Doanh nghiệp logistics Hàn Quốc muốn hợp tác với Việt Nam

Tùng Anh - 07:47, 20/04/2022

TheLEADERCác doanh nghiệp Hàn Quốc nhìn nhận, thị trường logistics của Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm đến hết năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai thông qua các xu hướng đầu tư nước ngoài và áp dụng công nghệ mới.

Doanh nghiệp logistics Hàn Quốc muốn hợp tác với Việt Nam
Ông Kim Sam Mo, Tổng Giám đốc Công ty Kukdong Logistics, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam

Số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Công thương từ 45/63 tỉnh thành cho thấy, cả nước hiện có 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp.

Hiện nay, một số địa phương như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Cao Bằng… đang tập trung triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng.

Cùng với đó, theo nghiên cứu trong năm 2021 của Bộ Công Thương, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 của Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14% - 16% trong một năm.

Ông Kim Sam Mo, Tổng Giám đốc Công ty Kukdong Logistics, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, thị trường logistics của Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm đến hết năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai thông qua các xu hướng đầu tư nước ngoài, áp dụng công nghệ mới, thương mại điện tử.

Với sự tăng trưởng không ngừng về số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic tại Việt Nam cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp này sang các lĩnh vực vận chuyển, lưu kho, thông quan và phân phối giao nhận, các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Kim Sam Mo kiến nghị, Việt Nam nên hình thành hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử (EDI). Trong đó, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất để giúp các doanh nghiệp khi tiếp nhận thông tin nhanh chóng, qua đó giúp việc xử lý nghiệp vụ tiết kiệm nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, ông còn kiến nghị việc tiêu chuẩn hoá dịch vụ hạ tầng logistics bằng việc áp dụng giá cước chuẩn hoá giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, nâng cao việc thống nhất hệ thống thu phí.

Từ phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải lớn của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam. Để thuận lợi trong quá trình hợp tác, ông Thạnh cho biết, các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có hướng dẫn cụ thể hơn nữa về thủ tục hành chính, giúp quá trình hợp tác đầu tư thuận lợi, tiết kiệm thời gian.

Cùng với đó, theo ông Thanh, cần tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng, như hải quan, cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu… giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Việc áp dụng công cụ quản lý mới, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng rất cần thiết.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, hiện nay các trung tâm logistics theo kiểu truyền thống đã dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0.

Bên cạnh đó, các chính sách như Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 cũng đang được triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics.

Hiện nay các giải pháp thúc đẩy ngành logistics cũng đang được thực hiện như: Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics…

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, bộ này cũng đã thành lập nhóm công tác liên quan đến các phương thức vận chuyển để đánh giá tác động của giá nhiên liệu tăng, qua đó có giải pháp thích hợp đề xuất Chính phủ và Quốc hội quyết định. Giá khai thác cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam tương đối đồng đều, theo đó, khách hàng có thể lựa chọn dựa trên cơ sở dịch vụ và ngành nghề kinh doanh để có sự lựa chọn phù hợp các dịch vụ logistics.