Chuyên gia nói gì về đề xuất lùi thời gian thông qua luật đặc khu?

An chi - 08:15, 10/06/2018

TheLEADERQuyết định của Chính phủ trong việc đề xuất lùi thời gian thông qua dự án luật đặc khu kinh tế đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của giới chuyên gia và dư luận.

Chuyên gia nói gì về đề xuất lùi thời gian thông qua luật đặc khu?
Phú Quốc, Kiên Giang.

Trước những phản biện trái chiều liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét lùi thời gian thông qua dự thảo luật sang kỳ họp sau.

Theo đó, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, tại kỳ họp này, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Việc làm này nhằm có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Quyết định của Chính phủ trong việc chưa thông qua dự án luật đặc khu kinh tế vừa được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ của giới chuyên gia và dư luận. 

Lùi thời gian thông qua luật đặc khu là "động thái đáng mừng"!
TS. Nguyễn Đức Thành

Trao đổi với TheLEADER, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, quyết định của Chính phủ là một động thái rất đáng mừng. 

Điều này chứng tỏ Chính phủ đã nhận ra những điểm chưa hợp lý trong dự thảo Luật đặc khu kinh tế khiến dư luận lên tiếng không đồng thuận. Qua đó, Chính phủ đã quyết định lùi thời gian thông qua để tiếp tục hoàn thiện, dự án luật.

Cũng theo ông Thành, tinh thần của dự thảo luật đặc khu hiện nay chưa rõ ràng, nội dung quan trọng nhất trong dự thảo luật là tạo ra những đột phá về môi trường kinh doanh, thể chế hành chính không làm được. Trong khi đó, lại quá sa đà vào các tiểu tiết, tủn mủn làm lợi cho một nhóm lợi ích nhỏ, không tốt đối với một đặc khu.

Khi xây dựng dự thảo luật đặc khu, ông Thành cho rằng, chúng ta có thể đưa ra một khung luật chung, tạo ra những tiền đề đơn giản nhưng rõ ràng thế nào là một đặc khu. Sau đó, triển khai tiếp các vấn đề cụ thể ở các văn bản pháp quy khác hoặc luật mới. Luật tốt hơn hết là không cần quá dài, quy định những điều cơ bản để tạo động lực cho địa phương, tạo độ mở tư duy cho toàn dân đóng góp thêm. 

Trong đó cũng không cần biết cho thuê đất 99 năm hay 50 năm, không cần casino hay tự do hóa mại dâm... bởi đó không phải là những vấn đề quá lớn.

Một nhà đầu tư thực sự có tầm nhìn thì họ sẽ quan tâm là trong đặc khu có nguồn cung lao động chất lượng cao hay không, có phải là nơi ổn định, đáng tin cậy để mở các phòng thí nghiệm lớn, đầu tư xây dưng các cơ sở lớn về công nghệ và công nghiệp hay không.

Muốn biến đặc khu thành một cái "tổ phượng hoàng", chính là xây một căn phòng tiện nghi, an toàn, mà nhà đầu tư lớn có thể thoải mái ngủ trong đó và nằm mơ những giấc mơ của họ, thực thi ước mơ của họ. Họ sẽ tự đề ra kế hoạch để biến khát vọng, ước mơ đó thành hiện thực. 

"Chúng ta đừng nghĩ hộ, mơ hộ nhà đầu tư khi mà giấc mơ của chúng ta còn bị giới hạn bởi nhận thức. Nhà đầu tư quốc tế họ giỏi hơn, mạnh mẽ hơn chúng ta và chúng ta cần những người như vậy. Như thế, Luật đặc khu cần có một cách tư duy với độ mở rộng hơn, tinh thần cao hơn, xa hơn khi nhìn về đặc khu", ông Thành nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng rất hoan nghênh quyết định của Chính phủ trong việc lùi thời gian thông qua luật đặc khu. Ông Doanh cho rằng. điều này chứng tỏ lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến đóng góp một cách thiện chí của nhân dân, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội. 

Đây là bước đầu tốt đẹp để các ý kiến đóng góp cho dự thảo luật đặc khu sẽ được Chính phủ tham khảo một cách nghiêm túc, quá trình sửa đổi bổ sung luật sẽ được tiến hành dân chủ, cởi mở, tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp hợp lý để hoàn thiện.

Chuyên gia nói gì về đề xuất lùi thời gian thông qua luật đặc khu? 1
TS. Lê Đăng Doanh

Theo ông Doanh, dự án Luật đặc khu kinh tế hiện còn nhiều vấn đề gây tranh luận trái chiều. Để hoàn thiện dự án luật, Chính phủ cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề về cải cách thể chế, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng.

Đồng thời, khi xây dựng đặc khu cần cân nhắc thận trọng giữa các yếu tố phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng, vị chuyên gia này cho hay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, Luật đặc khu kinh tế cần được nghiên cứu, xem xét lại các yếu tố không chỉ kinh tế mà còn cả xã hội, an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt là các vấn đề về thể chế hành chính, thời hạn cho thuê đất, ưu đãi về thuế tại các đặc khu kinh tế đang rất được dư luận quan tâm và còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều hiện nay, bà Lan nhận định.

Trước đó, thảo luận về chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 7/6, nhiều đại biểu đã kiến nghị lùi thời gian không thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị cân nhắc cẩn trọng về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cụ thể là lùi thời gian, không thông qua trong kỳ họp này, sau khi có kết quả giám sát về đất đai ở ba nơi sẽ thông qua trong kỳ họp tới của Quốc hội.

Theo đại biểu Thái Trường Giang, có thể lồng ghép với chuyên đề trên chương trình giám sát ở 3 nơi mà Quốc hội chuẩn bị cho lập đặc khu kinh tế. Giám sát xem vấn đề đất đai ở đó được sử dụng, chuyển đổi mục đích, giao dịch như thế nào để có cơ sở đánh giá kỹ những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Lùi thời gian thông qua, theo đại biểu Giang sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận ở kỳ họp này.