Chuỗi giá trị tái chế: Bài học từ quốc tế

Sơn Phạm - 09:54, 23/07/2020

TheLEADERNhiều dự án, sáng kiến nhằm thu gom, xử lý và tái chế rác thải đã được triển khai tại các quốc gia trên thế giới có thể đem lại nhiều bài học quý báu cho công cuộc thúc đẩy chuỗi giá trị tái chế, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

>> Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, vì một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp

Đứng trước bối cảnh môi trường bị tàn phá nặng nề, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và những hiệu ứng biến đổi khí hậu ngày càng có diễn biến phức tạp, giải pháp 3R (Reduce – tiết giảm, Reuse – tái sử dụng và Recylce – tái chế) được xem là phương án hữu hiệu nhất để giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong đó, tái chế là cơ sở để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, vừa xử lý hiệu quả rác thải, vừa đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, quá trình chuỗi giá trị hóa tái chế ở Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều vướng mắc khó tháo gỡ.

Chuỗi giá trị tái chế: Bài học từ quốc tế
Tái chế là cơ sở để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, vừa xử lý hiệu quả rác thải, vừa đem lại lợi ích về kinh tế.

Các khó khăn, thách thức đặt ra có thể kể đến như vấn đề liên quan tới lực lượng thu gom, xử lý rác thải phi chính thức, giới hạn về nguồn lực cũng như ý thức của người tiêu dùng chưa cao.

Đứng trước thực trạng này, đại diện của tập đoàn VEOLIA – đơn vị cung cấp giải pháp tái chế và quản lý tài nguyên hàng đầu thế giới, đối tác của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) – đã giới thiệu một số sáng kiến mà các quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện rất thành công và có tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam.

Hệ thống hóa quá trình thu gom và xử lý rác thải

Cũng giống như Việt Nam, tại Colombia có nhiều người hành nghề nhặt nhạnh, thu gom rác thải có khả năng tái chế để bán lại cho các đơn vị xử lý rác thải như một phương tiện mưu sinh.

Lực lượng thu gom rác thải phi chính thức kể trên có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới môi trường và cản trở quá trình thực thi các chính sách thúc đẩy chuỗi giá trị tái chế bên cạnh những rủi ro có thể xảy đến do điều kiện làm việc kém chất lượng. Từ đó, một giải pháp đã được đưa ra, với sáng kiến kết nối những người thu gom rác trở thành các hợp tác xã.

Các hợp tác xã này có nhiệm vụ liên kết những người nhặt rác, cung cấp cho họ công cụ lao động, công cụ bảo hộ, kho tập kết và phân loại rác. Những đơn vị tái chế, xử lý rác thải sẽ hợp tác với hợp tác xã trong việc thu mua những rác thải đã được phân loại và xử lý sơ. Qua đó, không chỉ nâng cao hiệu quả của quá trình tái chế, mô hình hợp tác xã còn giúp những người làm nghề nhặt rác có thu nhập ổn định, điều kiện lao động tốt hơn và sẵn sàng tiếp nhận thêm lao động mới, giảm gánh nặng việc làm cho xã hội.

Dự án STOP tại Indonesia là một phương pháp thành công trong việc tổ chức hóa chuỗi tái chế dưới góc độ vĩ mô. Là sáng kiến được thực hiện bởi Công ty hóa chất Borealis và tổ chức SYSTEMIQ, dự án STOP tập hợp các chuyên gia trong những lĩnh vực liên quan, tiến hành hợp tác cùng chính quyền địa phương nhằm thực hiện dự án thí điểm bắt đầu tại những thành phố cụ thể.

Chuỗi giá trị tái chế: Bài học từ quốc tế 1
Các công nhân làm việc trong nhà máy tái chế thuộc dự án STOP tại Indonesia.

STOP thúc đẩy hoạt động tái chế ở các địa phương bằng cách thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ, tư vấn mô hình quản lý. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm tái chế sẽ được dùng để chi trả tiền lương cho công nhân và trang trải chi phí vận hành hệ thống.

Tiến hành các dự án thí điểm ở từng địa phương sẽ giúp tập trung nguồn lực để giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm tại mỗi địa phương mà không lo thiếu hụt về nguồn lực. Bên cạnh đó, những nơi chưa có dự án được triển khai cũng sẽ hưởng lợi thông qua hiệu ứng lan tỏa.

Đánh vào lợi ích để nâng cao ý thức tái chế

Yoyo (Pháp) là nền tảng thông minh thúc đẩy quá trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải thông qua hình thức “vui chơi có thưởng”. Theo đó, người dùng có thể đăng ký tham gia, thu gom rác thải có khả năng tái chế vào những chiếc túi Yoyo thông qua các liên lạc viên của chương trình.

Sau khi các túi rác thải tái chế được thu nhận bởi liên lạc viên, hệ thống sẽ ghi điểm thưởng tương ứng cho người dùng. Người tiêu dùng có thể nhận được những phần quà được cung cấp bởi Yoyo hoặc các doanh nghiệp đối tác: vé xem phim, hòa nhạc, xem bóng đá hay phương tiện giao thông công cộng.

Chuỗi giá trị tái chế: Bài học từ quốc tế 2
Người dùng có thể đăng ký tham gia, thu gom rác thải có khả năng tái chế vào những chiếc túi Yoyo thông qua các liên lạc viên của chương trình.

Trên khắp nhiều tuyến phố ở Indonesia, có một số ngân hàng đặc biệt được xây dựng. Với phương châm “rác thải là tài nguyên”, những ngân hàng này nhận rác thải rắn đã được phân loại của người dân và trả tiền cho họ thông qua các cuốn sổ tiết kiệm, hoặc đổi lấy gạo, cà phê hay xà phòng tẩy rửa.

Dự án ngân hàng rác thải là kết quả từ những cuộc tranh luận của các nhà hoạch định chính sách về vấn đề trách nhiệm xử lý rác thải. Các chuyên gia môi trường Indonesia lập luận, nếu cứ quy kết trách nhiệm cho nhà nước và thu gom, tập kết rác thải theo cách thông thường, vấn nạn ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng hơn cùng với sự gia tăng dân số. Từ đó, họ lập luận và đưa ra giải pháp gán lợi ích cho quá trình thu gom và phân loại rác thải để người dân tích cực tham gia hơn vào quá trình tái chế.

Các chuyên gia từ VEOLIA cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá cao những sáng kiến kể trên và mong muốn những giải pháp tương tự sẽ được nhân rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, dự án thúc đẩy chuỗi giá trị tái chế và giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải rắn do PRO Việt Nam phối hợp với VEOLIA thực hiện sẽ được tiến hành vào tháng 9 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh. Dự án sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan tới nâng cao giá trị tái chế, truy xuất nguồn gốc rác thải và khẳng định vai trò của các lực lượng thu gom rác thải phi chính thức.

Đại diện của VEOLIA cho biết, những sáng kiến xử lý rác thải kể trên sẽ trở thành nguồn ý tưởng quý báu giúp VEOLIA và PRO Việt Nam tìm ra phương án thích hợp nhất cho ngành công nghiệp tái chế cũng như nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp”.