Gian nan hành trình tới nông nghiệp xanh

Thu Hoài - 11:57, 01/10/2022

TheLEADERKhi mô hình tăng trưởng nông nghiệp dựa vào sản lượng và năng suất đã gần chạm ngưỡng, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp xanh trở nên cấp bách và cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững.

Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể. Phát thải tập trung ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất phát thải...

Việt Nam có dấu chân carbon khá cao trong sản phẩm nông nghiệp, và điều này gây ảnh hưởng đến thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong vòng 30 năm qua.

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhận định, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững.

Theo đó, mô hình tăng trưởng của nông nghiệp dựa vào sản lượng và năng suất đã gần chạm ngưỡng, trong khi dễ dẫn tới tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

“Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết”, ông nhấn mạnh trong tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia về thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững mới đây. 

Thách thức trong xây dựng nông nghiệp xanh

Theo ông Sơn, việc xây dựng nông nghiệp Việt Nam tiệm cận với nông nghiệp xanh còn nhiều “điểm nghẽn”.

Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ.

Muốn nông nghiệp xanh thành công phải dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn, các hình thức sản xuất khép kín, tập trung để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ với trên 70 triệu miếng ruộng. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng khoảng hơn một nửa (0,6 - 0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines, theo số liệu từ World Bank.

Ông Sơn đánh giá thực trạng manh mún đất đai là cản trở đáng kể đối với quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp xanh trong tương lai, là thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung.

Chính phủ đã đề ra mục tiêu giảm mức độ manh mún đất đai thông qua chương trình dồn điền, đổi thửa (Điều 78, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai), khuyến khích các hộ nông dân đổi ruộng cho nhau để có các mảnh liền thửa và gia nhập hợp tác xã hoặc nông hộ có thể cho doanh nghiệp thuê đất.

“Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương trong cả nước, thị trường cho thuê đất nông nghiệp vẫn chưa phát triển, do hạn chế về quy mô thửa ruộng, giá trị đất nông nghiệp cho thuê không cao, và công tác định giá vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc”, ông phân tích.

a
GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

Thách thức thứ hai đến từ yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu.

Vị giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá ô nhiễm nông nghiệp nhìn chung ít nhận được sự quan tâm. Sự khan hiếm dữ liệu thu thập ô nhiễm nông nghiệp đã làm hạn chế khả năng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về những ảnh hưởng của nó đối với sức khoẻ con người và động vật, đa dạng sinh học, khả năng sinh lời của nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác, và tổng giá trị xã hội của sản xuất nông nghiệp.

Việc thay đổi tư duy, thói quen sản xuất sử dụng nhiều hóa chất sang sản xuất sinh thái, tuần hoàn, tạo thêm giá trị gia tăng mà lại giảm được phát thải khí nhà kính cho 9 triệu hộ dân sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ là thách thức to lớn.

Để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề môi trường khác, cần có sự hành động quyết liệt từ Chính phủ thông qua các chính sách, các cam kết; chung tay của doanh nghiệp thông qua đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, và hành động của mỗi cá nhân đến suy nghĩ và thói quen sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Thách thức thứ ba đến từ việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ.

Nông nghiệp Việt Nam được đánh giá đang ở bước ngoặt mà một số động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu (như tài nguyên, đất đai), trong khi các động lực mới chưa được hình thành đầy đủ (khoa học công nghệ).

Do đó, làm chủ khoa học, công nghệ chính là điểm mấu chốt giúp nông nghiệp Việt Nam bứt phá và tiệm cận với nông nghiệp xanh, ông Sơn nhấn mạnh.

Công tác phối hợp trong khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ông chỉ ra rằng hầu hết, các viện nghiên cứu và trường đại học không làm việc cùng các đơn vị thụ hưởng (doanh nghiệp và người nông dân) – những người cần và sử dụng các phát minh/cải tiến. Hệ quả là phần lớn các sản phẩm của các cơ quan nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng/người mua sản phẩm.

Hơn nữa, sự thiếu phối hợp trong kỹ thuật và chia sẻ dữ liệu cũng làm giảm hiệu quả của quá trình hoạch định chính sách.

a 1
Làm chủ khoa học, công nghệ chính là điểm mấu chốt giúp nông nghiệp Việt Nam bứt phá và tiệm cận với nông nghiệp xanh.

Vấn đề thứ tư là huy động tài chính và tổ chức liên kết sản xuất. Ông Sơn đánh giá hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở mức thấp, tình hình thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao hạn chế.

Nguyên nhân là bởi lĩnh vực này vốn chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Cùng với đó, quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao.

Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc... còn yếu.

Việt Nam cũng đang thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, ông Sơn chỉ ra rằng quá trình xây dựng nông nghiệp xanh tại Việt Nam còn đối mặt với thách thức đến từ việc thiếu đánh giá và giám sát thuốc trừ sâu, phân bón, an toàn thực phẩm; thiếu chiến lược rõ ràng cho công nghệ nông nghiệp xanh; tác động từ các quy định liên quan đến thuế, phí còn hạn chế; cũng như công tác giáo dục, nâng cao nhận thức chưa có bước chuyển đáng kể.

Một số khuyến nghị chính sách

Để vượt qua những rào cản khi thực hiện nông nghiệp xanh và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh phát triển mới, vị giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, đề xuất trước hết, cần xác định tầm nhìn nông nghiệp xanh.

Theo đó, ưu tiên hàng đầu đối với các đơn vị chính quyền cấp quốc gia, tỉnh/thành phố và địa phương là phát triển một khái niệm và các chỉ số về nông nghiệp xanh, hoặc một tầm nhìn cho nông nghiệp xanh.

Trong chiến lược này, mục tiêu phát triển ngành cần được tích hợp với mục tiêu bảo vệ tài nguyên môi trường; mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn xanh cần phải phù hợp với mục tiêu phát triển các ngành khác.

Điều này đòi hỏi sự gắn kết và tham gia của nhiều đối tượng, những người có thể chia sẻ tầm nhìn và cùng thực hiện.

Thứ hai là xây dựng hệ thống chính sách nông nghiệp xanh, và xác định rõ vai trò của chính sách trung ương và địa phương.

Thứ ba là nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh.

Thứ tư là hỗ trợ và tích hợp các chứng chỉ môi trường vào chiến lược chính sách. Theo ông, các công cụ bổ sung khác, như khuyến nông, quy hoạch sử dụng đất hoặc quản lý cảnh quan tích hợp, là cần thiết để nâng cao hiệu quả các chứng chỉ môi trường.

Thứ năm là thúc đẩy liên kết nông dân – doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp xanh.

“Các biện pháp canh tác của nông nghiệp xanh chỉ có thể thực hiện lâu dài nếu nông dân thu được nhiều lợi nhuận hơn so với phương thức canh tác truyền thống”, ông nhấn mạnh.

Điều này chỉ được đảm bảo nếu sản phẩm nông nghiệp xanh được bán ở các kênh thị trường giá trị cao, mà người nông dân thường không vươn tới được do giới hạn về năng lực.

Trên thực tế, hiện nay, doanh nghiệp là chìa khóa thúc đẩy chuỗi giá trị xanh ở Việt Nam do họ có vốn, năng lực quản lý và khả năng tiếp cận thông tin. Theo đó, các doanh nghiệp nên tổ chức, định hướng và tạo điều kiện để các hộ nông dân nhỏ tiếp cận được với thị trường nông nghiệp xanh.

Không chỉ vậy, Nhà nước nên hỗ trợ vốn và công nghệ để thúc đẩy phương pháp này trong việc tạo ra các chuỗi giá trị nông nghiệp xanh.

Cuối cùng là cần thúc đẩy đa dạng hóa trong sử dụng đất dựa trên tiếp cận cảnh quan, ông khuyến nghị.