Doanh nghiệp cần gì trước một tương lai bất định?

Phạm Sơn - 14:43, 12/10/2020

TheLEADERChịu ảnh hưởng chồng chất từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải vật lộn với bài toán đảm bảo nguồn cung, quản lý dòng tiền cũng như xây dựng kế hoạch ứng phó với các kịch bản tồi tệ có thể xảy đến trong tương lai.

Doanh nghiệp cần gì trước một tương lai bất định?
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự hoặc giảm giờ làm, cho nghỉ phép dài hạn để giải tỏa áp lực về tài chính.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kế quả khảo sát về tình trạng của các doanh nghiệp Việt Nam dưới tác động của đại dịch nửa đầu năm 2020. Khảo sát được thực hiện dựa trên phản hồi từ 499 doanh nghiệp, hoạt động trên 15 tỉnh thành với đa dạng ngành nghề và quy mô.

Theo khảo sát, khoảng một nửa số doanh nghiệp đã phải đóng cửa trong thời gian 21 ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội, trong đó 35% đóng cửa do yêu cầu từ phía chính phủ và 14% tự lựa chọn tạm ngừng hoạt động.

Đến tháng 6, phần lớn doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, chỉ còn khoảng 20% tiếp tục tạm ngừng hoặc mở cửa một phần. Mặc dù vậy, các khó khăn vẫn bủa vây hoạt động kinh doanh, chủ yếu là các cú sốc về cung, cầu cũng như sự suy giảm nghiêm trọng về dòng tiền.

Phản hồi từ doanh nghiệp

Theo ước tính, chỉ riêng đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số lượng việc làm đã giảm đi khoảng 1 triệu trong thời gian từ đầu tháng 1 tới giữa tháng 4. Mặc dù một số nhân sự mất đi vị trí chính thức vẫn có thể tiếp tục duy trì kế sinh nhai bằng các công việc thời vụ, con số này là đặc biệt đáng báo động.

Ngoài ra, các biện pháp giảm giờ làm, giảm lương, nghỉ phép dài hạn vẫn được nhiều công ty áp dụng để giải tỏa bớt áp lực về tiền lương, kéo theo sự suy giảm trong thu nhập.

Bên cạnh đó, chuyển đổi hoạt động sang các nền tảng số hóa là phương án được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để.

Cụ thể, số liệu từ khảo sát cho thấy có 47% doanh nghiệp lựa chọn tăng cường áp dụng các nền tảng số nhưng chỉ có khoảng 5% đầu tư vào các giải pháp số và 7% có kế hoạch làm mới hoặc nâng cấp dịch vụ, sản phẩm.

Các phương án chuyển đổi số cũng mới chỉ tập trung chủ yếu vào những tính năng đầu -cuối, ít phức tạp, không tiêu tốn nhiều chi phí nhằm giải quyết bài toán về doanh số và phương thức thanh toán.

Tương lai bất định cùng mong muốn hỗ trợ từ phía chính phủ

27% doanh số và 20% việc làm là mức suy giảm trung bình mà các doanh nghiệp dự đoán về hoạt động kinh doanh nửa cuối năm 2020. Theo đó, với kịch bản lạc quan nhất, mức sụt giảm chỉ rơi vào 4%.

Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng vừa qua khiến kịch bản lạc quan này khó trở thành hiện thực. 55% doanh số và 46% việc làm là những con số tiêu cực nhất mà doanh nghiệp đưa ra.

Trước một tương lai khó lường và bất định, hầu hết công ty đều mong đợi vào những biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ. Cho đến nay, nhiều biện pháp chính sách đã được đư ra như hoãn, giảm nộp thuế, phí, cung cấp các khoản vay không lãi suất để chi trả tiền lương.

Đây cũng là các biện pháp được doanh nghiệp mong đợi và cảm thấy có hiệu quả nhất, theo thứ tự là miễn giảm nghĩa vụ thuế (73%), hoãn thuế (47%) và cho vay với lãi suất ưu đãi (40%).

Khảo sát cho thấy, có khoảng 20 – 30% doanh nghiệp đã tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ này. Các doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ chủ yếu do chưa đủ điều kiện và thiếu sót về thông tin.

Các chuyên gia WB đề xuất, trong trạng thái bình thường mới, những nỗ lực nhằm tăng khả năng thích ứng và phục hồi của doanh nghiệp cần tập trung vào 2 hướng, bao gồm tạo điều kiện ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới và tăng cường hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đã được triển khai.

Theo đó, bản chất của trạng thái bình thường mới là tính bất định cao, khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ e ngại không dám vay vốn và các ngân hàng thương mại không muốn cho vay.

Như vậy, các gói hỗ trợ cần cân nhắc tới cơ chế tăng cường tín dụng, chia sẻ rủi ro để doanh nghiệp có thể nhận được nguồn vốn cần thiết giúp không chỉ duy trì mà còn tìm hướng đi mới, phát triển theo con đường mới, đặc biệt khi nhiều chuyên gia y tế dự đoán đại dịch có thể kéo dài với khoảng thời gian tính bằng năm.