Doanh nghiệp không muốn cũng phải công khai thông tin bất động sản

An Chi - 10:58, 30/07/2022

TheLEADERNghị định 44 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản với nhiều bước tiến mới được kỳ vọng sẽ giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững.

Doanh nghiệp không muốn cũng phải công khai thông tin bất động sản
Việc ban hành Nghị định số 44 của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thị trường bất động sản

Minh bạch hoá thị trường bất động sản

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo đó, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gồm cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản được xây dựng thống nhất trên toàn quốc nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ công tác quản lý nhà nước và việc công bố các số liệu thống kê về nhà ở và thị trường bất động sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị định cũng quy định cụ thể đối tượng, phạm vi khai thác và sử dụng gồm các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được khai thác dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình.

Các cơ quan quản lý nhà nước được yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động điều tra, xác minh xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền yêu cầu chia sẻ, cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc ban hành Nghị định số 44 của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thị trường bất động sản.

Với nghị định mới này, mọi thông tin trên thị trường bất động sản sẽ được công khai minh bạch, từ các thông tin từ phía quản lý nhà nước như quy hoạch, thông tin dự án dự án được phê duyệt, thuế, đến các thông tin về thị trường, chủ đầu tư, sàn giao dịch, giá, thanh khoản dự án...

Những thông tin này sẽ giúp ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp bất động sản và các khách hàng, nhà đầu tư. Nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin thị trường, kiểm soát các đợt sốt đất ảo và rủi ro cho nhà đầu tư. Trong khi đó, khách hàng mua bất động sản cũng sẽ có thông tin để xác minh lại về dự án, tính pháp lý, tiềm năng đầu tư.

"Nghị định số 44 sau khi được đi vào thực tiễn sẽ đóng góp vai trò rất lớn trong việc minh bạch hóa thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Đây cũng là động thái quyết liệt của Chính phủ nhằm từng bước thực hiện các chính sách mới liên quan đến thị trường tiếp theo đã được định hướng trong Nghị quyết 18 như đánh thuế bất động sản, định giá đất theo giá thị trường...", ông Đính khẳng định.

Cũng theo vì chuyên gia này, mong muốn quản lý thông tin thị trường là điều Chính phủ đã muốn thực hiện từ lâu. Trước đó, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, đáng tiếc là nghị định này sau đó đã thất bại do không phù hợp với các vấn đề thực tiễn của thị trường. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục để doanh nghiệp, các cơ quan quản lý công bố thông tin cũng rất "cồng kềnh", quá khó để các doanh nghiệp thực hiện.

Chình vì vậy, từ đó đến nay, việc công khai các thông tin trên thị trường vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa thể đi vào thực tế. Phải đến thời gian gần đây, những điểm hạn chế của Nghị định 117 mới được điều chỉnh lại trong Nghị định 44. Các thủ tục để công bố thông tin được điều chỉnh lại theo hướng tinh giản, thông thoáng và linh hoạt hơn, áp dụng chuyển đổi số trong quản lý thông tin thị trường.

Ông Đính cho rằng, điểm sáng nhất của nghị định mới này chính là áp dụng chuyển đổi số để mã hoá và cập nhật các thông tin. Nhờ đó các thông tin trên thị trường được cập nhật dễ dàng nhanh chóng, thuận tiện cho việc cung cấp và xử lý thông tin của cả các cơ quan quản lý và doanh nghiệp chủ đầu tư, sàn giao dịch.

Doanh nghiệp "không muốn" cũng phải thực hiện

Theo Nghị định 44, mọi thông tin về dự án bất động sản sẽ phải được các chủ đầu tư công khai minh bạch như diện tích, pháp lý, tổng vốn đầu tư, loại hình bất động sản... Thậm chí các thông tin về kinh doanh cũng phải công bố, từ số lượng căn bán được trong kỳ, giá bán, giá cho thuê đến lượng tồn kho.

Không chỉ các chủ đầu tư, sàn giao dịch cũng phải công khai các thông tin về lượng giao dịch, chuyển nhượng bất động sản qua sàn và mức giá giao dịch.

Đối với các cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng sẽ công bố các thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản trên phạm vi toàn quốc tại Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản định kỳ hàng quý. 

Ngày cuối cùng của quý, các số liệu thống kê như tổng số dự án bất động sản được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, khởi công; số lượng, diện tích các loại bất động sản của dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; số lượng, diện tích các loại bất động sản của dự án đã được giao dịch; số lượng các loại bất động sản của dự án được giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản; chỉ số giá giao dịch bất động sản; chỉ số lượng giao dịch bất động sản sẽ được công bố.

Định kỳ hàng năm, trước ngày 31 tháng 12, bộ sẽ công bố các số liệu thống kê các kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; số lượng, diện tích nhà ở tại khu vực đô thị, nông thôn; số lượng nhà ở, đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Với những quy định chặt chẽ về việc công khai thông tin này, ông Đính cho rằng, chắc chắn, một số doanh nghiệp sẽ không muốn thực hiện. Thông tin trên thị trường càng thiếu minh bạch, càng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không chuyên nghiệp, thiếu uy tín, làm ăn chộp giật, bán nhà nhiều giá, trốn thuế, lừa đảo khách hàng.

Đó là chưa kể đến việc công khai thông tin khiến doanh nghiệp phải tiêu tốn chi phí cho nhân sự, thời gian thực hiện và các thủ tục cộng thêm.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, nếu như với Nghị định 117, hầu hết các doanh nghiệp đều không thực hiện thì với các quy định chặt chẽ của Nghị định 44, doanh nghiệp có muốn "né tránh không làm" cũng không được, bởi việc công khai thông tin là điều kiện cần, bắt buộc đối với các doanh nghiệp nếu muốn thực hiện các công việc tiếp theo trong việc phát triển dự án bất động sản.

Đây là một trong những điểm rất tiến bộ của Nghị định 44 nhằm giúp thị trường minh bạch hơn, tránh việc khách hàng "tù mù" thông tin, dẫn đến bị lợi dụng, ông Đính nhấn mạnh.