Doanh nghiệp nên chuyển đổi bền vững thế nào?

Phạm Sơn - 17:13, 24/04/2022

TheLEADERTheo TS. Võ Trí Thành, khi thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, bền vững, doanh nghiệp cần tập trung vào những mảng có thể làm ngay và đem lại giá trị ngay, thay vì đầu tư dàn trải.

Doanh nghiệp nên chuyển đổi bền vững thế nào?
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Tọa lạc tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được xây dựng với mục đích tập trung thu hút những doanh nghiệp, nhà máy, dây chuyền sản xuất theo tiêu chí sạch. Với quy trình và cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường hiện đại, đồng bộ, đây là khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam.

Có một điều đặc biệt là khu công nghiệp sinh thái tiên tiến này được xây dựng từ rất sớm, trước cả khi chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được ban hành lần đầu tiên và thuộc sở hữu của tư nhân. Đây là minh chứng cho thấy khu vực tư nhân chính là ngọn cờ tiên phong trong xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Nói về động lực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho biết, những xu thế này được thúc đẩy từ chính nhu cầu của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường chứ không phải câu chuyện chính sách.

Ông Thành lấy ví dụ, mãi đến thời gian gần đây, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA mới tích hợp điều khoản liên quan đến phát triển bền vững, còn những hiệp định trước đó chỉ tập trung vào phát triển thương mại, loại bỏ rào cản thương mại.

Tuy nhiên, ngay cả khi không vi phạm các điều kiện được ký kết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thất thế, đánh mất cơ hội tiến vào thị trường nếu gặp phải phản ứng trải chiều từ phía người tiêu dùng.

“Chưa cần phải vi phạm quy định gì nhưng chỉ cần một hiệp hội tiêu dùng châu Âu phản ánh xấu về sản phẩm của doanh nghiệp là doanh nghiệp “chết”, khó tiến được vào thị trường này”, Viện trưởng BCSI nhận xét.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, xác nhận điều này từ chính kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp du lịch hàng đầu Đông Nam Á. Khai thác ngành dịch vụ từ năm 1995, khi những khái niệm về phát triển xanh, bền vững còn tương đối xa lạ ở Việt Nam nhưng Thiên Minh đã xây dựng mô hình du lịch không gây hại cho môi trường và bảo vệ, bảo tồn văn hóa bản địa, chính là vì “đây là yêu cầu của khách hàng”.

Muốn “xanh” hóa, doanh nghiệp phải làm thế nào?

Có động lực rõ ràng, giờ đây lại nhận được sự ủng hộ của cả bộ máy chính trị nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lúng túng trên con đường xanh hóa. Ở Việt Nam mới chỉ có một số doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp bền vững, chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp lớn.

Bài học cho sự chuyển đổi bền vững, theo ông Thành, yếu tố tiên quyết là sự thay đổi trong chính tư duy của người lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp. Tiếp theo đó, tư duy về bền vững phải gắn với định vị, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp để được tiến hành một cách thực tiễn.

Khó khăn chính của cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện chiến lược xanh hóa là thiếu vốn đầu tư. Ông Thành đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, tương tự với kinh nghiệm triển khai với chuyển đổi số, là hãy “làm cuốn chiếu”, tập trung vào những mảng, những khía cạnh có khả năng tạo ra dòng tiền nhất, lấy đó làm nguồn lực tái đầu tư, thay vì triển khai dàn trải.

“Bài học hết sức căn bản là doanh nghiệp hãy tập trung thay đổi từ những cái nhỏ nhất trong sản xuất, kinh doanh, quản trị, những cái làm ra tiền và nâng hình ảnh, nâng giá trị của doanh nghiệp lên”, ông Thành cho biết.

Đồng quan điểm với Viện trưởng BCSI, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), cho biết, đối với mô hình bền vững đang trở thành xu thế và được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm là kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp nếu áp dụng, triển khai sẽ nhận được nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Tuy nhiên, để nhìn ra những cơ hội mới này, cần phải hiểu kinh tế tuần hoàn theo nghĩa rộng. Theo ông Quân, kinh tế tuần hoàn không chỉ tập trung vào tái chế, xử lý rác thải mà còn gắn với bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm, bài toán cung ứng dịch vụ, kinh tế chia sẻ…

Nhìn ra được bức tranh lớn về kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng để tham gia vào lĩnh vực phù hợp nhất và có lợi thế nhất, từ đó mang lại những giá trị gia tăng vô cùng to lớn.