'Đề xuất tăng thuế xăng dầu của Bộ Tài chính là chưa hợp lý'

An Chi - 10:38, 15/09/2017

TheLEADERTheo Luật sư Trương Thanh Đức, "xăng các loại" vừa bị đánh thuế bảo vệ môi trường vừa bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý.

'Đề xuất tăng thuế xăng dầu của Bộ Tài chính là chưa hợp lý'
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Nguồn: Báo Lao động

Mặt hàng xăng dầu hiện vẫn đang được giảm thuế nhập khẩu và tiến tới được hưởng thuế suất 0% từ ngày 1/1/2018 đối với một số thị trường. Đến năm 2024, thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN theo hiệp định thương mại tự do ASEAN cũng về mức 0%.

Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Thuế mới, mặt hàng xăng dầu sẽ tăng hai loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. 

Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được đề xuất tăng khung thuế từ 3.000 - 8.000 đồng/lít. Không chỉ xăng, nhiên liệu bay cũng được tăng mức trần lên 6.000 đồng, còn dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn kịch khung là 4.000 đồng/lít.

Trong khi đó, khung thuế bảo vệ môi trường với xăng hiện tại là 1.000 - 4.000 đồng và mức đang áp dụng là 3.000 đồng/lít. Dự thảo này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới và dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2018.

Góp ý tại Tại Hội thảo "Góp ý vào đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh để điều tiết tiêu dùng, thực chất là hạn chế, không khuyến khích tiêu dùng. 

Tuy nhiên cần xem xét xác định lại lý do của việc điều tiết, hạn chế tiêu dùng vì nguy hiểm, độc hại hay vì xa xỉ, lãng phí hay vì lý do gì khác? Nêu vì sự nguy hiêm độc hại thì đã đánh thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, “xăng các loại" vừa bị đánh thuế bảo vệ môi trường, vừa bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. 

"Nếu vì sự xa xỉ, lãng phí mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ phù họp đối với nền kinh tế bao cấp ngày xưa, mà không đúng với nền kinh tế thị trường, khuyến khích tự do sản xuất, kinh doanh đồng thời khuyến khích tiêu dùng". LS. Đức nhận định.

Cũng theo LS. Trương Thanh Đức, trong nền kinh tế hàng hóa thị trường, nguy cơ lớn nhất của kinh doanh là không bán được hàng. Chính vì vậy, cần loại bỏ các hàng hóa như “điều hoà nhiệt độ”, “tàu bay” (chở khách), ô tô (nhất là chở khách), “xăng các loại”,... khỏi đổi tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

"Cũng không thể vin vào lý do giảm thuế nhập khẩu thì phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy thì cam kết quốc tế còn có ý nghĩa gì khi mà cam kết giảm thuế, nhưng thực chất vẫn giữ nguyên?", LS. Đức nhấn mạnh

Trong văn bản góp ý về tăng thuế bảo vệ môi trường, VCCI cũng cho rằng, tăng thuế này đối với mặt hàng xăng dầu sẽ ảnh hưởng ngay đến toàn bộ nền kinh tế. 

Theo cơ quan này phân tích, các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua, như chi phí sử dụng đường bộ đang tăng do nhiều dự án BOT đã và sẽ đi vào khai thác, chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển… Do đó, việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước.

Tại buổi họp cho ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường chiều 13/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, trong thời điểm hiện tại, đưa ra việc tăng thuế suất là không thuận vì ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Chính phủ nên tìm giải pháp tăng nguồn thu khác như tăng cường quản lý thu, giải quyết tồn đọng thuế, nợ thuế, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại... thay vì tìm cách tăng một số loại thuế.

“Khung thuế hiện hành dùng chưa hết, giờ lại đề nghị tăng gấp đôi khung cho xăng dầu.  Trong khi, đây không phải là loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhất là chưa hợp lý", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.