Chìa khóa giúp doanh nghiệp thủy sản đón thời cơ sau dịch Covid-19

Nhật Hạ - 18:17, 02/04/2020

TheLEADERGiảm lãi suất cho vay, kinh phí công đoàn, giá điện, phí BOT, phí giao dịch ngân hàng… là các khoản mà VASEP đề xuất Chính phủ xem xét miễn, giảm cho doanh nghiệp thủy sản, bên cạnh các đề xuất miễn giảm các loại thuế đang được đưa ra.

Khó khăn trùng trùng trong mùa dịch

Theo số liệu từ cuộc khảo sát các hội viên của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến gần cuối tháng 3, tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu đã ký bị khách yêu cầu tạm hoãn và hủy ở mức rất cao 50 – 70%.

Con số này tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt, phần lớn các đơn hàng tôm của thị trường châu Âu đều bị hoãn hoặc hủy.

Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Do đó, VASEP cho biết, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản hiện đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.

Thứ nhất, nhiều khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng khiến doanh nghiệp Việt thu hồi tiền hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.

Thứ hai, lãi suất cho vay. Mặc dù đến nay, đã có 1 số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhưng việc thực hiện chưa đồng đều ở các ngân hàng và tại các địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng.

Thứ ba, doanh nghiệp chịu nhiều loại phí tại ngân hàng cho các đơn hàng xuất khẩu trong tình trạng khó khăn như phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí báo Có tiền về, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí gửi hồ sơ ...

Thứ tư, phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu gặp khó khăn hiện nay như chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu container tại cảng... Chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19.

Thứ năm, các chi phí đầu vào thông thường như điện, nước, nguyên vật liệu, tiền lương công nhân… cũng là vấn đề lớn trong bối cảnh ít đơn hàng được ký và hoạt động sản xuất gần như cầm chừng.

Theo số liệu từ VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước quý I năm nay ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. 

Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với 31%, chủ yếu do giảm sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm sâu (cá ngừ giảm 13,5%, mực-bạch tuộc giảm 28%).

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Trong khi đó, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch. 

Hơn nữa, sau khi dịch Covid-19 bớt căng thẳng tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này có nhu cầu nhập khẩu nhưng khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn.

Khó đón bắt thời cơ khi hết dịch Covid-19

VASEP cho biết, trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất xuất khẩu được phục hồi thì nguồn nguyên liệu hiện có chỉ có thể đáp ứng được 50% - 70% nhu cầu sản xuất.

Chìa khóa giúp doanh nghiệp thủy sản đón thời cơ sau mùa dịch Covid-19
Một hệ thống kho lạnh trữ hàng lớn là yếu tố mang tính cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Nguyên nhân chính đến từ tình hình ngập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ảnh hưởng đến việc nuôi trồng nguyên liệu thủy sản cho chế biến và xuất khẩu.

Trong khi đó, người nuôi tôm/cá tra nguyên liệu lo sợ giá tiếp tục giảm sâu nên thu hoạch sớm và có xu hướng hạn chế nuôi hay bỏ ao vì khó trụ qua giai đoạn này.

Với các doanh nghiệp hải sản khai thác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị thiếu khoảng 50%, như các doanh nghiệp tôm hiện đang ngưng nhập khẩu tôm một phần do không còn kho lạnh để chứa bao gồm ở cả kho của doanh nghiệp và kho thuê.

Ngoài ra, do thiếu kho lạnh trầm trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp thủy sản hiện đang hạn chế thu mua nguồn nguyên liệu tôm cá của bà con nông-ngư dân, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.

Một hệ thống kho lạnh trữ hàng lớn là yếu tố mang tính cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay cho cả bối cảnh vượt qua đại dịch trước mắt và cả tầm chiến lược cho ngành hàng trong tương lai. 

Thêm nữa, VASEP cho biết việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU…

“Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II và III năm nay, còn một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều”, hiệp hội nhấn mạnh.

VASEP liên tục gửi công văn đề nghị

Cơ chế chính sách cụ thể cho đầu tư hệ thống kho lạnh trữ hàng là đề xuất mới nhất của VASEP gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vào ngày 2/4.

Công văn nêu rõ, "trong bối cảnh khó khăn ách tắc hiện nay, thì kho lạnh trữ hàng thực sự cần thiết hơn bao giờ hết”. 

Tuy nhiên, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.

Vì vậy, VASEP đề nghị, hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên. Đồng thời, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Vào ngày 31/3, VASEP cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng đã có công văn đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn 1 trong 2 giải pháp trả lương cho người lao động.

Giải pháp thứ nhất, doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận mức lương có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, người lao động chấp nhận mức lương này.

Giải pháp thứ hai, các hiệp hội đề nghị cho phép áp dụng ngay Điều 99 của Luật Lao động 2019: Trong trường hợp ngừng việc do dịch bệnh thì 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, từ ngày 15 trở đi theo mức lương do 2 bên thỏa thuận.

Trước đó vài ngày, VASEP có gửi một công văn riêng với 9 đề nghị khác tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Thứ nhất, miễn nộp kinh phí công đoàn trong năm 2020 khi khoản này hiện chiếm 2% quỹ lương của các doanh nghiệp.

Mặc dù, trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản ngày 18/3 lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo văn bản này, các doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao độn đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên được lùi thời điểm đóng phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. Lịch này cũng có thể lùi đến 31/12/2020 nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm, doanh nghiệp còn khó khăn.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VASEP với các doanh nghiệp hội viên, mặc dù rất khó khăn, một số doanh nghiệp vẫn giữ nguyên lực lượng công nhân và phân chia lịch làm việc cho phù hợp với điều kiện sản xuất và điều chỉnh mức lương phù hợp. Một số doanh nghiệp cho một số công nhân tạm nghỉ việc nhưng có trợ cấp lương trong thời gian nghỉ tạm thời.

Thứ hai, tạm dừng việc đóng bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm.

Thứ ba, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Thứ tư, giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.

Thứ năm, tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 để giảm chi phí vận chuyển.

Thứ sáu, giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra - kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm giảm áp lực về thời gian và nhân lực cho cácdoanh nghiệp thủy sản.

Thứ bảy, có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này. Đề nghị các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.

Thứ tám, đề xuất các ngân hàng giảm các loại phí khi doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được gói vay lãi suất ưu đãi.

Thứ chín, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho bối cảnh 2020-2021, giảm thiểu các thủ tục hành chính.