Chia lại thị phần ví điện tử Việt Nam

Việt Hưng - 17:15, 24/05/2023

TheLEADERTheo Decision Lab, ba cái tên lần lượt dẫn đầu thị trường ví điện tử Việt Nam là MoMo, ZaloPay và ViettelPay, trong khi Moca bất ngờ rơi xuống vị trí thứ 6.

Cách đây hơn 3 năm, công ty nghiên cứu thị trường Cimigo công bố nghiên cứu về nhận định và hành vi của người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam.

Nghiên cứu bước đầu cho thấy, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM. Đồng thời, ba ví này chiếm tới 90% thị phần người dùng ví điện tử.

Đáng chú ý, ở năm 2020 - thời điểm Cimigo công bố nghiên cứu, tần suất người dùng Việt Nam sử dụng 3 ví điện tử MoMo, Moca và ZaloPay là ngang nhau, thì tới năm 2023 những con số này đã có sự thay đổi rõ rệt.

Cụ thể, theo báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" công bố bởi Decision Lab và Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam trong quý 1/2023, 6 ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam tiếp tục là MoMo, Moca, ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay và VNPay.

Tuy nhiên, 3 ví điện tử thông dụng hàng đầu đã không còn cái tên Moca. Ví điện tử nằm trong hệ sinh thái Grab Việt Nam đã bất ngờ tụt xuống vị trí thứ 6, với mức độ thâm nhập thị trường chỉ là 7%, theo Decision Lab.

Ba cái tên lần lượt dẫn đầu thị trường ví điện tử Việt Nam là MoMo, ZaloPay và ViettelPay. So với 3 năm trước, bảng xếp hạng này được bổ sung thêm ví điện tử ShopeePay xếp thứ 4, và xếp thứ 5 là ví điện tử VNPay - Kỳ lân thứ 2 của Việt Nam.

Chia lại thị phần ví điện tử Việt Nam
Chia lại thị phần ví điện tử Việt Nam

Xét trên độ tuổi người tiêu dùng, MoMo dẫn đầu ở cả ba thế hệ Gen X, Y và Z. Đặc biệt, MoMo có mức độ yêu thích cao hơn 50% đối với hai nhóm người dùng Gen Z (từ 16-25 tuổi) và Gen Y (từ 26-41 tuổi), với tỷ lệ lần lượt là 51% và 54%.

Tương tự với góc độ truyền thông, bảng xếp hạng ngành fintech năm 2022 được Reputa - Hệ thống giám sát và phân tích thông tin trên môi trường mạng ghi nhận, MoMo hiện đứng số 1 bảng xếp hạng công ty thanh toán điện tử theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội, với tổng điểm cao nhất.

Số điểm mà MoMo có được cao gấp gần 4 lần so với đơn vị xếp thứ hai - Shopee Pay. Ở vị trí thứ ba là VNPay, theo sau lần lượt là VTC Pay và Viettel Money.

Những con số nói trên không chỉ cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường ví điện tử Việt Nam, mà còn phần nào phản ánh thói quen sử dụng các công cụ thanh toán không tiền mặt của người Việt đã có sự cải thiện.

Báo cáo của Q&Me gần đây ghi nhận, 75% người dùng điện thoại thông minh sử dụng ứng dụng thanh toán di động hoặc ứng dụng ngân hàng trực tuyến.

Điều này cho thấy trong vài năm gần đây, thói quen quản lý tài chính và thanh toán của người Việt đã thay đổi đáng kể. Hầu hết người Việt chuộng xu hướng thanh toán không tiền mặt và các giải pháp đầu tư - tích lũy trên các ứng dụng di động.

Khảo sát của Visa cho thấy phần lớn người tiêu dùng Châu Á - Thái Bình Dương (55%) có khả năng sẽ sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại, mặc dù các phương thức này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong khu vực.

Trong khi đó, Việt Nam đã chứng kiến ​​sự gia tăng trong việc sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán trong những năm gần đây, với hơn 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, và hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động.