Đông Nam Á trước ‘cơn sóng’ căng thẳng thương mại

Mai Lan - 15:45, 06/08/2018

TheLEADERTrong số các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam có thể trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh thương mại.

Đông Nam Á trước ‘cơn sóng’ căng thẳng thương mại
Việt Nam có thể trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh thương mại. Ảnh: TL TheLEADER

Với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam có thể bị dừng lại một cách đáng sợ vì chiến tranh thương mại. Chính phủ đang phải đối mặt với "cơn đau đầu" trong quản lý nội tệ để có thể dung hòa với đồng USD và Nhân dân tệ cũng như kiểm soát lạm phát, South China Morning Post nhận định. 

Việt Nam có thể trở thành quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu Trung Quốc quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ như thời điểm 2015. South China Morning Post cho rằng đây không đơn thuần là một cuộc chiến thương mại mà còn là cuộc chiến về quyền lực, công nghệ và chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chia sẻ về vấn đề này, trước thềm hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Mỹ”, ông Đào Trần Nhân, Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá: “Trong thời gian tới, có khả năng một dòng hàng hóa của Trung Quốc và Mỹ sẽ vào Việt Nam, đối với dòng đầu tư cũng sẽ có sự dịch chuyển”.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại xảy ra sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, từ đó gây suy yếu nhu cầu tại các thị trường khác, khiến việc xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị sụt giảm và sẽ khó khăn hơn, ông Nhân nhận định.

Tuy vậy, sự đối đầu thương mại này cũng được đánh giá là cơ hội cho Việt Nam, có thể tạo ra sự chuyển dịch về chuỗi hàng hóa sản xuất và dòng đầu tư.

Không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia lớn khác tại khu vực Đông Nam Á cũng gặp phải những bài toán mới và cơ hội mới khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á Indonesia tháng 7 vừa qua đã đưa ra những biện pháp ngăn chặn ưu tiên dành cho cuộc chiến thương mại. Việc đồng Nhân dân tệ suy yếu có thể gây tổn thương khả năng mua nguyên liệu thô từ Indonesia của các nhà sản xuất Trung Quốc như sản phẩm gỗ.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách về thương mại của chính phủ Malaysia mới đây kết luận những tác động của việc đánh thuế giữa Mỹ và Trung Quốc nằm ở mức "tương đối tối thiểu". 

Bộ trưởng Thương mại nước này gần đây cho thấy sựu khá lạc quan đối với tình hình hiện tại: "Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn hàng hóa của chúng tôi và ngược lại. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ xem xét đến chúng ta nhiều hơn bởi rất nhiều sản phẩm của họ hiện không thể xuất đi hoặc bị đánh thuế".

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cuối tuần trước đánh giá Philippines sẽ không bị tác động nhiều trong cuộc chiến thương mại như các quốc gia láng giềng và có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế nhờ vào nhu cầu nội địa. Tuy vậy, quốc gia này cũng đang tiến hành những nghiên cứu nhằm xác định các lĩnh vực dễ bị tổn thương, South China Morning Post đưa tin.

Trong khi đó, Thái Lan tỏ ra khá lạc quan giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang khi Bộ trưởng Thương mại nước này mới đây cho rằng sự đối đầu hiện tại sẽ giúp thực phẩm Thái Lan có được thị phần lớn hơn tại các siêu thị của cả Mỹ và Trung Quốc. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gia tăng mức thuế lên các sản phẩm hải sản của đối phương và điều này sẽ giúp mở ra cơ hội cho các nước xuất khẩu hải sản khác.

Trong động thái mới nhất, theo thông tin được đưa bởi Reuters, Trung Quốc tuyên bố áp thuế lên 60 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ, dao động từ 5-25%. Trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, sẽ có 4 danh sách hàng hóa bị đánh thuế và mỗi danh sách sẽ tương ứng với một mức khác nhau.

Điều này tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cả Mỹ và Trung Quốc trước đó đều đã nâng thuế đối với 34 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của đối phương và không dừng lại ở đó, những mức thuế cao hơn đối với hàng trăm tỷ USD cũng đang được xem xét.