Đầu tư nông nghiệp bền vững là một cách thực hiện sứ mệnh của doanh nhân

Phạm Sơn - 10:11, 30/06/2023

TheLEADERChỉ có khoảng hơn 50 nghìn doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một con số hết sức khiêm tốn so với tổng số hơn 900 nghìn doanh nghiệp trên cả nước.

Tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi từ năm 1991, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết, rất nhiều khó khăn đặt ra để doanh nghiệp tham gia vào ngành chăn nuôi.

Cụ thể, đại diện San Hà cho biết, doanh nghiệp phải thực hiện khảo sát, tìm kiếm địa điểm có điều kiện phù hợp với chăn nuôi, sau đó là thương lượng, đền bù cho bà con, chuyển quyền sử dụng đất, rồi làm các thủ tục đầu tư, xây dựng. Mỗi khâu lại phải đi qua nhiều cửa, mất rất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp.

Đó là chưa kể, với xu thế hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư nông nghiệp bài bản, chất lượng cao, phát triển bền vững lại phải tốn nhiều chi phí và thủ tục để xây nhà lưới, nhà kính, xây dựng chuồng trại hiện đại. Dù đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhưng trên thực tế, khó khăn vẫn tiếp diễn, khiến nông nghiệp trở thành ngành nhiều rủi ro, nhiều chi phí nhưng lợi nhuận lại chưa tương xứng.

Khó khăn chung đặt ra với ngành nông nghiệp khiến rất ít doanh nghiệp chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mới chỉ có khoảng hơn 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tức là khoảng 5,5% tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Con số này là quá thấp so với tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng khiến cho các nguồn lực bị hạn chế rất nhiều, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Đầu tư nông nghiệp bền vững là một cách thực hiện sứ mệnh của doanh nhân
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

“Chim sẻ”, “đại bàng” cùng phối hợp phát triển ngành nông nghiệp

Vài năm trở lại đây, nền kinh tế liên tục phải đối diện với những rủi ro bất thường, từ đại dịch Covid-19 cho đến bất ổn địa chính trị dẫn đến nhu cầu suy giảm, nguy cơ lạm phát tăng cao. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã và đang rất thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, từ những mô hình lớn như Tập đoàn Lộc trời của doanh nhân Huỳnh Văn Thòn thành công đưa thương hiệu Gạo Việt Nam Rice lên kệ hàng siêu thị châu Âu; doanh nhân Võ Quan Huy mở đường xuất khẩu mới cho cây chuối…, cho đến những mô hình nhỏ đang tạo ra hiệu quả kinh tế và đem lại sinh kế cho bà con như mô hình nông nghiệp thuận thiên Abavina của doanh nhân Nguyễn Thị Kim Thoa, mô hình ứng dụng phụ phẩm cây dừa để sản xuất mật hoa dừa của Sokfarm…

Đây là những minh chứng cho thấy tiềm năng và dư địa rất lớn để doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, từ đó vừa tạo ra lợi nhuận, vừa kiến tạo được những giá trị lan tỏa tới cộng đồng và xã hội.

Ông Công cho biết, dù có nhiều rủi ro nhưng đầu tư vào nông nghiệp là đang phát huy thế mạnh nổi bật của Việt Nam. Đầu tư vào nông nghiệp cũng là quá trình tạo ra sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, kiến tạo xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh và hạnh phúc.

Đầu tư vào nông nghiệp là cách để doanh nhân thực hiện sứ mệnh góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, văn minh và hạnh phúc
Ông Phạm Tấn Công
Chủ tịch VCCI

“Đầu tư vào nông nghiệp là cách để doanh nhân thực hiện sứ mệnh góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, văn minh và hạnh phúc", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, từ góc độ doanh nghiệp, bà Hà nhận xét, rất cần có sự đồng hành từ phía ngân hàng, cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp triển khai nông nghiệp xanh và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận, song song với hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cần phải đặc biệt chú trọng một lực lượng khác, đó là hàng triệu nông hộ. Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và nông hộ phải đồng hành cùng phát triển, không thể để “đứt gãy” bất cứ lực lượng nào.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm hỗ trợ “đại bàng” là những doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp nhưng cũng không được quên “chim sẻ” là những doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và nông hộ. Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa “chim sẻ” và “đại bàng” mới có thể hình thành được hệ sinh thái nông nghiệp tổng thể.

Trong bối cảnh mới, làm nông nghiệp không chỉ đơn giản là “đơn giá trị” mà phải tích hợp được “đa giá trị”, với những mô hình đang được mở rộng gần đây như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch… Đây là những giải pháp được lãnh đạo ngành nông nghiệp khuyến nghị để doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi ích, từ đó tìm kiếm thêm những cơ hội trưởng thành và phát triển.