Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân phát triển bền vững

Hoàng Đông - 06:52, 29/04/2023

TheLEADERHơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, đến nay, chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững của Tập đoàn Lộc Trời đang dần được hoàn thiện, với quy mô sản xuất ứng dụng cơ giới hóa lớn và đồng bộ, quy trình canh tác khoa học, ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán năng suất và chất lượng.

Không chỉ đảm bảo sản lượng và chất lượng nông sản để xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời cũng là lá cờ tiên phong trong nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường. Bà Hồ Thị Tuyết Vân, Giám đốc khối thương mại Công ty CP Nông sản Lộc Trời (thành viên Tập đoàn Lộc Trời), cho biết, năm 2022, Lộc Trời đã đạt được giấy chứng nhận về năng lực tạo tín chỉ carbon thông qua áp dụng quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP 100.

Ở thị trường trong nước, những thương hiệu của Lộc Trời như Hạt Ngọc Trời, gạo mầm dinh dưỡng Vibigaba, gạo lứt đặc sản Sức sống Mekong đang dần chiếm lĩnh thị phần và trở thành cái tên quen thuộc đối với người tiêu dùng. Tại quốc tế, thương hiệu gạo Cơm Việt Nam Rice đã xuất hiện trên kệ hàng những siêu thị lớn châu Âu, khẳng định rằng “gạo Việt Nam không còn vô danh nữa”.

Đạt được thành tựu này, bà Vân cho biết, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ, kiến thức, nguồn lực, sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong tập đoàn, không thể không kể tới mối hợp tác mật thiết với người nông dân, cũng là sứ mệnh “cùng nông dân phát triển bền vững” của tập đoàn.

Đối với Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), việc phát triển thành công vùng nguyên liệu mía đường với gần 40 nghìn héc ta trong nước và 30 nghìn héc ta ở Lào và Campuchia, người nông dân cũng đóng vai trò quan trọng.

TTC liên kết với người nông dân theo hình thức nông dân góp đất, TTC cung cấp cây giống, nguyên liệu, vật tư, từ đó giảm chi phí đầu vào và đảm bảo bà con luôn có lãi.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC, cho biết, để phát triển vùng nguyên liệu, TTC liên kết với người nông dân theo hình thức nông dân góp đất, TTC cung cấp cây giống, nguyên liệu, vật tư, từ đó giảm chi phí đầu vào và đảm bảo bà con luôn có lãi. Đồng thời, dưới sự hỗ trợ của TTC, năng suất trồng mía được nâng cao, ví dụ vùng Phan Rang – Ninh Thuận tăng từ 55 lên 72 tấn/héc ta, vùng Ninh Hòa – Khánh Hóa tăng từ 42 lên 62 tấn/héc ta.

“Bà con rất ủng hộ nên TTC thành công phát triển vùng nguyên liệu mía đường”, ông Thành nói tại hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt" do báo Người lao động tổ chức.

Xuyên suốt hệ sinh thái mía đường, phát triển bền vững vẫn là tiêu chí quan trọng được TTC hướng tới, thông qua ứng dụng công nghệ cao vào quy trình khép kín, sản xuất điện sinh khối từ bã mía, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… Sắp tới, TTC sẽ tiến hành mua bán, sáp nhập các nhà máy đường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất đường và làm điện sinh khối.

Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân phát triển bền vững 1
“Bà con rất ủng hộ nên TTC thành công phát triển vùng nguyên liệu mía đường”.

Thực hành phát triển bền vững ngành mía đường không thể thiếu sự đồng hành của người nông dân. Thấu hiểu điều này, ông Thành cho biết, TTC đã thông tin cho người dân hiểu xu thế hiện tại là sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn xanh, sạch, hữu cơ. Trên thực tế, TTC đã thay thế việc sử dụng thuốc từ sâu bằng phương pháp tận dụng thiên địch, từ đó hạn chế tác hại ra môi trường cũng như tạo ra sản phẩm đường an toàn cho sức khỏe.

Sở hữu chuỗi siêu thị trên toàn quốc, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) là một trong những đơn vị thu mua nông sản lớn. Tính riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Saigon Co.op có khoảng hơn 200 nhà cung ứng, chiếm 20% tổng số nhà cung ứng của đơn vị này.

Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc khu vực miền Tây 2, Saigon Co.op, cho biết, khu vực miền Tây cung ứng cho Saigon Co.op khoảng 43 nghìn tấn nông sản mỗi năm, với tổng giá trị hơn 1,8 nghìn tỷ đồng.

Saigon Co.op sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, phát triển 200 điểm bán mới tại Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phát triển thêm những mô hình như Co.op Food, đại siêu thị Co.opxtra, kết hợp với khách sạn, nhà ở và hợp tác quốc tế.

Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân phát triển bền vững 2
Nông sản bày bán tại Saigon Co.op

Thực hiện mục tiêu đó, gần đây, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với 8 doanh nghiệp miền Tây về cung ứng hàng hóa, với các sản phẩm lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản, sản phẩm từ dừa… đảm bảo an toàn và minh bạch. Từ đó, không chỉ giúp bà con có thêm đầu ra mà còn hướng bà con sản xuất, canh tác an toàn, bền vững.

MM Mega Market cũng là kênh tiêu thụ nông sản lớn đối với bà con nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phục vụ nhu cầu tăng trưởng kênh bán lẻ trực tuyến, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng thu mua MM Mega Market, cho biết, đơn vị đã liên kết với hơn 1 nghìn bà con nông dân miền Tây để cung cấp ổn định nông sản.

Mặt khác, Mega Market cũng làm việc với các sở, ngành và địa phương để sao cho có mức giá cạnh tranh, phân phối đến tay người tiêu dùng với giả cả hợp lý.

Thực tế, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhiều lần nhấn mạnh, nông nghiệp đang đứng trước 3 biến là biến động thị trường, biến đổi khí hậu và biển chuyển xu thế tiêu dùng. Ứng phó với 3 biến này, doanh nghiệp nông sản bắt buộc phải lựa chọn con đường cung ứng sản phẩm ngon, sạch, đồng thời đảm bảo việc canh tác không gây hại tới môi trường.

Liên kết, hợp tác chặt chẽ với người nông dân, như cách những doanh nghiệp nêu trên đã và đang thực hiện, là chìa khóa quan trọng để kiện toàn hóa chuỗi cung ứng theo hướng bền vững cho nông sản. Đảm bảo được canh tác sạch hơn, bền vững hơn, lợi ích không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn lan tỏa cả tới bà con nông dân và cộng đồng địa phương.