Đánh giá hiệu quả du lịch cần phải chính xác và khoa học hơn

Nguyễn Văn Mỹ* - 08:00, 05/02/2018

TheLEADERTheo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, những con số ấn tượng về ngành du lịch năm 2017 hấp dẫn nhưng đằng sau đó cần nhìn nhận đúng bản chất nếu muốn chinh phục những mục tiêu lớn hơn.

Đánh giá hiệu quả du lịch cần phải chính xác và khoa học hơn
Còn nhiều ý kiến trái chiều về những con số ấn tượng của du lịch trong năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, lượng khách quốc tế vào Việt Nam là gần 13 triệu lượt, tăng 29,8% so với năm 2016, mức tăng trưởng dẫn đầu châu Á và xếp thứ 6 thế giới, phải nói là ngoạn mục. 

Năm 2016 tăng ít hơn, chỉ 26%, lãnh đạo ngành và bộ đã tuyên bố là “kỳ tích lịch sử", nghe cũng xuôi tai, bởi năm 2015, du lịch Việt Nam chỉ tăng trưởng 0,9%, tăng gần 30 lần không kỳ tích sao được. 

Tuy nhiên, 2017 chưa phải là mốc tăng cao nhất của du lịch Việt Nam, năm 2010 tăng trưởng tới 34,8% và sau đó tuột dốc không phanh, xuống đáy vào 2015 (0,9%) và đại nhảy vọt vào năm 2016 (26%) và 2017 (29,8%).

Đánh giá hiệu quả du lịch: Cần chính xác và khoa học hơn
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours.

Phải nói chính xác, mức tăng trưởng này là của lượng người nước ngoài vào Việt Nam. Số lượng này bao gồm cả doanh nhân, chuyên gia, sinh viên, Việt kiều, cán bộ các sứ quán, nhân viên công vụ nhà nước đến Việt Nam kinh doanh, làm việc, học tập, thăm thân nhân, công tác. 

Lượng khách du lịch đúng nghĩa chỉ chiếm khoảng 85%. Càng không thể nói là của ngành du lịch với lữ hành và khách sạn - nhà hàng, các điểm đến tham quan, vui chơi, mua sắm... 

Lữ hành bao gồm nội địa và quốc tế. Lữ hành quốc tế lại chia thành inbound - khách nước ngoài vào Việt Nam và outbound - khách Việt Nam và quốc tế từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài. 

Lượng khách inbound hay outbound đều có thể thống kê dựa vào số liệu xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, chỉ khó phân biệt rạch ròi mục đích chuyến đi.

Còn lượng khách nội địa, không ai biết dựa vào đâu mà có số liệu năm 2016 là 62 triệu, năm 2017 là 70 triệu? 

Dựa vào ngành thuế hay các công ty đều không thuyết phục. Dựa vào khách sạn, nhà hàng hay điểm đến thì vô lý vì trùng lặp. Đọc tổng kết số liệu khách du lịch đến tỉnh, tỉnh nào cũng 4 - 5 triệu trở lên (cả nội địa lẫn quốc tế). Nếu tổng hợp số liệu từ 64 tỉnh, thành, lượng khách du lịch Việt Nam phải đến vài trăm triệu lượt?

Từ mức tăng trưởng 0,9% năm 2015 nhảy lên 26% năm 2016 và 29,8% năm 2017, có thể gọi là kỳ tích, tương tự như chuyện bóng đá nam bị loại từ vòng bảng Seagames 27, bỗng sáng lòa, hiên ngang vào chung kết châu lục. Cùng chung bộ chủ quản, hiện tượng tăng trưởng đột biến của du lịch và đội tuyển U23 Việt Nam giống nhau nhưng thực chất rất khác biệt.

Kết quả bóng đá, nhìn tỉ số và cách chơi là biết ngay đẳng cấp và bản lĩnh. Xem trận đấu là hiểu ngay ý đồ chiến thuật, tài dùng binh của huấn luyện viên và khả năng chiến đấu của từng cầu thủ. Ai cũng có thể cảm nhận trực tiếp, hò hét cổ vũ với nhau tại nhà và tràn ra đường reo mừng chiến thắng. 

Du lịch thì không. Những con số hấp dẫn nhưng lạnh lùng như vô cảm! 

Chỉ người trong cuộc là cảm nhận tương đối, còn người dân thì dửng dưng. Cũng không rõ ai là tác giả của chiến thắng và đâu là nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy.

Khi tăng trưởng ì ạch như chim cánh cụt, không thấy ai nhận trách nhiệm, cũng không rõ nguyên nhân cụ thể. Khi tăng trưởng đột biến thì các cơ quan quản lý, ai cũng muốn kể lể công trạng, vơ thành tích vào đơn vị mình.

Tỉnh, thành nào cũng nói mình nỗ lực. Lãnh đạo địa phương và tổng cục thì cho rằng nhờ marketing, nhờ tham gia các hội chợ quốc tế, nhờ chỉ đạo quan tâm, nhờ có nghị quyết, nhờ miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu…

Nhiều người không tin như vậy, cần dẫn chứng số liệu khoa học để đối chiếu và so sánh chứ không phán đại. 

Một quan chức của Sở Du lịch thành phố không muốn nêu tên cho biết “các doanh nghiệp lớn, không đơn vị nào có khách inbound tăng trưởng như con số chung. Số liệu tăng trưởng mạnh nhờ vào các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ và các doanh nghiệp mới thành lập, cùng với số khách tự mua tour qua mạng”.

Trước năm 1975, các đại học ở miền Nam đều có ngành Xã hội học. Bất cứ sự kiện nào xảy ra, đều phải có điều tra xã hội học để tham khảo và kết luận. Trước khi ban hành các quyết sách liên quan tới cộng đồng đều phải tham vấn điều tra xã hội học. 

Có cả ngành học hẳn hoi, được đào tạo bài bản để làm việc đó, chứ không “phán đại và đoán mò” theo cảm tính như lâu nay. 

Chỉ cần điều tra xã hội học chừng 1.000 khách tiêu biểu, đại diện cho các thị trường, độ tuổi và nghề nghiệp là biết khách đến Việt Nam lần thứ mấy? 

Lý do khách tới Việt Nam, nguồn thông tin để khách quyết định, điều gì làm khách hài lòng nhất và khó chịu nhất? Khách có dự định quay lại Việt Nam không? Tại sao có và tại sao không?...

Đó là cơ sở quan trọng để có kết luận lý do khách tăng giảm và đề ra các biện pháp khắc phục. Chỉ cần 2 trang khổ A4, không khó và cũng không tốn kém nhiều, dĩ nhiên phải làm một cách bài bản, chứ không làm đại, làm cho có.

Cách marketing truyền thống trên báo chí và truyền hình đang ngày càng ít hiệu quả, có nguy cơ bị xóa sổ nay mai. Việc tham gia và tổ chức hội chợ lạc hậu cũng vậy, vẫn theo nếp cũ, chưa có gì đột phá để tạo ấn tượng. 

Nay là thời đại bùng nổ thông tin internet và mạng xã hội, là chiến lược marketing cá nhân, của các bloger có lượng truy cập lớn, nhất là những người nổi tiếng. 

Theo điều tra xã hội học của một số công ty, phương tiện thống tin quyết định sự lựa chọn của khách là các mạng xã hội, website; là giới thiệu của người thân và bạn. Sale online - bán tour qua mạng, đang phát triển với tốc độ chóng mặt. 

Mọi thứ đang được lập trình hóa với các phần mềm tích hợp, thay thế dần vai trò của nhân viên kinh doanh. Điều đáng nói là trong thống kê, nhiều nơi không có số liệu khách Campuchia, hoặc có nhưng không chính xác. 

Việt Nam với Campuchia có 17 cặp đôi cửa khẩu quốc tế. Chỉ riêng của khẩu Mộc Bài, mỗi ngày có 78 xe bus liên vận quốc tế qua lại, chưa kể xe các công ty du lịch, xe gia đình, xe cơ quan đi công tác…

Theo tôi, khách đến Việt Nam tăng vì nhiều lý do. Khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Asean, Nhật Bản tăng vì khoảng cách địa lý, nhất là Trung Quốc (chiếm gần 30% lượng khách đến Việt Nam). 

Năm 2016, dù không có biên giới chung nhưng khách Trung Quốc đến Thái Lan là 8 triệu trong khi đến Việt Nam chỉ 2,7 triệu dù 2 nước có trên 1.350km biên giới. Có tác động của các sự kiện quốc tế, marketing, của một số chính sách cởi mở. 

Việt Nam là điểm đến còn tương đối lạ so với nhiều khách vì họ đã đi các nước chung quanh. Lợi nhuận, nhất là các khoản hoa hồng tốt cho các công ty lữ hành và hướng dẫn viên nước ngoài. 

Các công ty lữ hành Việt Nam, bao gồm cả hướng dẫn viên, các điểm đến, các dịch vụ đều cố gắng cải thiện chất lượng so với trước đây. Sự bùng nổ công nghệ thông tin giúp du khách cập nhật mọi dịch vụ, có sự lựa chọn dễ dàng và nhanh chóng…

Phải thay đổi cách đánh giá tăng trưởng, chuyển từ số lượng khách qua doanh thu, lợi nhuận, thời gian lưu trú, đặc biệt là số khách quay trở lại. Đoạn tuyệt với tư duy tự sướng với lượng khách chung chung. 

Theo Tổng cục Du lịch, chỉ có 20% khách quốc tế quay lại Việt Nam. Số liệu này dựa vào đâu? Sao không phải là 21 hay 19? Và cũng phải nói rõ là 20% người nước ngoài trở lại Việt Nam. Số lượng khách du lịch thật sự chỉ khoảng trên dưới 12%? 

Một khi số liệu thiếu chính xác và không biết rõ nguyên nhân cụ thể của việc tăng giảm thì tất cả đều mù mờ. Kế hoạch cứ chung chung, thiếu lộ trình cụ thể và không có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng nên thứ gì cũng có thể bất ngờ, cả tăng lẫn giảm.

Đất nước cần sự phát triển ổn định và bền vững chứ không muốn phập phù đột biến nhất thời. Năm mới, mọi thứ cần phải chính xác và khoa học hơn.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, CEO Công ty Tư vấn dịch vụ và phát triển du lịch CBT