Chủ tịch 4 tỉnh vùng Đông Nam Bộ gặp nhau thúc đẩy các dự án kết nối vùng

Hứa Phương - 16:11, 04/03/2023

TheLEADERChủ tịch 4 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã có buổi làm việc ngoài giờ hành chính để bàn cách thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng.

Tối ngày 3/3, chủ tịch UBND 4 tỉnh Đông Nam Bộ gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc để triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng.

Đáng chú ý, buổi làm việc bắt đầu lúc17h và kết thúc tối muộn cùng ngày, tức ngoài giờ hành chính.

Vùng Đông Nam Bộ được Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.

Hiện tại vùng Đông Nam Bộ đang triển khai các dự án giao thông trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu…nên đòi hỏi cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh.

Thực tế hiện nay TP.HCM đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Do đó, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.

Còn với Bình Dương, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì cần thêm đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần kéo giãn hành lang vận tải lên phía bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa để đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ rẽ vào Vành đai 4 thay đi theo Vành đai 2 và Vành đai 3 như hiện nay.

Từ đó tạo tiền đề cho TP Thuận An, Dĩ An có khoảng không để tái thiết, chuyển dịch cơ cấu theo hướng đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, tri thức.

Các địa phương cũng đề xuất cụ thể đến các nút kết nối giao thông trong vùng như: Cầu kết nối thành phố Thủ Đức, TP.HCM với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - An Lạc, cầu Tân Hiền - Thường Tân nối tỉnh Đồng Nai với Bình Dương…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đề án, dự án của từng địa phương được giao có tác động đến phát triển vùng thì cần trao đổi, xin ý kiến nhau. Với TP.HCM, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là vật liệu cung cấp cho các dự án giao thông. Ông Mãi đề xuất Bình Dương, Đồng Nai phối hợp với TP.HCM thực hiện khảo sát nguồn vật liệu cho dự án, đảm bảo nguồn và điều phối nguồn vật liệu.

Bốn địa phương thống nhất cùng nhau phối hợp chặt chẽ triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và các tuyến giao thông của mỗi địa phương nhưng có tác động vùng. Giao thông phát triển đi đầu, thông suốt sẽ tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác phát triển.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.