Tăng thuế VAT: Có nguồn thu để đối phó với ngân sách và nợ công tăng cao?

Nga Vũ - 14:56, 12/09/2017

TheLEADER"Về thuế giá trị gia tăng, chúng ta đang đứng trước yêu cầu có tiền để chi cho các chương trình ưu tiên, có nguồn thu để đối phó với sức căng về ngân sách cũng như là nợ công tăng cao", ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam nhấn mạnh.

Tăng thuế VAT: Có nguồn thu để đối phó với ngân sách và nợ công tăng cao?
Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam nhấn mạnh. Ảnh báo Tổ quốc

Ngày 17/8 vừa qua, Bộ Tài chính trình lên Quốc hội xem xét dự thảo sửa đổi năm luật thuế bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thuế tài nguyên. 

Dự thảo sửa đổi 5 luật thuế ngay khi công bố đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là nội dung sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) với việc đề nghị tăng thuế VAT từ 10% lên 12%. Nhiều chuyên gia kinh tế uy tín cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp - hiện vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số cả nước. 

Tại buổi Tọa đàm "Những điểm nhấn trong sửa đổi năm luật thuế" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 12/9, nhiều góc nhìn khá thú vị xung quanh dự thảo sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính.

Nói về mục đích và mục tiêu của dự thảo sửa đổi năm luật thuế lần này, bà Lê Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo sửa đổi năm luật thuế nhằm bốn mục đích chính.

Thứ nhất, việc sửa đổi các luật thuế nhằm cải cách hệ thống thuế và các chính sách, thực tế hóa quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước để cơ cấu lại chính sách và ổn định kinh tế vĩ mô và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Thứ hai, sửa luật thuế nhằm đồng bộ và thống nhất các chính sách trong hệ thống chính sách pháp luật về thuế, cụ thể là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư hay Luật Khoáng sản; qua đó khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, phân phối nguồn lực cho nền kinh tế.

Thứ ba, khắc phục tồn tại hạn chế của các luật thuế cũ, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển khoa học công nghệ và nông nhiệp.

Thứ tư, việc sửa đổi các chính sách về thuế nhằm để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhận xét về dự thảo luật này, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, việc Bộ Tài chính không sửa từng luật một mà đưa tất cả các nội dung sửa đổi, bổ sung của năm luật vào trong một dự thảo là cách làm luật hợp lý và có ý nghĩa lớn trong tiến trình hiện nay.

Nhiều nội dung trong dự thảo luật hướng tới điều chỉnh hành vi, cách thức hoạch định và kế hoạch của các doanh nghiệp Việt Nam, hành vi tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình và cá nhân.

Theo ông Ánh, việc thay đổi chính sách thuế sẽ có tác động đến toàn bộ nền kinh tế và xã hội do đó nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Việc lựa chọn năm sắc thuế đóng vai trò then chốt trong thuế và phí để sửa đổi giúp giải được bài toán quan trọng đó là cơ cấu lại khoản thu ngân sách trong đó có thuế và phí.

Đối với những nội dung sửa đổi liên quan đến thuế doanh nghiệp, theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, quá trình thực hiện những nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân chưa thực sự hiệu quả, cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả và điều chỉnh để phục vụ cho doanh nghiệp, thích ứng với sự phát triển của doanh nghiệp.

"Về thuế giá trị gia tăng, chúng ta đang đứng trước yêu cầu có tiền để chi cho các chương trình ưu tiên, có nguồn thu để đối phó với sức căng về ngân sách cũng như là nợ công tăng cao", ông Giám bình luận.

Băn khoăn tính khả thi 

Theo bà Lê Mai Liên, bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng khó khăn vì tác động đến nhiều đối tượng và nhiều mặt của nền kinh tế, xã hội. Để chính sách được thực thi cần phải có được sự đồng thuận của người dân. 

Quan điểm của cơ quan soạn thảo: Sửa đổi các luật thuế trên cơ sở các tác động tổng thể chung chứ không đứng ở một nhóm lợi ích nào. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến đóng góp từ người dân cũng là một trong những cách mà Bộ Tài chính có được thông tin để xem xét và cân nhắc những phương án và chính sách để việc sửa đổi năm luật thuế được hiệu quả, bà Liên khẳng định.

Liên quan đến tính khả thi và tính thuyết phục của dự thảo Luật sửa đổi năm luật thuế lần này, theo ông Ánh, dự thảo luật lần này có rất nhiều nội dung tiến bộ vừa khắc phục các hạn chế của các luật trước đó vừa tạo điều kiện để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo.

Một số nội dung trong dự thảo lần này được đưa ra sẽ tạo ra sự tranh luận và trao đổi trong dư luận. Đây là cơ hội để những người soạn thảo dự thảo luật sửa đổi các luật thuế lần này có lập luận và căn cứ cho những nội dung điều chỉnh và sửa đổi.

Tuy nhiên, để được sự đồng tình của xã hội và dư luận, theo Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ngoài việc đưa ra những nội dung tích cực thì những nội dung còn tranh luận cần phải có những lập luận cơ sở. Đặc biệt là phải tập trung vào đánh giá các tác động có lợi và không có lợi của việc dự thảo sửa đổi năm luật thuế.

Trên quan điểm của doanh nghiệp, ông Đào Huy Giám cho biết, doanh nghiệp và người dân kỳ vọng có hệ thống thuế hoàn chỉnh và hiệu quả. Một trong những điểm trọng yếu trong dự thảo sửa đổi luật lần này là hướng tới phát triển kinh tế xã hội và có những hỗ trợ hợp lý cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Giám, trong tiến trình xây dựng hệ thống pháp luật cần phải có tính ổn định và minh bạch bởi vì sau 5 năm sửa bốn bộ luật liên quan đến sắc thuế và sau chín năm sửa luật thuế tài nguyên thì thời gian tương đối là gần so với thời điểm ban hành. 

"Nếu dự thảo luật sửa đổi lần này được Quốc hội thông qua thì thời gian thực thi nên được kéo dài hơn để đảm báo tính ổn định. Về mặt kỹ thuật, không nên sau năm năm hay bảy năm lại sửa đổi", ông Giám nhấn mạnh.