

Đồng thời, việc điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023; để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6/2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất-kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.

Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công thương đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo phân cấp quản lý nhà nước) chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với hội đồng thành viên EVN, các cá nhân có liên quan.

Căn cứ kết luận thanh tra, EVN chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với ban tổng giám đốc, các an tham mưu, các đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan.

Tập đoàn ông nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo Tổng công ty Điện lực - TKV, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tập thể, cá nhân vi phạm có liên quan.

Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và than căn cứ kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).

Bộ Công hương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp trong quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại Kết luận Thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, tiết giảm điện trong thời gian tới.

Như TheLEADER thông tin, ít tháng trước, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra la liệt vi phạm tại 26 dự án điện nhưng vẫn được COD và hưởng giá FIT, với trách nhiệm thuộc về EPTC (trực thuộc EVN).

Cụ thể, kết quả thanh tra 26 nhà máy điện mặt trời (ĐMT), điện gió tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Bình Phước của Thanh tra Chính phủ cho thấy nhiều vi phạm trong đầu tư và công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện (EPTC, trực thuộc EVN).

Thanh tra Chính phủ xác định, việc EPTC công nhận ngày vận hành thương mại, đưa vào sử dụng 26 nhà máy nói trên khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cụ thể là Cục Điện lực và năng lượng tái tạo/Sở Công thương) kiểm tra nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư, đã vi phạm quy định tại Nghị định 46/2015, Luật Xây dựng và Thông tư 39/2015 của Bộ Công thương.

EPTC công nhận COD và mua điện của 26 nhà máy trong khi các dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, nghiệm thu công trình; việc này là vi phạm quy định tại Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.

Đáng chú ý, EVN đã ban hành quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió (lần lượt tại các quyết định vào các năm 2019, 2020, 2021). Theo cơ quan thanh tra, nội dung quy trình không quy định điều kiện để đưa công trình vào sử dụng theo quy định về đầu tư xây dựng và nghiệm thu công trình (quy định tại Thông tư 39/2015 và Thông tư 16/2017 của Bộ Công thương).

Các vi phạm nêu trên dẫn đến việc công nhận COD và mua bán điện của 26 nhà máy ĐMT, điện gió theo giá cố định là chưa đủ cơ sở pháp luật nhưng đã và đang được áp dụng giá FIT trong 20 năm. Việc này "cần phải được cơ quan quản lý rà soát, xem xét", Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.