Doanh nghiệp làm gì để vượt qua khủng hoảng Covid-19

Quỳnh Chi - 09:22, 21/03/2020

TheLEADERABC Bakery, NS BlueScope và Vissan đang tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt, chờ thời cơ quay trở lại đẩy mạnh sản xuất với kỳ vọng dịch bệnh sớm qua đi.

Doanh nghiệp làm gì để vượt qua khủng hoảng Covid-19
"Vua bánh mỳ" Kao Siêu Lực và chiếc bánh mỳ thanh long mùa dịch Covid-19

Trong khi nhiều chuyên gia bi quan về tác động nặng nề và kéo dài của đại dịch Covid-19, lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt lại kỳ vọng khủng hoảng này chỉ mang tính ngắn hạn.

Tại toạ đàm 'Doanh nghiệp chung tay vượt qua Covid-19' do VNExpress tổ chức tối qua, ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc nhận định, với tình hình kiểm soát dịch tốt như ở Việt Nam hiện nay, dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt. 

Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam cho rằng, khủng hoảng tài chính, kinh tế thường kéo dài vài năm nhưng khủng hoảng do dịch bệnh có chu kỳ ngắn. Covid-19 khó có thể dẫn đến khủng hoảng lâu dài nếu tất cả doanh nghiệp có suy nghĩ đúng đắn để hành động, đồng hành và phối hợp tốt với chính phủ.

Nói như vậy không có nghĩa là các doanh nghiệp chủ quan. Thực tế, họ đã lên phương án dự phòng cụ thể cho các kịch bản trong thời gian tới theo cấp độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh.

Trong nội bộ doanh nghiệp, NS BlueScope chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt với những chính sách mang tính ngắn hạn để đảm bảo an toàn cho nhân viên và gia đình họ như cho nhân viên làm tại nhà, tách ca, sắp xếp giờ ăn khác nhau, cung cấp đường dây nóng, giám sát việc đi công tác của nhân viên…

Doanh nghiệp làm gì để vượt qua khủng hoảng Covid-19
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam

Đối với hoạt động kinh doanh, ông Nhựt cho biết, NS BlueScope đảm bảo nguồn cung ứng bằng cách làm việc với tất cả nhà cung cấp để có kế hoạch dự trữ, thực hiện kiểm tra hàng tuần và đến nay, công ty chưa gặp vấn đề gì về cung ứng. 

Là liên doanh sản xuất thép mạ, doanh nghiệp này cũng tính toán đảm bảo cung cấp cho khách hàng ngành xây dựng, đưa ra phương án đối phó trong trường hợp dự án bị dừng giữa chừng.

NS BlueScope đảm bảo lò mạ luôn được giữ ấm, chuẩn bị áo bảo hộ để một số nhân viên được phép vào. Giám đốc sản xuất của doanh nghiệp này còn đề nghị kết nối để vận hành lò tại nhà phòng kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là nhà máy bị đóng cửa đột ngột. 

Tuy nhiên ông Nhựt cho biết, tình hình hiện tại không cần quá lo lắng, những biện pháp phòng kịch bản xấu nhất cũng chưa cần thiết vì việc đưa thông tin về nhà có thể dẫn đến rủi ro trong vấn đề bảo mật.

Khó tránh khỏi sụt giảm doanh số nên trước mắt, NS BlueScope đang cắt giảm một số chi phí, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người lao động và khách hàng. 

Thay vì cắt giảm nhân sự như nhiều công ty, NS BlueScope không tuyển dụng mới hoặc không thay thế nhân sự trong giai đoạn này. Những chi phí dành cho các hoạt động tiếp thị chưa thực sự cần thiết trong giai đoạn này có thể chậm lại, huỷ một số sự kiện.

Trong khi đó, đại diện Vissan chi biết chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 như nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường. Ông Dũng cho biết, do trường học và nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên doanh thu từ mảng cung ứng thực phẩm tươi sống của Vissan bị giảm hẳn đi, nhưng lại được bù lại từ mảng thực phẩm chế biến.

Khi dịch bệnh bắt đầu bước vào giai đoạn cao trào ở Việt Nam từ ngày 6/3, người dân có tâm lý hoang mang nên đổ xô đi mua sắm thực phẩm để tích trữ, gây áp lực cho doanh nghiệp phải gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho thị trường như đã cam kết.

“Vào thời điểm trước Tết Canh Tý, chúng tôi đã xác định là phải chuẩn bị cho cao điểm Tết lần 2 vào thời đểm sau Tết. Nhưng trên thực tế, nhu cầu đợt dịch này còn nhiều hơn cao điểm Tết gấp hai lần”, ông Dũng cho biết.

Doanh nghiệp làm gì để vượt qua khủng hoảng Covid-19 1
Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan)

Tuy nhiên, tình hình này cũng không làm khó Vissan khi doanh nghiệp này đã lên phương án chuẩn bị nguyên liệu gối đầu tới một năm. Điều duy nhất khiến doanh nghiệp bị động là việc người dân mua hàng một cách ào ạt khiến doanh nghiệp không thể nhất thời đáp ứng vì việc sản xuất, chế biến phải theo quy trình.

Vissan cũng không cắt giảm nhân sự mà thay vào đó, doanh nghiệp này thực hiện chính sách đào tạo nhân sự ở mảng thực phẩm tươi sống để chuyển sang tăng cường sản xuất bên mảng chế biến, vừa đảm bảo việc làm cho người lao động, vừa đáp ứng sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường. 

Theo lãnh đạo Vissan, mặc dù các nhân sự này làm việc chưa thuần thục nhưng việc đào tạo sẽ nhanh hơn so với đào tạo người tuyển mới từ bên ngoài, và cũng là cơ sở để giữ người.

Còn với ABC Bakery của “vua bánh mỳ” Kao Siêu Lực, trường học đóng cửa và sân bay vắng khách đã ảnh hưởng đến doanh thu phân phối thức ăn nhanh. Bù lại, doanh nghiệp đã nghiên cứu và tung ra sản phẩm mới, kích thích nhu cầu tiêu dùng, như kết hợp trực tiếp với người nông dân để sản xuất bánh mỳ thanh long, góp phần cùng bà con nông dân vượt qua khó khăn mùa dịch.

Ông Lực cho biết, bên cạnh sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước, ABC Bakery còn sản xuất cho xuất khẩu, bình quân hai ngày xuất đi một container nên không ảnh hưởng quá nhiều về phần doanh thu. 

Điều ông Lực lưu tâm nhất là đảm bảo sức khoẻ cho người lao động vì nếu bất kỳ người lao động nào gặp vấn đề về sức khoẻ, nguy cơ các nhân sự khác nghỉ việc cũng có thể xảy ra. Ông tâm niệm có giữ được người lao động thì mới đảm bảo sản xuất.

Để tự cứu mình trong cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều phương án. Ông Phạm Phú Trường, CEO Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu (GIBC) cho biết, các phương án được nhiều doanh nghiệp đưa ra là tìm thị trường mới, cắt giảm nhân sự theo một xu thế không phải cho nghỉ hẳn mà giảm giờ làm, tìm cách giữ nhân sự và chờ thời cơ để quay trở lại sản xuất với hy vọng dịch qua nhanh.

Một khảo sát nhanh mới đây của GIBC đối với các doanh nghiệp tại TP. HCM cho thấy, 58% cho rằng Chính phủ hiện có khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh và khoảng 31% doanh nghiệp đánh giá là rất tốt.

Ngoài ra, 45% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng dịch Covid-19 sẽ kéo dài ba tháng nữa, 45% cho rằng dịch sẽ kéo dài thêm sáu tháng, 8% cho rằng dịch sẽ kéo dài một năm và 2% cho rằng dịch sẽ kéo dài trên một năm. 

Có 35% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự trong thời gian tối đa ba tháng và 38% doanh nghiệp có thể cầm cự trong thời gian sáu tháng.