Gói cứu trợ xa vời, hộ gia đình loay hoay sau Covid-19

Nhật Minh - 16:58, 07/04/2021

TheLEADERPhần lớn hộ gia đình thích ứng với giảm thu nhập do Covid-19 bằng cách giảm chi tiêu, tạm dừng các kế hoạch tương lai và rất it hộ nhận được hỗ trợ từ các chương trình cứu trợ.

Đã khoảng một năm trôi qua kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và các tác động kinh tế vẫn ảnh hưởng không đồng đều lên các nhóm hộ gia đình.

Hầu hết hộ gia đình đang phục hồi thu nhập nhưng mức độ phục hồi lại không đồng đều giữa các nhóm. Tỷ lệ phục hồi thu nhập thấp hơn đối với đối tượng là các hộ gia đình nằm ở cuối đường phân phối thu nhập trước thời điểm xảy ra Covid-19, phụ nữ và dân tộc thiểu số, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết trong báo cáo mới đây. 

World Bank đánh giá những kết quả này cho thấy dù nền kinh tế và tình hình xã hội trong nước được duy trì tương đối ổn định, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo phục hồi thu nhập công bằng cho các nhóm hộ khác nhau.

Cụ thể, về chỉ số thu nhập hộ gia đình, mức thu nhập hộ gia đình được tính là 100 vào tháng 6/2020 – thời điểm thực hiện vòng đầu tiên của khảo sát đánh giá tác động của Covid-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam. Đến tháng 1/2021, thu nhập bình quân hộ gia đình ước tính thấp hơn 11 – 22% so với tháng 6/2020.

Trong năm 2021, các hộ gia đình vẫn lo lắng về nguy cơ tác động của Covid-19 đối với tình hình tài chính của gia đình. Theo khảo sát, tỷ lệ hộ coi Covid-19 là mối đe dọa đáng kể đối với tình hình tài chính trong tháng 1/2021 gần như không thay đổi so với hồi tháng 9/2020. Các hộ kinh doanh đánh giá rủi ro về tài chính cao hơn.

Gói cứu trợ xa vời, hộ gia đình loay hoay sau Covid-19
Nguồn: World Bank.

Khi đánh giá mức độ thay đổi trong thu nhập hộ gia đình so với cùng kỳ năm trước, gần một nửa số hộ đều báo cáo mức thu nhập thấp hơn vào tháng 1/2021 so với tháng 1/2020.

Một kết quả tích cực là tỷ lệ các hộ gia đình có mức thu nhập giảm mạnh từ 50 – 99% so với cùng kỳ năm trước đang giảm dần. Cụ thể, khoảng 24% hộ gia đình cho biết mức thu nhập vào tháng 7/2020 thấp hơn 50 – 99% so với cùng thời điểm năm trước và con số này đến tháng 1/2021 chỉ còn 16%.

Các hộ gia đình thích ứng với mức giảm thu nhập bằng các chiến lược ứng phó khác nhau, phổ biến nhất là giảm chi tiêu. Nhiều người cũng vay mượn từ gia đình/bạn bè hoặc không thực hiện biện pháp gì cả. Rất ít hộ gia đình cho biết chiến lược ứng phó của họ bao gồm thực hiện các hoạt động tạo thu nhập mới.

Các khoản tiết kiệm hiện tại của hộ gia đình và mạng lưới hỗ trợ hộ gia đình có thể giúp các hộ gia đình hạn chế tác động đến các nguồn thu nhập. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các hộ gia đình có thể xoay sở thêm được bao lâu trong bối cảnh thu nhập bị giảm, World Bank lưu ý.

Cụ thể hơn về dài hạn, với các hộ gia đình có thu nhập tháng 1/2021 thấp hơn cùng kỳ năm trước, các câu hỏi bổ sung được đưa ra để trả lời cho câu hỏi liệu giảm thu nhập có ảnh hưởng đến các kế hoạch tương lai hay không.

Khoảng 36% người trả lời trong nhóm này cho biết giảm thu nhập ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch của họ cho tương lai. Các biện pháp ứng phó bao gồm tạm dừng không mua phương tiện đi lại, đất đai, nhà ở hoặc dừng đầu tư vào giáo dục và các hoạt động kinh doanh mới. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng nằm ở tất cả các nhóm thu nhập.

World Bank cho biết hầu hết hộ gia đình được hỏi đều hài lòng với các giải pháp của Chính phủ trong kiểm soát các đợt bùng phát dịch và kiểm soát đường biên giới.

Tuy nhiên, một số ít người đánh giá chương trình cứu trợ 62.000 tỷ đồng chưa thực sự hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn nhất. Kết quả các vòng điều tra trước đó cũng cho thấy rất ít hộ gia đình nhận được hỗ trợ từ các chương trình cứu trợ hướng đến những hộ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Covid-19 thay đổi hành vi

Báo cáo của World Bank cho biết khoảng 10% số người được khảo sát mới bắt đầu mua sắm trực tuyến, tức mua sắm các sản phẩm trực tuyến lần đầu tiên sau tháng 2/2020.

Những thay đổi về hành vi và chiến lược ứng phó trong bối cảnh đại dịch được dự báo sẽ thúc đẩy quá trình số hóa.

“Không nhiều người nghĩ các hành vi này sẽ diễn ra ở Việt Nam bởi thời gian cách ly xã hội tương đối ngắn trong khi người dân nhìn chung không bị hạn chế nhiều về đi lại, ngoại trừ những thời điểm bùng phát dịch mà Việt Nam thường nhanh chóng kiểm soát được. Tuy nhiên, từ phía người tiêu dùng, hành vi mua sắm trực tuyến vẫn tăng lên đáng kể”, World Bank phân tích.

Điều thú vị là những người mới bắt đầu mua sắm trực tuyến thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau. Những xu hướng này phù hợp với mức độ áp dụng công nghệ kỹ thuật số ngày càng lớn theo các khảo sát của của World Bank tại Việt Nam về những tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp, cũng như kết quả kinh doanh tăng lên qua các nền tảng thương mại điện tử.