Chi ngân sách của Việt Nam cao vượt trội trong nhóm nước ASEAN-5

Minh Anh - 09:52, 29/06/2018

TheLEADERTrong khi Philippines và Thái Lan có thâm hụt và thặng dư ngân sách chỉ 1% GDP/năm, Indonesia và Malaysia cũng không quá 3% GDP/năm thì tại Việt Nam, mức thâm hụt ngân sách hiện đã lên tới 6 - 7%.

Chi ngân sách của Việt Nam cao vượt trội trong nhóm nước ASEAN-5
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án thua lỗ ngành Công thương.

Thâm hụt ngân sách triền miên

Vấn đề ngân sách Nhà nước luôn thu hút sự chú ý của các chuyên gia kinh tế cũng như dư luận. Đặc biệt là trong thời gian gần đây khi Việt Nam vẫn đang chứng kiến tình trang thâm hụt ngân sách do việc chi tiêu chưa hiệu quả. 

Theo nhiều chuyên gia, thâm hụt ngân sách kéo dài khiến nợ công tích lũy ngày càng lớn, gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ ngập trong nợ nần trước khi kịp cất cánh trong tương lai gần.

Quyết toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính cho biết, chi ngân sách nhà nước bao gồm: chi thường xuyên, chi trả nợ và chi đầu tư phát triển. Trong đó, chi thường xuyên được chia nhỏ ra thành: chi quản lý hành chính, chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp xã hội (chi giáo dục đào tạo, chi y tế) và các loại chi thường xuyên khác.

Tổng chi ngân sách tính theo % GDP của Việt Nam khá ổn định qua các năm ở mức khoảng 28 - 31% GDP, với khoảng 2/3 tổng chi là chi thường xuyên. 

Những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi thường xuyên vẫn không có dấu hiệu suy giảm, ở mức trên dưới 20% GDP. 

Theo Nghiên cứu "Tác động của tăng thuế giá trị gia tăng đến tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), điều này phần nào còn phản ánh sự không hiệu quả trong chi tiêu của Chính phủ, dẫn tới nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển bị hạn chế, thậm chí có xu hướng giảm dần tính theo phần trăm GDP. 

Tỷ trọng của chi đầu tư phát triển năm 2016 chỉ còn xấp xỉ 5% GDP, giảm một nửa so với 10% GDP của năm 2009.

Nghiên cứu của VEPR cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy luôn có sự tương quan giữa tỷ lệ chi ngân sách các nhóm nước với tỷ lệ động viên thu ngân sách. Theo đó, nhóm nước giàu có hơn thì tỷ lệ chi thường lớn hơn. 

Điều này có thể lý giải đơn giản vì các nước giàu thường có nguồn thu dồi dào hơn để thực hiện các mục tiêu chi ngân sách của mình. Trong khi đó, các nước nghèo buộc phải cân đối chi tiêu vì nguồn thu ngân sách hạn hẹp hơn. 

Tuy nhiên, trong nhóm nước ASEAN-5, Việt Nam có tỷ lệ chi ngân sách cao vượt trội so với bốn nước còn lại. Cụ thể, chi tiêu ngân sách những năm gần đây chiếm khoảng 30% GDP mỗi năm, so với chỉ 16 - 19% GDP của Indonesia hay 18 - 20% GDP của Philippines, nghiên cứu của tổ chức này cho hay.

Theo nghiên cứu của VEPR, nguồn thu ngân sách của Việt Nam khá cao so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nguồn thu này vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chi ngân sách, dẫn tới hậu quả tất yếu là tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên. 

Số liệu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính phân chia thâm hụt ngân sách nhà nước thành hai loại: Thâm hụt ngân sách theo chuẩn quốc tế (không bao gồm chi trả nợ gốc) và theo chuẩn Việt Nam (bao gồm chi trả nợ gốc).

Việt Nam trong những năm gần đây gánh chịu thâm hụt ngân sách lớn hơn mức trung bình của tất cả các nhóm nước. Nếu so với các nước khác trong nhóm ASEAN-5 thì tính báo động của hiện tượng này càng rõ rệt. 

Trong khi Philippines và Thái Lan có thâm hụt và thặng dư ngân sách chỉ quanh mức 1% GDP, cán cân ngân sách của Indonesia và Malaysia cũng chỉ thâm hụt không quá 3% GDP. Trong khi đó, Việt Nam liên tục có thâm hụt ngân sách lên tới 6 - 7% GDP vài năm trở lại đây, thể hiện sự cân đối thu chi kém hiệu quả.

Tính toán từ số liệu Quyết toán Ngân sách của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tổng tỷ trọng của chi thường xuyên và chi trả nợ gồm cả nợ gốc và nợ lãi trên tổng thu ngân sách tăng liên tục từ 76,88% năm 2005 lên tới 98,57% năm 2013, nghĩa là thu hầu như chỉ đủ cho chi thường xuyên và trả nợ. 

Tỷ trọng này tuy đã giảm dần sau năm 2013 nhưng vẫn đạt trên 90%. Điều này dẫn tới thực tế là Việt Nam phải tăng cường vay nợ ngày càng nhiều để có vốn dành cho đầu tư phát triển.

Nợ
TS. Nguyễn Đức Thành

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, với một nước đang phát triển như Việt Nam, vay nợ có thể xem là một công cụ cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư và khuyến khích phát triển sản xuất trong giai đoạn nền kinh tế còn có mức tích lũy thấp.

Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng cần được quan tâm. Thực tế đang cho thấy suy giảm về hiệu quả đầu tư tại Việt Nam theo thời gian. Nếu như chỉ cần trung bình 1 đồng vốn tạo ra 1 đồng doanh thu trong những năm 1990 - 1992 thì giai đoạn những năm 2000 - 2005 cần tới xấp xỉ 5 đồng vốn để cho ra 1 đồng doanh thu. Con số này là gần 7 đồng vốn vào những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. 

Điều này thể hiện sự phụ thuộc của nền kinh tế vào vốn đầu tư với hiệu quả đầu tư thấp. Những năm gần đây, đã có sự cải thiện nhưng sự bền vững của khuynh hướng này vẫn còn chưa rõ ràng, ông Thành cho hay.

Mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới

Tính đến hết năm 2015, tổng nợ công của Việt Nam đã tăng lên mức 61,0% GDP. Theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, nợ công hàng năm không được vượt quá 65% GDP, nợ chính phủ không vượt quá 54% GDP và nợ nước ngoài không vượt quá 50% GDP. Điều đó cho thấy số liệu nợ công vẫn ở trong mức an toàn tính tới năm 2015. 

Tuy nhiên, mức nợ công hiện đã rất gần ngưỡng trần do Quốc hội đặt ra. Trong khi đó, theo nghiên cứu của VEPR, nợ công có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực tới tăng trưởng của một nền kinh tế. Việc vay nợ là cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư công, khuyến khích phát triển sản xuất. Song, nếu nợ công tăng quá cao vượt qua một ngưỡng nhất định thì tác động tới tăng trưởng kinh tế có thể bị đảo ngược. 

Nợ công làm giảm tích lũy vốn tư nhân nếu Chính phủ tăng vay nợ, đặc biệt là vay trong nước. Nguồn cung vốn trên thị trường vốn tư nhân giảm dẫn tới lãi suất tăng, đẩy chi phí đầu tư tăng và dẫn tới đầu tư tư nhân giảm.

Mặt khác, Việt Nam cũng giống như các quốc gia phát triển khác phải vay nợ nước ngoài bằng những ngoại tệ mạnh. Việc Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA khi đã trở thành một nước thu nhập trung bình thấp khiến nước ta không còn được vay ưu đãi như trước. Áp lực trả nợ ngày càng lớn làm cho tiết kiệm quốc gia giảm, kéo theo sự suy giảm của đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Số liệu nợ công từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho thấy, nếu so sánh với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác, nợ công của Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn rất nhiều. Trong giai đoạn 2000 - 2016, từ chỗ có tỷ trọng nợ công/GDP thấp nhất trong nhóm nước đang phát triển, nợ công của Việt Nam đã tăng vọt lên trong những năm gần đây để vượt lên đứng đầu vào năm 2016.

Theo nghiên cứu “Hiệu ứng ngưỡng của nợ công và hàm ý chính sách cho Việt Nam” của TS. Phạm Thế Anh và Nguyễn Đức Hùng (2014), với đối tượng là các nước đang phát triển và mới nổi, mức nợ công nguy hiểm vào khoảng 57%. Như vậy, nợ công của Việt Nam đã bắt đầu tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.            

Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới gây gánh nặng nợ trong tương lai là rất lớn.