Đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu trung và dài hạn

Trần Anh - 13:50, 20/12/2022

TheLEADERTrong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để hoàn thiện về thể chế, giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, an toàn cho thị trường trong trung và dài hạn.

Bộ Tài chính vừa thông báo về công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023.

Theo đó, tính đến ngày 15/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.055 điểm, giảm 29,6% so với cuối năm 2021; quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 64,2% GDP, giảm 29,9% so với cuối năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, mặc dù nền kinh tế phục hồi tích cực, song thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực của một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước lớn thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất điều hành; một số vụ việc thao túng giá chứng khoán, tin đồn thất thiệt,... đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư.

Trước những diễn biến trên, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành chứng khoán và công ty đại chúng; kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Đồng thời, Bộ tiếp tục nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC).

Đối với thị trường trái phiếu, trước sai phạm của một số doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đa dạng trên các kênh truyền thông, thông cáo báo chí khuyến nghị đối với các nhà đầu tư, nhằm ổn định thị trường, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để hoàn thiện về thể chế, giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, an toàn cho thị trường trong trung và dài hạn.

Nhìn về bối cảnh năm 2023, Bộ Tài chính cho biết tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine kéo dài tạo sức ép lên giá dầu và giá nguyên liệu đầu vào, tác động lớn đến lạm phát toàn cầu.

Mặt khác, nền kinh tế trong nước có thể vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, từ việc sức mua thị trường bên ngoài bị thu hẹp, áp lực lạm phát, tỷ giá gia tăng và thị trường vốn vẫn chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới cũng như tác động từ các vụ việc vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân.

Bộ Tài chính xác định các mục tiêu cho năm 2023 gồm: Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương.