Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về vốn sau 30 năm đổi mới

Việt Hưng - 15:34, 07/08/2018

TheLEADERChủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng các bộ, ban ngành, các ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ nút thắt tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát biểu tại Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ cách đây 30 năm – khi ghiên cứu về các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ông và các đồng nghiệp đã phát hiện ra 3 vấn đề lớn nhất, liên quan mật thiết tới sự phát triển của các đơn vị này tại Việt Nam.

“Thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba cũng là vốn”, ông Lộc nói.

Sau 30 năm nền kinh tế Việt Nam đổi mới, Chủ tịch VCCI ghi nhận, nhiều vấn đề đã được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển cho thấy những tín hiệu khả quan. Nhưng đáng buồn là 3 vấn đề trên vẫn tồn tại.

Tín dụng DNNVV tại Việt Nam hiện chỉ chiếm 21% trên tổng số dư nợ tín dụng. Dù phía cơ quan chức năng, lẫn ngân hàng đã cởi mở hơn, nhưng 60% các doanh nghiệp hiện nay vẫn không thể tiếp cận, hoặc sử dụng được vốn ngân hàng.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện để huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Hơn nữa, thị trường chứng khoán đã và đang trồi sụt thất thường, thanh khoản thấp, nên việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu rất khó khăn.

Chưa kể, việc tiếp cận vốn từ quỹ hỗ trợ cũng không thực sự thuận lợi, khi các quỹ này chưa cụ thể hoá các tiêu chí của Luật hỗ trợ SME, như yếu tố tài sản bảo đảm, tính minh bạch thông tin, các trình tự thủ tục rõ ràng.

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn về vốn sau 30 năm đổi mới
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Ông Lộc nêu ví dụ: “Không cần nói đâu xa, tôi có thể nêu ngay một ví dụ, đó là các công ty khởi nghiệp. Khởi nghiệp bắt nguồn từ người trẻ, vì trẻ, vì mới, nên họ khó vay vốn. Thay vì cứ bắt người trẻ phải chứng minh năng lực về vốn, tại sao chúng ta không tận dụng thế mạnh của họ là trí tuệ, ý tưởng, phương án kinh doanh. Hơn ai hết, những đối tượng như vậy cần sự hỗ trợ của xã hội”.

Do đó, theo chủ tịch VCCI, trách nhiệm hiện nay thuộc về cả 3 nhà: nhà nước (bao gồm các bộ, ban, ngành), nhà băng (ngân hàng, các quỹ hỗ trợ) và chính các nhà kinh doanh là chủ các doanh nghiệp.

Về phía nhà nước, ông Vũ Tiến Lộc nêu thực trạng vẫn còn nhiều chính sách “rào cản, không kích thích sáng tạo trong kinh doanh”.

Về phía nhà băng, các chính sách tín dụng chưa thực sự bình đẳng dành cho DNNVV. Ông Lộc cho rằng, phần lớn các nhà băng hiện nay vẫn chỉ ưu tiên các khoản tín dụng lớn dành cho các DN.

Thêm vào đó, hình thức cho vay phổ biến vẫn là cho vay thế chấp, dựa trên tài sản đảm bảo. Nhưng thực tế, nền kinh tế số, khởi nghiệp, hay đầu tư vào nông nghiệp không có nhiều tài sản để vay thế chấp.

Chủ tịch VCCI đề xuất, nhà băng nên cân nhắc cho vay thế chấp dựa trên ý tưởng, phương án sản xuất, kinh doanh. Bởi tại nhiều nước phát triển, hình thức này đã được áp dụng từ lâu nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, kích thích sáng tạo.

Về phía các DNNVV, thời điểm này nước ta có khoảng 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Dù có đóng góp lớn, nhưng tỉ lệ các DNNVV được tiếp cận nguồn vốn lành mạnh là không cao. Do đó, ông Lộc đưa ra giải pháp:

“Cốt lõi của vấn đề là cả 3 nhà cần ngồi lại với nhau. Các bên cần cải thiện quan hệ, không chỉ là cơ chế xin cho, mà phải là cộng sinh giữa ngân hàng – doanh nghiệp, quỹ - doanh nghiệp. Có như vậy, nút thắt thể chế, nút thắt tín dụng và nút thắt trong quản trị doanh nghiệp mới được tháo gỡ”.

Từ phía nhà nước, Chủ tịch VCCI đề xuất, cần nới lỏng các khuôn khổ chính sách, pháp lý, khuyến khích khởi nghiệp, kích thích sáng tạo.

Từ phía nhà băng cần các phương thức cho vay mới, các gói cho vay linh hoạt, thậm chí là hỗ trợ, định hướng cho các đơn vị khởi nghiệp. Các tổ chức tài chính, tín dụng, bảo hiểm cần có sự tương tác, bọc lót cho nhau, hướng tới hỗ trợ DNNVV.

Về phía doanh nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh cần sự minh bạch hơn trong quản trị. Bởi tín dụng chính là niềm tin. Nếu không minh bạch, niềm tin sẽ khó đạt được. Và đó cũng chính là lý do các quỹ hỗ trợ, ngân hàng nói không với các DNNVV ở nước ta.