Gói thầu 35.000 tỷ đồng liên kết Hòa Bình và Coteccons

Trần Anh - 12:10, 28/06/2023

TheLEADERGói thầu quy mô hơn 35.000 tỷ đồng xây dựng sân bay Long Thành là sợi dây liên kết những đối thủ một thời như Hòa Bình, Coteccons, Central. Việc trúng thầu dự án này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xây dựng thoát khỏi tình hình tài chính khó khăn trong bối cảnh ngành bất động sản còn nhiều khó khăn.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình diễn ra chiều 27/2, có sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo các công ty xây dựng lớn như ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Coteccons, ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Central, ông Nguyễn Khắc Đồng - CEO của An Phong.

Đây có thể coi là những đối thủ của Hòa Bình trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp này khó khăn, những đối thủ này lại bất ngờ xuất hiện trong vài trò đồng minh.

Ông Lê Viết Hiếu, Phó chủ tịch của Hòa Bình cho biết, đây là đại diện các đối tác trong liên danh Hoa Lư, cùng với Hòa Bình tham gia gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành.

Gói thầu 35.000 tỷ đồng liên kết Hòa Bình và Coteccons
Lãnh đạo các công ty trong liên danh Hoa Lư tham dự ĐHCĐ của Hòa Bình

Gói thầu 5.10 là gói thầu “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” của dự án thành phần 3 sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn I). Đây là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hồ sơ mời thầu dự án 5.10 mới được đóng vào ngày 12/6 vừa qua. Trong đợt đấu thầu lần này, theo thông tin từ ACV có 3 nhóm nhà thầu tham gia gồm: 1 nhóm đến từ Trung Quốc, 1 nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và 1 nhóm nhà thầu trong nước.

Trong đó liên danh nhà thầu Hoa Lư được dẫn dắt bởi Coteccons, tập hợp các công ty xây dựng như: Unicons, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An. Đây đều là những doanh nghiệp xây dựng lớn trong nước với kinh nghiệm đa dạng, đội ngũ kỹ sư xây dựng đông, từng có kinh nghiệm tham gia thi công một số hạng mục ở các sân bay trong nước.

Tuy nhiên điểm yếu là các doanh nghiệp này chưa từng tham gia xây dựng có dự án có quy mô lớn như sân bay Long Thành.

Mặc dù vậy, với những thành tựu đã thực hiện được trong quá khứ như công trình Landmark 81, nhóm nhà thầu được dẫn dắt bởi Coteccons cũng cũng cho thấy mình có năng lực thực thi những dự án khó.

Bên cạnh đó, trong liên danh Hoa Lư còn có sự xuất hiện của Công ty Powerline Engineering đến từ Thái Lan, đây là đơn vị từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Thành viên này có thể bổ sung kinh nghiệm xây dựng sân bay quy mô lớn và khắc phục điểm yếu của liên danh.

Có thể nói, gói thầu 35.000 tỷ đồng chính là sợi dây liên kết những đối thủ một thời như Hòa Bình, Coteccons, Central ngồi lại với nhau. Việc trúng thầu dự án này sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xây dựng thoát khỏi tình hình tài chính khó khăn trong bối cảnh ngành bất động sản còn nhiều khó khăn. 

Chia sẻ tại diễn đàn 'Build to last' tháng trước, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons cho biết: Xây dựng sân bay là dự án lớn rất được quan tâm trong 6-7 tháng qua. Tôi tin rằng các công ty Việt Nam có thể giao thầu đúng hạn với chất lượng cao nhất, không thua kém bất kỳ sân bay nào ở châu Âu.

Dù vậy các nhà thầu trong nước đang có sự cạnh tranh rất lớn, nhiều công ty cố gắng hạ giá để thắng thầu và điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng, sự an toàn của chính họ. “Thách thức chính mà tôi nhìn nhận lúc này là ngành xây dựng còn thiếu sự tin tưởng”, ông Bolat nói. 

Thị trường hiện có rất nhiều công ty nhưng chưa có sự gắn kết. Trong khi, nhà thầu Việt Nam theo đánh giá là có năng lực, song chưa hiểu hết về sức bật tiềm ẩn của mình. 

Hiện ACV đang bắt tay vào quá trình chấm thầu. Dự kiến thời gian chấm thầu mất ít nhất từ 1,5 tháng trở lên vì tính chất phức tạp của gói thầu.

Gói thầu 35.000 tỷ đồng liên kết Hòa Bình và Coteccons 1
3 liên danh đấu thầu gói 5.10 sân bay Long Thành

Tuy nhiên, sẽ không đơn giản để liên danh Hoa Lư có thể trúng thầu, bởi các đối thủ khác cũng bao gồm nhiều cái tên sừng sỏ.

Cụ thể, liên danh nổi bật nhất là một nhóm nhà thầu đến từ Trung Quốc đáng chú ý là China Harbour Engineering Company (CHEC) và Beijing Construction (BCEG).

CHEC là một trong những công ty từng thi công nhiều dự án với quy mô lớn như sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng. CHEC thường tham gia các dự án cơ sở hạ tầng lớn được chính phủ Trung Quốc cho vay ưu đãi, điển hình như dự án sân bay Khartoum trị giá 680 triệu USD tại Sudan – châu Phi.

CHEC được thành lập vào năm 1980, có trụ sở tại Bắc Kinh, là công ty thành viên và là đại diện ở thị trường nước ngoài của Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC). Tập đoàn CCCC nằm trong top doanh nghiệp xây dựng có quy mô doanh thu (trên 100 tỷ USD) hàng đầu thế giới và top 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Fortune Global 500). 

CHEC gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2002, đến nay đã hoàn thành và đang thực hiện hơn 20 dự án, các dự án trải dài từ Bắc đến Nam, với giá trị hợp đồng gần 700 triệu USD. Bên cạnh việc tích cực tham gia thực hiện các dự án EPC về lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, CHEC đang tìm cơ hội để tham gia đầu tư các dự án về năng lượng, cơ sở hạ tầng (đô thị), bất động sản, khu công nghiệp…

Về BCEG được thành lập năm 1953 và là một trong những doanh nghiệp thuộc nhóm 10 nhà thầu hàng đầu Trung Quốc. Công ty cũng lọt top 50 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất thế giới với quy mô doanh thu khoảng 5 tỷ USD/năm.

Tương tự CHEC, BCEG cũng là ông lớn có nhiều kinh nghiệm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và sân bay tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, BCEG chính là tổng thầu của sân bay quốc tế Đại Hưng (Daxing) với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, đã đi vào vận hành vào cuối năm 2019. Có thể thấy, liên danh số 1 đang có lợi thế về kinh nghiệm và là một đối thủ đáng gờm với nhóm liên danh còn lại trên đường đua về đích gói thầu 5.10.

Cuối cùng là liên danh VIETUR do nhà thầu ngoại – Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas (thành viên IC HOLDING) đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Đây là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực bến cảng, năng lượng, sân bay… Các sân bay được Istas thi công nằm ở Nga, Arab Saudi với quy mô dưới 20 triệu khách/năm.

Bên cạnh doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, liên danh VIETUR còn có hiện diện một số tên tuổi trong nước có liên quan đến hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương như: Ricons, Newtecons và SOL E&C.

Lliên danh này còn có sự tham gia của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Đây có thể coi là nhà thầu nội trong liên danh có kinh nghiệm, năng lực xây dựng, xây lắp hơn cả. Mới nhất Vinaconex đã hoàn thành xong gói thầu nhà ga T2 sân bay Phú Bài - Huế (giá trị hơn 2.250 tỷ đồng).