Tìm giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại trên thị trường trái phiếu

Trần Anh - 16:54, 13/06/2023

TheLEADERChính phủ yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với các địa phương tổ chức ngày 3/6. Trong đó, nghị quyết yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện những công việc liên quan đến lĩnh vực tài chính trước 15/6.

Cụ thể, Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023.

Hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 - 2023, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6.

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang là vấn đề nóng của nền kinh tế. Trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 6/2023, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX vẫn tiếp tục tăng lên.

Theo ước tính của VNDirect, trong tháng 6 sẽ có khoảng hơn 35,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5 và là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất từ nay đến cuối năm.

Còn Công ty Chứng khoán HSC ước tính tổng cộng sẽ có 57,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm nay có thể đối mặt với khả năng chậm thanh toán, đỉnh điểm có thể sẽ rơi vào tháng 9.

Ngoài ra, khoảng 110 doanh nghiệp phát hành được xác định có mối quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán với khối lượng trái phiếu đang lưu hành là 227,6 nghìn tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nêu thực trạng, thời gian qua thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoảng khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn.

Dẫn số liệu về khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 rất lớn, đại biểu băn khoăn khi nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư, khiến việc huy động vốn trái phiếu mới thấp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhận định, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xử lý trái phiếu thời gian qua chủ yếu do quản lý khâu luân chuyển, sử dụng dòng tiền, nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính chưa hợp lý.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu cũng chưa bền vững về cơ cấu, vẫn nghiêng về các thị trường rủi ro như bất động sản; trái phiếu huy động mới còn thấp là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 còn khó khăn về tài chính.

Bên cạnh vấn đề trái phiếu, Nghị quyết 88 cũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6 về phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa trong tình hình hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 6/4.

Tính toán mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn phù hợp để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc huy động vốn của ngân sách Trung ương để bù đắp bội chi và trả nợ gốc theo nhu cầu phát sinh thực tế, hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.

Khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng kể từ ngày 1/7 đến hết năm 2023, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/6 để xem xét, ban hành trước ngày 1/7 theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD và các giải pháp ưu đãi phù hợp, cần thiết, hiệu quả.