Dữ liệu xuyên biên giới: Việt Nam có thể vuột mất hàng tỷ đô la do hạn chế chính sách

Quỳnh Chi - 14:27, 17/05/2018

TheLEADER“Nếu đóng cánh cửa ngăn dòng dữ liệu xuyên biên giới, Việt Nam sẽ chẳng có cơ hội để thu về những nguồn lợi hàng nghìn tỷ USD như Ấn Độ đang có", Giám đốc Hiệp hội điện toán đám mây châu Á - Lim May Ann nói.

Trao đổi với TheLEADER, bà Lim May Ann, Giám đốc Hiệp hội điện toán đám mây châu Á (ACCA) nhìn nhận, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn từ các dịch vụ tiện ích và nguồn dữ liệu xuyên biên giới, tận dụng được nguồn này sẽ góp phần thu hút lớn các nhà đầu tư nước ngoài.

Dữ liệu xuyên biên giới sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển nhiều ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành vận tải và du lịch.

Trên thực tế đến thời điểm hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ này đã trở nên phổ biến, chẳng hạn, rất nhiều người đang sử dụng email cũng như dịch vụ thương mại điện tử (e-commerce) và mua nhiều mặt hàng từ nước ngoài thông qua Internet.

Dữ liệu xuyên biên giới: Việt Nam có thể vuột mất hàng tỷ đô la do hạn chế chính sách
Giám đốc Hiệp hội điện toán đám mây châu Á - Lim May Ann

“Ở Việt Nam, các dịch vụ này cũng đã được sử dụng rộng rãi và cho nhiều kết quả tích cực; điều này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua”, bà Lim May Ann đánh giá.

Theo lãnh đạo ACCA, các doanh nghiệp có thể nhận thấy được nhiều tiềm năng hợp tác và phát triển tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là phát triển nền kinh tế số thông qua việc tận dụng nguồn dữ liệu xuyên biên giới.

Thứ nhất là điểm mạnh về ngôn ngữ: Ngôn ngữ của Việt Nam theo hệ chữ cái A, B, C... do đó sẽ dễ dàng hơn cho người Việt để học lập trình hơn nhiều quốc gia khác.

Thứ hai, người Việt vốn có "máu kinh doanh" rất lớn và chính điều này đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. 

“Theo một khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam và Thái Lan là 2 nước dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc người dân thích tự thành lập doanh nghiệp của riêng mình thay vì làm thuê cho các tập đoàn lớn, đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam”, bà Lim May Ann cho biết.

Tuy nhiên như TheLEADER đã từng đề cập, sự tiếp cận của doanh nghiệp Việt đối với dòng dữ liệu xuyên biên giới còn hạn chế bởi những chính sách của Chính phủ như việc địa phương hóa dữ liệu, những bất ổn kinh doanh trong Luật an toàn thông tin mạng cũng như chính sách liên quan tới thuế xuyên biên giới ngày càng nghiêm ngặt hơn.

"Các chính sách này có thể chặn đứng doanh nghiệp trong việc tận dụng nguồn dữ liệu xuyên biên giới để phát triển ngay cả khi họ còn chưa bắt đầu", bà Lim May Ann khuyến cáo.

Bà Lim May Ann cũng chỉ ra rằng, những hạn chế nêu trên không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt mà còn tác động mạnh đến việc thu hút đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn công nghệ thông tin.

Đặc biệt, quy định về việc các công ty công nghệ thông tin (gồm mạng xã hội trực tuyến, website thông tin tổng hợp, các dịch vụ nội dung trên nền tảng mạng viễn thông di động, dịch vụ trò chơi trực tuyến) phải đặt ít nhất một máy chủ trong nước để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền... sẽ khiến các doanh nghiệp tốn thêm nhiều chi phí, có thể lên tới hàng triệu USD.

Ngoài ra, các chính sách liên quan tới thuế xuyên biên giới có xu hướng trở nên nghiêm ngặt hơn, được thể hiện trong các diễn biến gần đây liên quan tới việc quản lý các công ty kết nối dịch vụ đặt xe và các cơ sở đặt khách sạn trực tuyến.

Theo bà May Ann nhận định, những điều này khó thực hiện được tốt trong thời điểm hiện tại và sẽ là một cản trở lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Khi đầu tư vào Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn nhiều, tôi bắt buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng là có nên đầu tư vào đây hay không bởi lẽ tôi hoàn toàn có thể đầu tư vào các nước khác như Singapore vì ở đấy tôi chẳng tốn quá nhiều chi phí”, bà May Ann nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, Luật an toàn thông tin mạng cho phép chính quyền truy cập các thông tin được mã hóa có thể làm suy yếu quyền riêng tư của người dùng và của các tổ chức tại Việt Nam, điều này có thể dẫn đến một viễn cảnh xấu là một số công ty sẽ phải cân nhắc rời khỏi thị trường Việt Nam.

Lãnh đạo ACCA chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam cần có một cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng việc xây dựng một môi trường an toàn mạng không vô tình hạn chế và kìm hãm tiềm năng phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số cũng như không ảnh hưởng đến những tiềm năng và cơ hội đầu tư, phát triển.

Theo bà Lim May Ann, luồng dữ liệu xuyên biên giới tạo ra cơ hội to lớn cho các nhà khởi nghiệp và những nhà đổi mới sáng tạo công nghệ tại các nước đang phát triển để gây dựng nên những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng và nguồn thu vượt xa ra khỏi biên giới quốc gia.

Cuộc cạnh tranh trên thị trường hiện nay khá lành mạnh do đó để có thể tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng được lợi thế sân nhà của mình cũng như không ngừng đổi mới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với thị trường trong nước, việc tham gia vào thị trường quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn nữa để hướng tới chung tay cùng xây dựng cộng đồng ASEAN lớn mạnh.

“Nếu bạn đóng cánh cửa ngăn dòng dữ liệu xuyên biên giới, bạn sẽ chẳng có cơ hội để thu về những nguồn lợi hàng nghìn tỷ USD như người Ấn Độ đang có. Để làm được điều đó, tôi cho rằng hai đối tượng này cần có sự hỗ trợ lẫn nhau. Việc mở cửa là điều cần thiết song chúng ta không chỉ bàn đến mở cửa như thế nào mà cần phải xác định chắc chắn rằng sau khi mở cửa, các chính sách sẽ mang lại nguồn lợi cho cả hai bên” bà May Ann nói.