Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất mua lại vật liệu tái chế

Hoàng Đông - 19:35, 19/03/2023

TheLEADERTheo Nhóm công tác về môi trường tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bao bì phải mua lại vật liệu tái chế, qua đó thực thi hiệu quả hơn công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Vài năm trở lại đây, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải carbon đang trở thành xu thế chủ đạo, được nhiều doanh nghiệp tích hợp vào trong các kế hoạch, chiến lược phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, đại diện cho Nhóm công tác về môi trường, TS. Micheal Digregorio, Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, cho biết, động lực của cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động kinh tế xanh đến từ 3 yếu tố, bao gồm nhu cầu chống biến đổi khí hậu, yêu cầu từ phía thị trường và các chính sách từ phía Nhà nước.

Về phía chính sách, Nhóm công tác về môi trường nêu ra ví dụ điển hình là những chính sách về kinh tế tuần hoàn được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Công cụ EPR yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm ngay cả giai đoạn thải bỏ, thông qua tự tổ chức thu gom, tái chế, thuê bên thứ ba thực hiện thu gom, tái chế hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo Nhóm công tác về môi trường, công cụ EPR đang được thiết kế theo hướng hệ thống quản lý chất thải có thành phần tái chế. Theo cách tiếp cận này, EPR có thể tạo ra gánh nặng không cần thiết cho nhà sản xuất nhưng không đem lại kết quả như kỳ vọng.

Theo đó, hệ thống thu gom, tái chế rác thải ở Việt Nam thể hiện rõ tính phân tán, diễn ra chủ yếu ở khu vực phi chính thức, bao gồm lực lượng đồng nát, ve chai và các làng nghề tài chế.

Để giải quyết thực trạng này, theo ghi nhận của Nhóm công tác về môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường đang kỳ vọng thành lập những cơ sở thu gom, tái chế công nghệ cao, đáp ứng được tiêu chuẩn về sản xuất, môi trường cũng như các vấn đề về người lao động.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, các nhà sản xuất sẽ ký kết với đại lý ủy quyền để thu gom bao bì, yêu cầu đại lý ghi lại tên nhà sản xuất, số lượng và loại bao bì thu gom được, báo cáo kết quả lại cho nhà sản xuất. Sau đó, đại lý sẽ bán lại phế liệu thu gom được cho đơn vị tái chế được ủy quyền.

Quy trình phức tạp này làm phát sinh thêm nhiều chi phí để giám sát, báo cáo và đảm bảo rằng phế liệu thực sự được tái chế, từ đó đẩy giá phế liệu và vật liệu tái chế lên mức cao.

Để giải quyết thực trạng này, Nhóm công tác về môi trường đề xuất nên yêu cầu nhà sản xuất mua trực tiếp vật liệu từ các nhà tái chế và báo cáo thành phần tái chế cho Bộ Tài nguyên và môi trường. Với cách tiếp cận này, các khâu giám sát sẽ được giảm tải nhưng vẫn đạt được kết quả, đồng thời mở ra thị trường tiêu thụ cho vật liệu thứ cấp.

Về các nhà tái chế, Nhóm công tác về môi trường cho biết, đây là ngành công nghiệp đã tồn tại hàng chục, thậm chí là cả trăm năm tại khu vực phi chính thức, thường bị “chỉ mặt điểm tên” là nguyên nhân gây ô nhiễm thứ cấp.

Tuy nhiên, khối phi chính thức này lại có kiến thức, kinh nghiệm phong phú về tái chế, có thể giúp ích rất lớn cho kinh tế tuần hoàn. Mặt khác, việc cấm những đơn vị này tiếp tục hoạt động tái chế sẽ tiêu tốn nhiều chi phí, dẫn đến phế liệu bị đẩy giá lên cao.

Nhóm công tác về môi trường cũng thẳng thắn chỉ ra rằng một số hệ thống tái chế đô thị, hoạt động dưới sự hỗ trợ của Chính phủ “nổi tiếng” về việc lưu kho những phế liệu đắt tiền và thải những vật liệu ít giá trị vào các bãi chôn lấp.

Do đó, Nhóm công tác đề nghị sử dụng một phần tiền thu được từ công cụ EPR để nâng cấp, hỗ trợ những đơn vị tái chế đã và đang hoạt động, giúp họ tái chế một cách chuẩn chỉ, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội hơn, thay vì chuyển toàn bộ phần quỹ đóng góp cho các đơn vị tái chế công nghệ cao mà Bộ Tài nguyên và môi trường muốn thành lập.