Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp

Thu Phương - 09:15, 23/11/2018

TheLEADERNhu cầu lớn nhưng du lịch nghỉ dưỡng ven Hà Nội vẫn đang phát triển một cách manh mún.

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp
Khu nghỉ dưỡng Lâm Sơn đang được xây dựng tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình

'Ngòi nổ' của du lịch nghỉ dưỡng ven đô

Với thâm niên kinh doanh du lịch ở vùng ven Hà Nội hàng chục năm, không khó để ông Nguyễn Mạnh Thản, Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua nhận ra nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng ven đô của người Hà Nội ngày càng tăng. Theo ông Thản, hàng ngày đối mặt với áp lực công việc và ô nhiễm môi trường, người dân đô thị cần được nghỉ ngơi và đó cũng là lý do tại sao người Việt đi du lịch ngày càng đông. 

Ví nhu cầu nghỉ dưỡng giống như việc ăn uống, doanh nhân này cho rằng, những khu nghỉ dưỡng ở quanh Hà Nội sẽ là lời giải cho bài toán du lịch thuận tiện với chi phí thấp. "Chính vì thế, tôi tin rằng trong tương lai du lịch nghỉ dưỡng ven đô sẽ phát triển tốt", ông Thản, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhấn mạnh.

Quan điểm của ông Thản nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Archi Invest. Ông Trung nêu ra bảy lý do để tin rằng thị trường du lịch nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh và bền vững trong rất nhiều năm tới.

Thứ nhất, nguồn cầu lớn đến từ khách du lịch nội địa và quốc tế đến Hà Nội. Trong những năm qua, du lịch Hà Nội tăng trưởng mỗi năm đều trên 10% và năm ngoái đón 21,8 triệu lượt khách, gấp năm lần thị trường Nha Trang. Trong khi đó, Hà Nội chỉ có thêm 1.200 phòng khách sạn 3-5 sao mới đi vào hoạt động trong 5 năm qua. 

"Nguồn cung phòng khách sạn mới vô cùng khiêm tốn khiến sức ép thị trường ngày càng tăng. Một trong những giải pháp giảm áp lực cho thị trường khách sạn là san sẻ bằng cách kết nối với hệ thống du lịch của ngoại ô. Với gần 30 triệu khách đến Hà Nội trong tương lai không xa, khu vực ngoại ô chỉ cần chia sẻ một ít cũng là rất lớn", ông Trung nhấn mạnh.

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Archi Invest

Một nguồn cầu theo ông Trung còn quan trọng hơn nhiều, chính là lượng khách từ trong nội đô Hà Nội đi ra ngoại ô để nghỉ dưỡng. 

"Chúng ta có 4,5 triệu người trong nội đô, tôi không tính đến hơn 8 triệu người tổng cộng của cả Hà Nội vì không kỳ vọng những người ở nông thôn sẽ đi du lịch. Hơn 4,5 triệu người trong một thành phố trẻ đang phát triển với sự căng thẳng của công việc, ô nhiễm, tắc đường, thì nhu cầu nghỉ dưỡng ven đô cũng như nhu cầu ăn uống hàng ngày", ông Trung cùng chia sẻ nhận định với ông Thản.

Một khảo sát nhanh của Archi Invest năm 2017 cho thấy, trên 90% người được hỏi mong muốn ra ngoại ô trên 10 lần/năm và 70% trong số đó có nhu cầu chi trả chưa đến 1 triệu đồng/người.

Trong khi cầu lớn thì nguồn cung khu nghỉ dưỡng ven đô rất hạn chế, hiện chỉ có chưa đầy 1.600 phòng 3 - 5 sao ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận. Với nguồn cung này, ông Trung cho rằng, khả năng xây dựng cật lực 10 năm nữa cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân Hà Nội với dân số ngày một tăng.

Lý do thứ ba là thị trường ngoại ô rất dễ tiếp cận và ngày càng gần hơn do các tuyến đường giao thông thuận tiện. Trước đây từ trung tâm Hà Nội đi Hoà Bình mất một tiếng rưỡi, nhưng hiện nay chỉ mất 50 phút. Tương tự, đi Ba Vì trước đây hơn một giờ thì hiện nay chỉ khoảng 40 phút. Bên cạnh đó, sự tăng nhanh về số lượng xe ô tô cá nhân tạo điều kiện cho thị trường nghỉ dưỡng ven đô phát triển.

Thứ tư là lợi thế về chi phí rẻ hơn du lịch biển. Một khu nghỉ dưỡng tầm trung ở ven đô có giá khoảng 2,8 triệu đồng/phòng/đêm, mỗi người chi phí ăn uống, ngủ nghỉ một ngày mất khoảng 3 triệu đồng, chỉ bằng vé máy bay vào Đà Nẵng. Ngoài ra, biệt thự ngoại ô cho thuê có giá chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/đêm cho 6 - 10 người, nên chi phí cho một người chỉ trên dưới 1 triệu đồng/ngày.

"Đây là mức giá rất hợp lý mà hầu hết khách hàng có thể chi trả, từ đó làm gia tăng nguồn cầu cho nghỉ dưỡng ven đô", ông Trung nhấn mạnh.

Một điều khác biệt của thị trường nghỉ dưỡng ven đô, theo ông Trung, là khi kinh tế đi xuống, nhiều người không có khả năng chi trả để đi xa sẽ quay trở lại du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô với chi phí thấp hơn. Điển hình như năm 2014, thị trường du lịch nói chung khó khăn thì du lịch nghỉ dưỡng ven đô vẫn không chịu ảnh hưởng.

Mặt khác, riêng ngoại ô Hà Nội có đầy đủ bốn yếu tố để phát triển du lịch nghỉ dưỡng là thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá đậm đà, ẩm thực ngon và con người thân thiện. 

Mặc dù vậy, thực trạng của thị trường du lịch nghỉ dưỡng ven đô lại trái ngược với bức tranh sáng sủa mà cả ông Thản và ông Trung 'vẽ' ra cho tương lai.

Thực tế phũ phàng

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp 1
Ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc H&K Hospitality

Nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng lớn nhưng số lượng những khu nghỉ dưỡng được đầu tư đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình hiện nay rất khiêm tốn. Chỉ có một số ít dự án đã đi vào hoạt động như Flamingo Đại Lải, Melia Ba Vì, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi và Emeralda Ninh Bình và chính ông Thản cũng phải thừa nhận "du lịch ven đô đang phát triển một cách manh mún, nhỏ lẻ và tự phát".

Không khí buổi toạ đàm "Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Thực trạng và triển vọng" do TheLEADER tổ chức ngày 21/11 thực sự nóng lên khi ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality châm ngòi cho cuộc tranh luận gay cấn. Trong khi cả ông Thản và ông Trung đều lạc quan về tương lai của thị trường này, ông Khánh lại hoài nghi.

Ông Khánh đặt dấu hỏi có hay không sức hấp dẫn của các khu du lịch nghỉ dưỡng ven đô khi chỉ đông đúc vào cuối tuần, còn trong tuần thì rất vắng vẻ. Không chỉ với thị trường nghỉ dưỡng ven đô, ông Khánh còn cho rằng, tương lai của thị trường du lịch biển cũng rất thách thức. 

Dẫn chứng số liệu của công ty tư vấn CBRE, ông Khánh cho biết, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng biển đang tăng chóng mặt. Phú Quốc hiện nay có 8.000 phòng khách sạn 4-5 sao nhưng đến năm 2020 sẽ có 15.000 phòng, con số tương ứng của Đà Nẵng là từ 20.000 phòng lên 34.500 phòng và Nha Trang từ 26.400 phòng lên 34.200 phòng. Nguồn cung ồ ạt khiến cho hoạt động của các khu nghỉ dưỡng kém hiệu quả, trong đó ông Khánh cho biết có khu nghỉ dưỡng lớn ở Phú Quốc công suất phòng trung bình năm ngoái chỉ 30%. 

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp 2
Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần QNK

Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần QNK - chủ đầu tư sân golf Yên Dũng tại tỉnh Bắc Giang, chỉ ra thêm một thực tế là, các khu nghỉ dưỡng ven Hà Nội công suất cao và có khả năng phát triển tốt vào các ngày cuối tuần và mùa hè là nhờ nhu cầu nghỉ dưỡng cao của người Hà Nội. Nhưng vào mùa đông thì vắng khách, đặc biệt là nguồn khách nước ngoài cũng chỉ ở dạng tiềm năng vì chưa có đủ hạ tầng và sức hút.

"Chính điều này khiến các nhà đầu tư không mấy hứng thú mua các bất động sản nghỉ dưỡng ven đô bởi tài sản đấy khó được tối ưu hóa về giá trị", ông Kiên nhận xét.

Tuy nhiên, ông Lê Kiên Trung, nhà sáng lập Urban Getaway lại chỉ ra một thực tế bất ngờ. Trước khi bắt tay xây dựng chuỗi homestay trên khắp cả nước, đặc biệt ở vùng ven Hà Nội, ông Trung đã nghiên cứu kỹ thị trường du lịch và cũng nghĩ rằng, khách du lịch chỉ đi nghỉ vào cuối tuần. Nhưng thị trường lại cho câu trả lời hoàn toàn khác. Khi bắt tay vào làm, ông Trung nhận thấy thực tế không giống những thống kê, báo cáo trên sách vở. 

"Một phần là bởi vì nghỉ dưỡng ven đô vẫn còn là một lĩnh vực quá mới, chưa được nghiên cứu một cách cụ thể và bài bản tại Việt Nam", ông Trung nhận xét.

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp 2
Ông Lê Kiên Trung, nhà sáng lập Urban Getaway

Vị kiến trúc sư chia sẻ tốc độ phát triển nhanh chóng của chuỗi Urban Getaway, từ chỗ chỉ có 17 khu nghỉ trong năm đầu tiên ra đời thì đến nay đã có 80 cơ sở sau hai năm với tổng cộng khoảng 300 phòng nghỉ. 

"Hầu hết các khu homestay của chúng tôi đều kín chỗ cả ngày nghỉ và ngày trong tuần, thậm chí có những khu nghỉ khách hàng phải đặt lịch trước hàng tháng trời mới có cơ hội được đến trải nghiệm", ông Trung tiết lộ.

Từ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp của mình, ông Trung không đồng tình với quan điểm cho rằng du lịch nghỉ dưỡng ven đô hoạt động thất thường. Nhà sáng lập Urban Getaway cho rằng giới trẻ hiện nay không mong muốn làm việc theo giờ hành chính như cha ông trước đây nên khi Urban Getaway giảm giá cho ngày thường thấp hơn ngày cuối tuần thì họ rất đón nhận nên bài toán vắng khách ngày cuối tuần được giải quyết. 

Một lý do nữa là du lịch nghỉ dưỡng ven đô không hẳn là một chuyến đi. Nếu như khách du lịch đi Đà Nẵng, Phú Quốc phải chuẩn bị kỹ càng từ vé máy bay, hành lý, thì những chuyến đi ngoại ô không mất nhiều thời gian và tiền bạc. 

"Thậm chí, chỉ cần một lời mời đi chơi, 5h chiều tan giờ làm mới lên khu nghỉ dưỡng thì du khách vẫn có một đêm nghỉ thoải mái cho đến trưa ngày hôm sau với chi phí rất rẻ, hành lý hầu như không có gì đáng kể, rất phù hợp với xu hướng sống của giới trẻ hiện nay", ông Trung nhận xét.

Bánh ngon tuỳ đầu bếp

Sau một hồi tranh luận căng thẳng, hầu hết các diễn giả tham dự toạ đàm đều tỏ ra lạc quan về triển vọng sáng sủa của du lịch nghỉ dưỡng ven đô. Vấn đề là nhà đầu tư có dũng cảm dẫn dắt thị trường và biết cách tạo nên miếng bánh ngon từ những nguyên liệu sẵn có hay không. 

"Nhà đầu tư bây giờ cần chủ động đưa ra nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nếu cứ tranh cãi cung có trước hay cầu có trước thì cũng giống câu chuyện con gà quả trứng. Thường thì cung đi trước để đón đầu, có cung ắt có cầu", ông Thản nhấn mạnh về nhu cầu đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng ven đô.

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp 3
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội

Ông Khánh cho rằng, cơ hội đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng ven đô sẽ ngày càng rộng mở, nhưng các nhà đầu tư cũng cần thận trọng, bắt đầu từ những dự án vừa tầm, tránh lạc quan thái quá muốn đầu tư những khu du lịch quy mô lớn hoặc sang trọng trong khi chưa có nguồn khách có khả năng chi trả cao.

Một vấn đề nữa được ông Khánh nêu ra là các khu nghỉ dưỡng ven đô phải làm sao lôi kéo được du khách bằng các sản phẩm du lịch mới là điều quan trọng. 

"Hiện nay, một loạt các khách sạn,khu nghỉ dưỡng được xây giống nhau, không có những nét độc đáo riêng biệt, không có cái "văn hoá" ở đó. Trong khi đó, khách du lịch rất thích được trải nghiệm văn hoá, khám phá văn hoá của khu vực địa phương, nhưng nhiều khu du lịch hiện nay không đáp ứng được", ông Khánh nhận xét.

Từ góc nhìn của nhà tư vấn và đã có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh khu nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Welham Hospitality, cho rằng du lịch nghỉ dưỡng ven đô khác rất nhiều so với du lịch biển. 

"Làm dịch vụ nghỉ dưỡng xung quanh nội đô không nên kỳ vọng quá lớn vào công suất phòng bởi công suất phòng nghĩa là khách phải lưu trú. Nhưng hầu hết họ chỉ đi trong ngày hoặc cùng lắm là nghỉ lại một đêm", ông Huy cho biết. 

Tuy nhiên, phần lớn các dự án du lịch ven đô hiện nay đang chủ yếu đầu tư phòng nghỉ. 

"Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nhưng toàn thấy làm bất động sản mà chẳng thấy nghỉ dưỡng, dịch vụ đâu khiến khách hàng cảm thấy nhàm chán", ông Huy chỉ ra thực tế những dự án chỉ chú trọng bán bất động sản mà không có kinh nghiệm vận hành.

Theo ông Huy, du lịch ven đô không chỉ là du lịch nghỉ dưỡng mà phải kết hợp với vui chơi giải trí, dịch vụ mới có thể thành công. 

"Hơn một nửa, thậm chí 70% doanh thu của các khu du lịch ven đô đến từ dịch vụ. Vì thế, các dự án không nên chỉ cố tìm cách tối ưu công suất phòng mà hãy tìm cách tăng doanh thu bằng cách tối ưu doanh thu dịch vụ, xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, đầu tư cảnh quan thật đẹp, xây hồ bơi bốn mùa. Việc đầu tư các hạng mục này chi phí chẳng đáng là bao so với đầu tư phòng nghỉ, trong khi đó hiệu quả lại cao hơn nhiều," ông Huy nhấn mạnh.

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp 5
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Welham Hospitality

Lấy thực tế từ một khu nghỉ dưỡng ở Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, ông Huy cho biết, dự án nằm ở tuyến đường du lịch của khách nước ngoài và có hợp tác với công ty du lịch đưa khách nước ngoài đến nghỉ. Nhưng cuối tuần, đặc biệt vào những tháng hè thường vắng khách nước ngoài nên buộc phải giảm giá để thu hút thêm khách Việt. Nhưng khách Việt đến Mai Châu thường là học sinh, sinh viên và thích nghỉ homestay giá rẻ trong khi giá phòng của khu nghỉ dưỡng hơn 2 triệu đồng/đêm nên khách Việt không ở. 

"Lúc mới mở ra, không ai nghĩ trên Mai Châu sẽ làm du lịch hội nghị, hội thảo. Nhưng vì cái khó ló cái khôn, muốn nâng công suất phòng và doanh thu thì phải làm hội thảo, hội nghị. Thực tế cho thấy khách rất đông, một tháng tầm 4 - 5 hội thảo, mỗi hội thảo thu về 50 - 100 triệu đồng", ông Huy chia sẻ cách nâng công suất phòng và doanh thu.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Tổng giám đốc khách sạn The Ann tại Hà Nội cũng cho rằng hội nghị, hội thảo là phân khúc tiềm năng mà các khu nghỉ dưỡng ven đô cần hướng tới.

"Một số doanh nghiệp đã nghĩ đến các khu nghỉ dưỡng ven đô để tổ chức các hội nghị, hội thảo vào ngày thường. Điều này có thể giúp họ thay đổi không khí họp hành, đảm bảo người dự họp sẽ ngồi họp đến phút cuối, còn nếu tổ chức ở Hà Nội, một số nhân viên sẽ trốn về hết, sau khi phát biểu xong sẽ về hết", ông Hoàn chia sẻ.

Du lịch nghỉ dưỡng ven đô: Bánh ngon tuỳ đầu bếp 5
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Tổng giám đốc The Ann Hotel

Theo ông Trương Chí Kiên, đối với khu nghỉ dưỡng sân golf Yên Dũng, bài toán khách vào mùa hè không khó vì có khách lẻ, khách gia đình, khách công ty và hội nghị. Để tăng hiệu quả hoạt động vào mùa đông, chủ đầu tư lựa chọn nghỉ dưỡng đi kèm với sân golf và tập trung vào khách Hàn Quốc vì ở Hàn Quốc mùa đông có tuyết, khách nghiện golf không có cơ hội chơi nên thường chọn du lịch golf.

"Việt Nam là một thị trường rất phổ biến cho khách du lịch Hàn Quốc. Khách Hàn Quốc du lịch golf thường sang Việt Nam 1 - 2 tuần, họ có thể vừa đánh golf, vừa ở luôn được tại khu bất động sản của chúng tôi. Điều này giúp chúng tôi đảm bảo tỷ lệ khai thác phòng, từ đó giải quyết bài toán đầu tư dài hạn tổng thể", ông Kiên chia sẻ.

Ông Hoàn cho rằng, các khu nghỉ dưỡng ven đô muốn tăng lượng khách quay lại phải đầu tư về con người, đào tạo nghiệp vụ một cách bài bản. 

"Gia đình tôi đã từng trả 12 triệu đồng để thuê một biệt thự trong một khu nghỉ dưỡng nhưng không có suy nghĩ sẽ quay lại lần hai vì không hài lòng và bức xúc với các dịch vụ ở đó. Ước tính, chủ đầu tư phải bỏ ra không dưới 300 tỷ để xây được khu nghỉ dưỡng này nhưng dịch vụ vô cùng tồi tệ. Tôi tiếc nuối cho chủ đầu tư vì đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng nhưng không mang lại được lợi nhuận. Hiệu quả đầu tư quá kém vì không đầu tư cho con người", ông Hoàn nhấn mạnh.