Tiêu điểm
Nỗi lo xuất khẩu ‘giảm tốc’ và FDI tiếp tục ‘ảm đạm’ vào cuối năm và năm 2023
Đây là hai động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong cuối năm và cả năm 2023 khi nhu cầu trên thế giới có nguy cơ giảm mạnh do suy thoái kinh tế và lạm phát cao.
Dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu
Gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã nhận định ngày càng có nhiều cơ sở cho thấy kinh tế toàn cầu đang dần bước vào thời kỳ suy thoái.
Trong báo cáo mới nhất ngày 15/9, Ngân hàng Thế giới cho biết tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại mạnh mẽ và có khả năng chậm hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Dự báo ước tính GDP toàn cầu năm tới chỉ tăng 0,5%.
Khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, thế giới có thể tiến tới một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023 và một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ kéo dài thời kỳ ‘đen tối’ đó.
Sự sụt giảm sẽ diễn ra trên diện rộng ở một số chỉ số như sản xuất công nghiệp, dòng vốn xuyên biên giới, việc làm và thương mại.
Tại Mỹ, ngày 16/9, Goldman Sachs đã hạ dự báo GDP của Mỹ năm sau xuống còn 1,1%, từ mức 1,5% đã ra trước đó. Đồng thời dự báo tăng trưởng năm nay được giữ nguyên ở mức 0%. Tổ chức này cho rằng lộ trình tăng lãi suất liên tục kết hợp với việc thắt chặt điều kiện tài chính gần đây cho thấy triển vọng tăng trưởng và việc làm ở Mỹ có phần kém hơn trong năm tới.
Còn tại châu Âu, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có khả năng sẽ làm giảm tiêu dùng tại khu vực này. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ suy giảm trong năm nay, trong đó Ngân hàng JPMorgan Chase dự báo nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ giảm 2% trong quý 4 năm nay.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của bốn nền kinh tế hàng đầu EU gồm Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha, trong khi tạp chí The Economist dự báo suy thoái ở châu Âu không chỉ diễn ra trong mùa đông 2022 - 2023 mà sẽ cả mùa đông 2023 - 2024.
Trong khi đó, Mỹ và EU đang là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng cuối năm và năm 2023.
Đây cũng là những lo lắng và cảnh báo mà đa số các chuyên gia và tổ chức quốc tế có mặt tại các hội nghị, diễn đàn lớn gần đây của Chính phủ đưa ra.
Xuất khẩu 'giảm tốc'
Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng yếu tố rất quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế cao trong 8 tháng đầu năm nay là cầu trong nước cao và xuất khẩu tăng cao.
Tuy nhiên, ông băn khoăn liệu đà tăng trưởng này có còn trong 4 tháng cuối năm. Đặc biệt là động lực xuất khẩu có nguy cơ ‘giảm tốc’ khi nhu cầu các thị trường chính của Việt Nam đều gay go và suy thoái. Điều này đặt ra bài toán cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đa dạng hóa thị trường hay mở rộng thị trường sẽ là giải pháp quan trọng. Như trong hiệp định EVFTA, thị trường chính của Việt Nam vẫn là các thị trường cũ, do đó ngay trong EVFTA, chúng ta vẫn có thể mở rộng thêm thị trường và tham gia sâu hơn.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng tỏ ra lo ngại khi động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu và dòng vốn FDI sẽ giảm, đầu tư nhà nước và tư nhân có cải thiện nhưng không có những thay đổi thì khó bứt phá. Do đó, động lực tăng trưởng cho thời gian tới không còn nhiều. Ông cảnh báo có nhiều khó khăn tiềm ẩn.
“Bây giờ đã đến lúc chúng ta chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực”, ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhận định và cho biết nhiều ý kiến cho rằng năm 2023 của thế giới là “mùa đông kinh tế 2023”.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB) cũng cho rằng sự tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, cùng với những ngành công nghiệp sử dụng lao động cao.
Thách thức này là không nhỏ đối với xuất khẩu, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế.
GS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng suy thoái kinh tế thế giới có thể nhìn thấy khá rõ, điều này đang thu hẹp thị trường thế giới, dẫn đến Việt Nam là một nước xuất khẩu cũng bị bó hẹp thị trường.
Theo ông Cường, tác động này ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực FDI vì có nhiều sản phẩm liên quan đến xuất khẩu, còn khu vực trong nước có lẽ chịu tác động thấp hơn vì phần lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước mang tính thiết yếu và mức độ điều chỉnh không mại như sản phẩm của khu vực FDI.
Chính vì thế, giai đoạn này có lẽ cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi để lấy lại đà phát triển, tạo vị thế, chỗ đứng để nếu như nền kinh tế thế giới có đi vào lạm phát, khủng hoảng thì chúng ta vẫn giữ được thị trường trong nước, ông Cường nhận định.
Chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s Nishad Majmudar cũng cho rằng thâm hụt về xuất khẩu thời gian tới có thể được bù đắp bởi các ngành dịch vụ và sự phục hồi kinh tế. Thị trường nội địa đã mở cửa trở lại và các du khách đã bắt đầu đến Việt Nam. Điều này vô hình trung sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, sức ép lạm phát chi phí đẩy có xu hướng giảm nhờ giảm giá dầu thô và giá các đầu vào chiến lược của nền kinh tế, nên giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng canh tranh cao.
Đại diện mặt hàng xuất khẩu, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 31,2 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng kỷ lục của ngành dệt may trong 10 năm qua, cho thấy khả năng tận dụng tốt những cơ hội của ngành.
Tuy nhiên, theo ông Trường, dệt may lại đang phải đối diện với “xu thế ngược” khi thị trường quốc tế đột nhiên “lạnh” dần. Bất ổn địa chính trị, lạm phát tăng cao khiến những biểu hiện suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên rõ rệt. Do đó, cầu thế giới đang và sẽ tiếp tục giảm mạnh. Giá hàng dệt may cũng đang rơi vào đà giảm dù mức lạm phát tại các thị trường lớn đều đang tăng cao.
Với tình trạng này, nếu trong 8 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng dệt may xuất khẩu được khoảng hơn 3,7 tỷ USD thì lãnh đạo Vinatex dự báo, 4 tháng cuối năm trung bình chỉ xuất khẩu được khoảng hơn 3,1 tỷ USD. Thị trường vẫn sẽ giữ tình trạng trầm lắng như vậy cho đến cả năm 2023.
‘Trong nguy có cơ’, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động đánh giá, dự báo các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có phương án điều tiết về nguồn cung hàng hóa, sản xuất trong nước nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Cùng với đó bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực; giảm thiểu tình trạng "được mùa, mất giá" trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tranh thủ được cơ hội xuất khẩu khi giá tăng; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, làm giá, bảo đảm tính lành mạnh của thị trường.
Thu hút FDI ngày càng khó
Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu, thu hút FDI cũng là vấn đề ‘đau đầu’. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, thu hút FDI đã gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá,… trong trung và dài hạn.
Chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.
Ngoài ra, nguy cơ suy thoái toàn cầu khiến doanh nghiệp, tập đoàn lớn phải ‘dè chừng’, việc thu hút FDI thời gian tới sẽ càng khó hơn.
Trước bối cảnh đó, TS. Võ Trí Thành nhận định, cho đến nay các nước châu Âu chưa phê chuẩn Hiệp định về bảo hộ đầu tư với Việt Nam, nhưng rõ ràng việc thu hút FDI chất lượng chưa được như kỳ vọng.
Bên cạnh vấn đề hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nhân lực, thể chế ưu đãi thì có 3 điều quan trọng trong thu hút FDI chất lượng đó là: môi trường đầu vào phải xanh, môi trường số phải tốt, môi trường sống cho các chuyên gia phải tốt thì mới hi vọng thu hút được FDI có chất lượng.
Nhìn rõ nguy cơ từ bên ngoài, tối ngày 19/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự hội nghị trực tuyến với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trực tiếp chỉ đạo về công tác ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.
Trong đó tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp văn hóa, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục…
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; chủ động cảnh báo, phòng ngừa và xử lý các rủi ro, tranh chấp.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cần tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Tiếp tục vận động các nước đối tác ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng phải đóng góp cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu như các nước phát triển.
Xuất khẩu bứt phá, ngành thủy sản vẫn ‘đau đầu’
Hàng loạt doanh nghiệp kiến nghị miễn thuế xuất khẩu nhôm
Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cho biết liên tục nhận được kiến nghị miễn thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và định hình của 11 doanh nghiệp sản xuất trên cả nước.
Xuất khẩu bứt phá, ngành thủy sản vẫn ‘đau đầu’
Hiện hai khâu quan trọng nhất của doanh nghiệp thủy sản gồm chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường, theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Khó khăn bủa vây mục tiêu xuất khẩu dệt may
Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu khoảng 43,5 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh
Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nền giáo dục hạnh phúc tạo ra cộng đồng hạnh phúc
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.