Các ngân hàng nói gì về hỗ trợ lãi suất chậm?

Đỗ Linh - 08:11, 27/08/2022

TheLEADERKhó khăn trong xác định rõ đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 là nguyên nhân chính khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định qua 3 tháng triển khai, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã vào cuộc rất tích cực.

Cụ thể, khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ.

Cùng với đó, các ngân hàng đã chủ động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt một số NHTM còn phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều, theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31

Nguyên nhân của kết quả này do một số vấn đề.

Thứ nhất là về đối tượng được hỗ trợ lãi suất của Nghị định 31.

Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất – kinh doanh đa ngành.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các NHTM, nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Do đó, vẫn cần các bộ, ngành tiếp tục có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.

Cụ thể, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó tổng giám đốc Vietinbank cho biết nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề, nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.

Trao đổi về khó khăn này, ông Đào Nguyên Vũ, Phó tổng giám đốc Sacombank đề nghị mở rộng đối tượng khách hàng, bởi ngoài 9 ngành nghề, phần lớn khách hàng hoạt động đa ngành.

Do đó, nên có tỉ lệ quy định trong các hoạt động đa ngành thì 9 ngành được hỗ trợ chiếm tỷ trọng bao nhiêu, để các NHTM yên tâm xem xét hỗ trợ lãi suất.

Những ngành sản xuất trong đó có hoạt động thương mại thì nên có quy định để các ngân hàng yên tâm bởi ngoài sản xuất, trong những ngành ưu tiên còn thương mại, bán buôn, bán lẻ.

Cùng với đó, những hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực nông thôn nên mở rộng điều kiện, đối tượng này xem xét, xác nhận tại địa phương để các ngân hàng mạnh dạn xem xét hỗ trợ lãi suất.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, đối tượng khách hàng được hỗ trợ giới hạn ở một số ngành, có đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, theo tinh thần của Luật Dân sự, ngành ngân hàng có Thông tư 39 quy định có pháp nhân và cá nhân vay vốn chứ không có hộ kinh doanh.

Do đó, Nghị định 31 quy định về hộ kinh doanh thì ngân hàng sẽ rất khó tự phân loại cá nhân và hộ kinh doanh.

Vấn đề thứ hai là vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009, và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết trong quá trình triển khai, theo phản ánh của khách hàng và các chi nhánh Agribank trên cả nước, nổi lên một số khó khăn vướng mắc.

Đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96% tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/ khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết.

Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.

Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40 – 50% tổng dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định.

Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.

Theo đại diện Agribank, ngân hàng cũng gặp phải vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng, nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định, và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I, Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, các văn bản pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Không chỉ vậy, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên các NHTM cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả.

Do đó, các NHTM gặp vấn đề thứ ba là mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Vấn đề thứ tư là một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông Trung cho rằng việc đánh giá mức độ đáp ứng thực hiện hỗ trợ lãi suất được thực hiện tạo điều kiện cho việc giải ngân, nhưng do yếu tố khách quan hay chủ quan, khách hàng phát sinh nợ xấu đến thời điểm cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá khách hàng, làm khoản vay không đáp ứng thực hiện chương trình và thu hồi hỗ trợ lãi suất.

Đây cũng là quan ngại của khách hàng.

Trên thực tế, có những khách hàng được Vietinbank đánh giá có khả năng phát triển sau thời gian hỗ trợ lãi suất, hoạt động kinh doanh tăng trưởng, doanh thu có lãi, đóng góp thêm vào ngân sách. Nhưng khi được mời tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất thì các khách hàng này e ngại việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tốn nhiều thời gian.