Hai mũi nhọn phát triển của Long An

Nguyễn Cảnh - 08:06, 15/09/2022

TheLEADERCông nghiệp và xây dựng giữ vai trò 2 ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn tỉnh Long An trong khoảng một thập kỷ qua.

Hai mũi nhọn phát triển của Long An
Dư địa phát triển, thu hút đầu tư của ngành công nghiệp - xây dựng Long An thời gian tới là rất lớn

Công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An là khu vực kinh tế chủ lực, duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài và góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng bình quân đạt 14,7%/năm giai đoạn 2011-2015 và 14%/năm giai đoạn 2016-2020.

Quy mô của khu vực công nghiệp - xây dựng Long An tăng nhanh, giữ vị trí hàng đầu so với các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL và không ngừng thu hẹp khoảng cách với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính đến năm 2020, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tỉnh chiếm gần 26% so với ngành công nghiệp - xây dựng toàn vùng ĐBSCL.

Đối với công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của ngành này duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Tận dụng tác động “lan tỏa” chuyển dịch các cơ sở công nghiệp ra xa vùng trung tâm TP.HCM, nên địa phương đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư bên ngoài. Quy mô công nghiệp hấp dẫn ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước triển khai dự án tại tỉnh và phát triển nhiều ngành nghề mới như điện, điện tử, cơ khí, sản xuất điện năng lượng mặt trời...

Bước đầu Long An ghi nhận các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ở một số ngành chế biến thế mạnh. Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp bình quân 14,8%/năm giai đoạn 2011-2015 và đạt 14,4%/năm giai đoạn 2016-2020.

Quy mô công nghiệp tỉnh Long An xếp thứ 5 so với 8 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đứng đầu trong 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phản ánh mức tăng 2 chữ số và cao hơn mức tăng chung của cả nước. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trung bình 13,4%/năm giai đoạn 2011-2015 và trung bình 14,1%/năm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015; đến giai đoạn 2016-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng cao nhất trong các ngành công nghiệp.

Công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm chủ yếu trong cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tỷ trọng nhóm các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất trang phục, hoá chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản phẩm từ khoáng vi kim loại khác, sản xuất sản phẩm kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) và sản xuất thiết bị điện chiếm chủ yếu, trung bình 84,5% trong thời kỳ 2011-2020.

Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (điện mặt trời, điện khí hoá lỏng) được khuyến khích, thu hút đầu tư. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy điện mặt trời đã đưa vào hoạt động và bán điện với tổng công suất 441MWp và khoảng 520MWp nguồn điện mặt trời mái nhà.

Công nghiệp của Long An tập trung chủ yếu ở vùng 3 (Vùng phát triển đô thị và công nghiệp: bao gồm sông Vàm Cỏ Đông và các huyện Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ ở vùng hạ, thành phố Tân An và một phần huyện Thủ Thừa), phù hợp với định hướng quy hoạch tại Quyết định 1439/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng.

Toàn tỉnh có 35 KCN được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích khoảng 11.945ha và 1 khu kinh tế cửa khẩu với diện tích 13.080 ha. Trong 35 KCN nêu trên, ghi nhận 21 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp và 16 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch khoảng 3.777ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 89%.

Các KCN đã thu hút được 1.627 dự án, trong đó có 796 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD và 831 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 92.300 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020, Long An thu hút được 912 dự án mới. Trong đó có 466 dự án FDI và 446 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư cấp mới khoảng 2,1 tỷ USD và 44.076 tỷ đồng thuê lại 1.043ha đất công nghiệp và có thêm 3 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp (KCN Long Hậu, KCN Đông Nam Á và KCN Cầu cảng Phước Đông).

Riêng năm 2020, Long An thu hút được 125 dự án mới gồm 70 dự án FDI và 55 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư cấp mới khoảng 373 triệu USD và khoảng 4.130 tỷ đồng. Có 101 dự án điều chỉnh vốn gồm 76 dự án FDI điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng 154,24 triệu USD; 24 dự án trong nước điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng khoảng 1.720 tỷ đồng.

Đối với khu kinh tế cửa khẩu có 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD và 2 dự án đầu tư trong nước với diện tích thuê đất là 0,66 ha.

Ngay sau công nghiệp, ngành xây dựng của Long An có tốc độ tăng trưởng cao đứng thứ hai so với các ngành trên địa bàn và cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành xây dựng bình quân 10,59%/năm giai đoạn 2011-2015 và đạt 12,13%/năm giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, quy mô ngành còn thấp.

Việc quản lý quy hoạch xây dựng khu dân cư, đô thị, quy hoạch kiến trúc được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn. Long An bước đầu định hình 3 vùng không gian phát triển đô thị của tỉnh (với các quyết định của UBND tỉnh vào năm 2013 và 2018) gồm: Vùng TP.Tân An, Bến Lức, Cần Giuộc và cảng Long An.

Trong đó, TP. Tân An giữ vị trí quan trọng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Vùng đô thị Đức Hòa - Hậu Nghĩa ở phía Bắc và Vùng đô thị Kiến Tường gắn với Khu kinh tế cửa khẩu ở phía Tây.

Quá trình phát triển cũng đã hình thành nên khu đô thị gắn kết Tân An - Bến Lức; đô thị Đức Hòa là trung tâm dịch vụ khu vực Đông Bắc; đô thị Cần Giuộc cung cấp dịch vụ cho các cảng (Hiệp Phước và Long An) cũng như khu vực nội địa; đô thị Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa) là trung tâm phát triển của vùng Đồng Tháp Mười, gắn kết kinh tế cửa khẩu.

Dự báo trong thời gian tới, với tác động phân công lao động ngày càng mạnh của TP.HCM, các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế, dư địa phát triển, thu hút đầu tư của ngành công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tỉnh là rất lớn, có khả năng tạo tăng trưởng đột phá.