Cơ hội mới từ nông nghiệp tuần hoàn

Phạm Sơn - 08:57, 09/10/2022

TheLEADERHàng chục triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp có thể tạo ra nhiều giá trị nếu được ứng dụng làm đầu vào cho sản xuất, theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Năm 2021, sản lượng lúa của Việt Nam đạt 43,86 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2020. Xuất khẩu lúa gạo đem lại cho Việt Nam khoảng hơn 3 tỷ USD từ xuất khẩu năm 2021, một thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh Covid-19.

Tuy nhiên, một phần giá trị tương đối lớn của lúa gạo đang bị bỏ phí. Theo TS. Nguyễn Minh Tú, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), lượng phụ phẩm từ canh tác, sản xuất lúa gạo năm 2021 ước tính có thể lên đến hơn 61 triệu tấn.

Lượng phụ phẩm này, nếu được xử lý đúng cách, có thể trở thành đầu vào sản xuất phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, đệm lót sinh học, làm thủ công mỹ nghệ…

Không chỉ lúa gạo quá trình canh tác, sản xuất nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam như trải cây, chăn nuôi, tôm, cá tra… cũng tạo ra nhiều phụ phẩm. Trong đó, có những loại phụ phẩm có thể được sử dụng để chiết xuất nhiều chất có giá trị rất cao, ví dụ như chitosan từ vỏ tôm, collagen, gelatin từ cá tra…

Gần đây cũng xuất hiện một số sản phẩm mới từ phụ phẩm nông nghiệp có tính ứng dụng thực tiễn cao, đem lại lợi nhuận, cải thiện sinh kế cho người dân, có thể kể đến màng bọc thực phẩm từ vỏ thanh long, dầu từ vỏ cam, quýt, tơ sen…

Doanh nghiệp tiên phong ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn

Hiểu được những giá trị mà nông nghiệp tuần hoàn đem lại, theo ông Tú, nhiều doanh nghiệp đã có những mô hình, giải pháp từ rất sớm để khai thác “mỏ vàng” phế phẩm, phụ phẩm.

Tiêu biểu trong đó phải kể đến mô hình Trang trại xanh của công ty Vĩnh Hoàn, với quy trình nuôi trồng và sản xuất cá tra khép kín từ năm 2008. Theo ông Tú, Vĩnh Hoàn đã thành công trong việc kiểm soát từ khâu giống, nuôi trồng, cho đến thu hoạch, chế biến, tiếp thị và bán hàng.

Nhờ mô hình này, Vĩnh Hoàn khai thác được không chỉ thịt cá mà còn mỡ, da, nội tạng để tạo ra những sản phẩm giá trị cao như da cá chiên giòn, dầu cá, bao tử cá đông lạnh, chiết xuất collagen, chiết xuất gelatin…

Một loại thủy sản khác là tôm được Công ty CP Việt Nam Food (VNF) tận dụng phụ phẩm, thông qua nghiên cứu sử dụng enzyme thu hồi protein trong xác và vỏ. Bên cạnh đó, VNF cũng tái sử dụng nước thải đẻ sản xuất chitin; chiết xuất chitin và chitosan từ xác tôm mịn; sử dụng bùn thải làm phân bón vi sinh.

Trong lĩnh vực trồng trọt, một mô hình xuất hiện từ khá sớm là chương trình Nescafé Plan, do Nestlé Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng hạt cà phê với những giải pháp mang tính tuần hoàn như sử dụng phụ phẩm từ cây để chế biến chế phẩm sinh học bón cho cây. Hạt cà phê chất lượng cao trong quá trình chế biến cũng được tận dụng những phụ phẩm như bã, bùn thải, cát thải để tạo ra sản phẩm khác.

Một thành viên sáng lập khác của PRO Việt Nam là Tập đoàn TH cũng nổi tiếng với những ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, tại trang trại nuôi bò sữa công nghệ cao với quy trình khép kín “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch” của Tập đoàn TH, chất thải được sử dụng triệt để làm đầu vào cho tái sản xuất.

Cụ thể, chất thải từ chăn nuôi bò sữa được sử dụng để làm phân bón hữu cơ, phục vụ canh tác cây nguyên liệu làm thức ăn cho bò. Nước thải cũng được xử lý triệt để, vừa tận dụng được dinh dưỡng, vừa hoàn trả lại nước sạch cho tự nhiên. Đáng chú ý, mô hình nông nghiệp tuần hoàn của TH đều được ứng dụng công nghệ cao một cách triệt để.

Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp, tuy nhiên, theo ông Tú, vẫn còn một số rào cản khiến nông nghiệp tuần hoàn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng.

Trong đó, rào cản nội tại là những áp lực từ gia tăng dân số, đô thị hóa dẫn đến nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Rào cản bên ngoài là áp lực gia tăng chi phí làm mất năng lực cạnh tranh cũng như việc người tiêu dùng chưa thực sự chấp nhận sản phẩm bền vững. Mặt khác, thể chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn và giải pháp công nghệ cho kinh tế tuần hoàn vẫn chưa hoàn thiện.

Trong bối cảnh ấy, tại hội thảo Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương do ICED tổ chức, ông Tú đề xuất 6 bước chiến lược để doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn ứng dụng trong nông nghiệp. Thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng kinh tế tuần hoàn đối với ngành nghề của doanh nghiệp. Thứ hai, xác định những rào cản cũng như những nhân tố thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, xây dựng mục tiêu cũng như các chỉ số đo lường tính tuần hoàn cho doanh nghiệp. Thứ tư, xác định lộ trình ưu tiên cho triển khai kinh tế tuần hoàn. Thứ năm, tiến hành hợp tác với các bên liên quan. Cuối cùng, triển khai đi kèm với giám sát và đánh giá.