Chuyển đổi số quốc gia gắn liền với bài toán dữ liệu

Việt Hưng - 15:32, 29/12/2023

TheLEADERBộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu bước đầu đã mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó giải quyết triệt để.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Đánh giá kết quả về chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỉ lệ 81%.

Năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75.

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Chuyển đổi số quốc gia gắn liền với bài toán dữ liệu
Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á

Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Năm 2023, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.

Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/ha/năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022.

Đại diện nhóm doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, doanh nghiệp đã học được nhiều bài học về xây dựng cơ sở dữ liệu.

"Quan trọng nhất, chúng tôi thấy khó khăn nhất là dữ liệu chưa tập trung, định dạng chưa thống nhất, quản lý chưa có… Đây là bài toán khổng lồ, nếu làm bằng tay hàng ngàn người cũng không làm kịp", ông Trương Gia Bình nói.

Theo ông Bình, Việt Nam cần có nhiều công nghệ, công cụ mới làm tốt được và xây dựng cơ sở dữ liệu đúng, đủ, sạch và sống. Nếu sai lệch sẽ dẫn đến nhiều phiền phức.

Chuyển đổi số quốc gia gắn liền với bài toán dữ liệu 1
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT

Đồng tình với ý kiến này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu bước đầu đã mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó giải quyết triệt để.

Điển hình, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và bảo hiểm thuận lợi hơn cho người dân đi khám bệnh, chỉ cần cung cấp căn cước công dân, quy trình từ 4 bước rút gọn còn 2 bước. Thời gian cho mỗi lượt xác thực từ 10 phút xuống chỉ còn 6-13 giây.

Đề xuất các giải pháp giúp đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam, Chủ tịch FPT tin rằng, bài toán lớn nhất hiện nay là thiếu quy trình minh bạch, đảm bảo an toàn để tất cả bộ, ban, ngành địa phương tự tin chuyển đổi số.

"Tôi hy vọng rằng những giải pháp được thông qua, tháo gỡ những vướng mắc để triển khai chuyển đổi số thời gian tới", ông Bình nói.

Bên cạnh đó, người đứng đầu FPT cũng đề cập đến tương lai Việt Nam gắn với AI và chip. Theo ông, nếu tận dụng chuyển đổi số để đẩy mạnh AI, chip sẽ mang đến lợi ích kép, thậm chí lợi ích "tam kép" nếu ứng dụng cả chuyển đổi xanh.