Đề xuất hỗ trợ 80% giá thị trường cho người dân phải tiêu hủy lợn dịch

Minh Nhật - 16:08, 04/03/2019

TheLEADERTrong gần 1 tháng, tại 7 tỉnh thành trên cả nước, 4.200 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã bị tiêu hủy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy.

Đề xuất hỗ trợ 80% giá thị trường cho người dân phải tiêu hủy lợn dịch
Tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn

Sáng nay (4/3), báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 01/2 – 03/3/2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi  xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương; tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan được đưa ra là việc sáp nhập cơ quan thú y cấp huyện thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, nhưng việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả, có nhiều tồn tại, bất cập.

Trong đó, các cơ sở không tổ chức chủ động giám sát, kịp thời nắp bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh, không tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng, không triển khai tiêm phòng vắc xin, không xử lý các trường hợp vi phạm...

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ tiêu hủy đang ở mức 27.000 - 38.000 đồng/kg, nhưng thủ tục hành chính lại rất phức tạp khiến người chăn nuôi chậm nhận được tiền, dẫn đến người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh. Nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Quan trọng nhất hiện nay là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm 'phòng là chính'.

Để kiểm soát ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan, theo Bộ trưởng, vai trò tiêu hủy xử lý lợn nhiễm bệnh nhanh chóng và tại chỗ vô cùng quan trọng. Theo đó, việc đào hố tiêu hủy phải đúng theo khuyến cáo của OIE sâu 3 mét, nên sử dụng vôi cục và khu chôn lấp phải đảm bảo xa nguồn nước chung, xa khu dân cư và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, việc cào bằng mức tiền hỗ trợ cho người dân bị tiêu hủy lợn áp dụng theo Nghị định 02 của Chính phủ chưa phù hợp với lợn nái lợn bố mẹ, lợn giống. Do đó, hiện Bộ NN-PTNT đang đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành sớm ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi ngoài Nghị định 02 của Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khác với các nước, ngành chăn nuôi ở Việt Nam có nét đặc biệt. Khi cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, chiếm 49% tổng đàn lợn và trên 10.000 trang trại. Trong đó, thịt lợn chiếm tới 70% sản phẩm thịt các loại.

Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Trung Quốc với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%.

Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.

Thêm nữa, Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy.

Yêu cầu các cấp, các ngành phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Hiện Việt Nam là nước thứ 3 ở châu Á, sau Trung Quốc và Mông Cổ phát hiện có dịch. Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Việt Nam, nhiều quốc gia ngày càng siết chặt hơn với hành khách khi nhập cảnh.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ ngày 20/2, tất cả du khách xuất cảnh từ Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc), nếu bị phát hiện mang theo các chế phẩm từ thịt lợn sẽ bị phạt hành chính lần đầu là 200.000 đài tệ (tương đương 6.500 USD). Hành khách vi phạm lần hai sẽ bị nâng mức phạt lên một triệu đài tệ (tương đương 33.000 USD). Nếu không nộp đủ tiền phạt sẽ bị cơ quan di trú Đài Loan từ chối cho phép nhập cảnh.

Không chỉ Đài Loan, nhiều quốc gia khác cũng đang siết chặt quy định về thực phẩm ccuar hành khách Việt khi nhập cảnh qua quốc gia của họ như Nhật Bản, Australia, Anh, Mỹ…