Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm, GDP 6 tháng cuối phải tăng 8,9%

Nhật Hạ - 15:32, 04/07/2023

TheLEADERTheo kịch bản tăng trưởng mới, để GDP cả năm tăng 6,5% như mục tiêu Quốc hội đã thông qua, tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8,9%.

Trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, tại phiên họp Chính phủ với các địa phương hôm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cập nhập 2 kịch bản tăng trưởng mới cho năm nay.

Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm). Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5% như mục tiêu Quốc hội thông qua; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn 0,9 và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản cũ). Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm, GDP 6 tháng cuối phải tăng 8,9%
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Ông Dũng nhận định tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay là thách thức rất lớn.

Theo đó, ông đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm. Trong đó, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động… phải được theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, tổ chức vận hành để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan, địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Đánh giá về tình hình kinh tế nửa đầu năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước.

Điều này cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TPHCM tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)...

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội...

Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Trong thông báo công bố tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay xuống 4,7%, trước đó là 5,8%. Nửa cuối năm, nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi.