Hàng Việt tìm 'nước cờ chủ động' trên thị trường Thái

Hương Xuân - 10:40, 30/10/2017

TheLEADERQua các lần xúc tiến thương mại với Thái Lan, có thể thấy rất rõ sản phẩm tài nguyên bản địa Việt Nam thu hút nhiều nhất sự chú ý của người tiêu dùng Thái. Tuy nhiên, cách nào để biến "sản phẩm bản địa" thành nước cờ chủ động tấn công vào thị trường Thái Lan là một bài toán không dễ đối với các doanh nghiệp Việt.

Hàng Việt tìm 'nước cờ chủ động' trên thị trường Thái
Sản phẩm bản địa giàu bản sắc địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của du khác tại hội chợ Thái Lan.

LTS: Nói “cơn lũ” hàng Thái không phải là kiểu nói ví von vì hàng Thái đã và đang tràn vào Việt Nam với mức độ báo động đến nỗi cách đây hơn nửa tháng Bộ Công thương phải tiến hành họp khẩn bàn biện pháp ứng phó khi nhập siêu hàng thái vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 3,5 tỷ USD và còn tiếp tục gia tăng. Hàng Thái đã có mặt gần 9.000 chợ lớn nhỏ ở Việt Nam và ở các siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy ở các thành phố lớn, hàng Thái chiếm từ 30% đế 50%.

Đánh giá thực trạng hàng Thái ở Việt Nam và ứng phó thế nào trước sự xâm nhập ngày càng tăng của hàng Thái? Chuyên đề "Ứng phó thế nào trước cơn lũ hàng Thái?" được TheLEADER thực hiện với các phân tích, kiến giải và đưa ra giải pháp của các chuyên gia kinh tế, nhà báo, doanh nhân.

Trong nỗ lực cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, lần đầu tiên vào 12/7/2016, 50 doanh nghiệp Việt Nam với hàng trăm sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Việt mới được chính thức có mặt tại Central World, chào đón khoảng 150.000 khách mỗi ngày. 

Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)  tổ chức cho 20 doanh nghiệp Việt sang Thái tham dự Hội chợ quốc tế thương mại ASEAN - Ấn Độ tại Bangkok để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, với "một hành trang" khá đặc biệt: Toàn là các sản phẩm mang dấu ấn tài nguyên bản địa của Việt Nam như sữa, ca cao, sen sấy, khổ qua rừng, bưởi da xanh…, đến các mặt hàng gốm sứ, da giày, đồ nhựa, đồ điện…Điều có ý nghĩa lớn là 100% doanh nghiệp tham gia chương trình đã tìm được đối tác!

Ghi nhận thực tiễn diễn ra qua những ngày của 2 kỳ hội chợ tại Thái Lan có thể thấy những sản phẩm như gốm sứ Minh Long 1, sản phẩm hữu cơ của Vinamit, kẹo dừa Bến Tre, thương hiệu bia Sài Gòn, đèn Điện Quang, dệt may Hòa Thọ, Bích Chi, bánh pía Sóc Trăng thương hiệu Tân Huê Viên, trà Tâm Lan, Cà phê Highland….cùng các mặt hàng may mặc, các sản phẩm công nghệ xanh và các loại trái cây tươi của Việt Nam rất được người Thái ưa chuộng.

Chuyên nghiệp và hiểu người

Ông Lý Huy Sáng, CEO Gốm sứ Minh Long 1 trong những ngày tham gia hội chợ đã giao lưu hết sức chủ động với từng vị khách của Thái Lan bằng tiếng Anh lưu loát. Ông Sáng cho biết: “Chính sách của Minh Long trong tương lai là cân bằng giữa xuất khẩu và nội địa, cụ thể năm 2016 - 2017 nâng thị phần xuất khẩu lên 30 - 40%. Thái Lan là thị trường rất tiềm năng, vì văn hóa ẩm thực của người Thái và người Việt có rất nhiều điểm tương đồng.Sản phẩm của Minh Long đã phù hợp với thị trường Việt Nam, đương nhiên sẽ phù hợp với thị trường Thái Lan. Người Thái rất quan tâm đến chất lượng chứ không chuộng hàng rẻ tiền, đó là tín hiệu đồng nghĩa với chiến lược của Minh Long. Tôi rất tự tin với thị trường có yêu cầu cao về chất lượng này. Bên cạnh Thái Lan, chúng tôi tập trung vào thị trường châu Âu".

Điện Quang cũng đang chú trọng xuất khẩu sang các nước châu Á như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia… và đang tìm cách xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Một nhà máy của Điện Quang ở Venezuela đã đi vào hoạt động 4 năm nay. 

Phó tổng giám đốc Công ty Điện Quang Nguyễn Thái Nga chia sẻ, thị trường Thái Lan rất tiềm năng vì có nguồn điện tốt, thói quen sử dụng cũng giống Việt Nam. Tham gia hội chợ lần này, Điện Quang có hơn 100 sản phẩm, hôm qua chất đầy gian hàng, hôm nay đã bán vơi hẳn. Sau mấy ngày trưng bày sản phẩm, rất nhiều người dân Thái Lan quan tâm đến sản phẩm ổ cắm đĩa bay, các dòng sản phẩm đèn LED của Điện Quang.

Tân Huê Viên có rất nhiều dòng sản phẩm, mạnh nhất là bánh pía nhân sầu riêng đậu xanh, mè đen, hạt sen với mẫu mã đẹp; đặc biệt là dòng bánh pía dành riêng cho người bị tiểu đường, hiện đã xuất khẩu sang thị trường Úc, Canada, Thụy Điển, Campuchia, mạnh nhất là thị trường Trung Quốc. So với các lò bánh truyền thống, Tân Hoa Viên đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, để bảo đảm cả về sản lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Ông Quách An, Trưởng phòng kinh doanh Tân Huê Viên nói: “Hệ thống Big C đã phân phối bánh pía Tân Hoa Viên trên mạng lưới hơn 30 siêu thị tại Việt Nam, tôi hy vọng qua hội chợ này, chúng tôi thâm nhập thị trường Thái một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, trực tiếp hơn. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị xâm nhập vào thị trường các nước Hồi giáo cà các nước có cộng đồng người Hoa đông vì thực tế cho thấy những thị trường này đều có thể bán hàng tốt”.

Vĩnh Tiến là đơn vị đầu tiên sản xuất kẹo dừa thương hiệu Yến Hoàng giòn với mẫu mã bao bì hiện đại. Bên cạnh đó còn có sản phẩm bánh khoai dừa kết hợp với nguyên liệu ca cao, sầu riêng, trà xanh, tạo nên hương vị mới hấp dẫn. Sản phẩm dầu dừa cũng được các nước châu Á ưa chuộng. Hiện công ty Vĩnh Tiến xuất khẩu mỗi tháng khoảng 240 tấn kẹo dừa sang thị trường Trung Quốc và các nước Nhật, Úc, Mỹ, Campuchia, Lào, đã qua Thái Lan, nhưng chưa mạnh lắm. 

Chị Đặng Thị Trúc Lan Chi, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Tiến mong mỏi: “Tôi rất mong mặt hàng đặc sản của Bến Tre vào thị trường châu Á, nhất là thị trường Thái Lan một cách bền vững và thành công”.

Tận mắt chứng kiến hình nón lá Việt Nam tràn ngập khắp các gian hàng, tạo sự nhận biết rõ nét về hàng Việt, có thể thấy rõ quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, nhất là thị trường khu vực một cách chủ động, bài bản hơn, thông qua mạng lưới phân phối rộng lớn của các nhà bán lẻ trên toàn thế giới.

Sản phẩm tài nguyên bản địa có lợi thế đặc biệt

Qua hai lần xúc tiến thương mại với người dùng Thái Lan qua hai kỳ hội chợ, có thể thấy các sản phầm mang dấu ấn tài nguyên bản địa Việt Nam thu hút được nhiều nhất sự chú ý của người tiêu dùng Thái Lan. Các gian hàng tơ lụa, trà thảo dược, bánh trái và các sản phẩm truyền thống từ gao như phở, bún, miến…luôn đông khách. Người mua quan tâm nhiều đến quy trình sản xuất sạch, bao bì bắt mắt, nhất là hương vị truyền thống. 

Phó giám đốc marketing Công ty Trà Tâm Lan, bà Bùi Thị Kim Thoa cho biết, trà được kết hợp bốn loại thảo dược kim ngân, hoa cúc trắng, lược vàng, hoàng ngọc để hỗ trợ giải độc tố trong cơ thể, mát gan, lọc máu, điều hòa huyết áp, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Hàng của Tâm Lan hiện đã được phân phối ở 14 siêu thị lớn của Pháp và các siêu thị ở Úc, Mỹ. 

"Chúng tôi đã xuất sang Campuchia 3 năm nay, nhưng do bất đồng ngôn ngữ và khách hàng chưa quan tâm nhiều đến sản phẩm hỗ trợ sức khỏe bằng thảo dược nên thị trường chưa phát triển. Riêng thị trường Thái Lan thì đây là lần đầu tiên xuất hiện, nhưng được khách hàng Thái rất quan tâm”, bà Thoa tiết lộ.

Theo bà Phạm Thị Hương Sơn, Giám đốc bán hàng Công ty Thực phẩm Bích Chi cho biết, lúc đầu cứ nghĩ sản phẩm bún, miến, phở không cạnh tranh được với sản phẩm Thái, nhưng thực ra khi xâm nhập thị trường mới thấy khách hàng rất thích phở Việt Nam vì hương liệu, chất liệu gạo ở Việt Nam khác hẳn so với Thái Lan, khi khách hàng đã chấp nhận họ sẽ duy trì thị hiếu của mình, sản lượng bán sẽ tốt. 

"Thói quen tiêu dùng người Thái và người Việt có nhiều điểm tương đồng, họ sử dụng nhiều sản phẩm chế biến từ gạo, nhiều gia vị khi nấu ăn như xả, ớt, chanh… Buổi sáng họ cũng ăn phở, bún, miến, cơm như người Việt, chứ ít khi dùng bánh mì như người châu Âu', bà Hương Sơn cho biết. 

Cũng theo bà Hương Sơn, sản phẩm Việt Nam có rất nhiều cơ hội xâm nhập vào thị trường Thái nếu chất lượng và giá cả của mình cạnh tranh được. Bích Chi đã xuất khẩu trên 40 nước hơn 10 năm nay, chủ yếu là thị trường châu Âu như Anh, Đức, Pháp. Châu Á có Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Singapore… Tỷ trọng giữa nội địa và xuất khẩu của Bích Chi các năm trước là 50-50. 

Bánh phở thì mỗi thị trường lại có nhu cầu thưởng thức khác nhau. Người Nhật, người Mỹ thích ăn bánh phở tráng mỏng, còn người Hàn lại thích ăn bánh phở tráng dày hơn, các nước châu Á như Thái Lan thích ăn bánh phở thái to, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu lại chuộng sợi phở truyền thống là ngắn và nhỏ. 

Tại kỳ hội chợ tháng 8 vừa qua, gian hàng lụa tơ tằm Việt Nam của cô gái trẻ Lương Thanh Hạnh nổi bật trong hội chợ bởi những sản phẩm cao cấp, hoàn toàn tự nhiên. Khách đến thăm gian hàng khá nhiều và dĩ nhiên sản phẩm bán được cũng nhiều.

Chị Hạnh cho biết: Người Thái Bình có kinh nghiệm rất lâu đời về các sản phẩm tơ tằm, mình chỉ giúp nông dân định hướng sản phẩm bảo đảm hoàn toàn tơ tằm tự nhiên, nhuộm bằng các loại lá cây, củ nghệ, màu sắc lâu lên hơn nhưng rất bền. Đũi của Thái Bình từ xưa đã rất phát triển, rất nổi tiếng, nhưng do kinh tế suy thoái, người dân không phát triển được ngành dệt lụa. Hiện sản phẩm chăn lụa chần tay được khách hàng Nga rất ưa chuộng.

"Hy vọng qua các cuộc giao thương, doanh nghiệp sẽ được lắng nghe hiểu biết và sở thích của người tiêu dùng Thái Lan để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải làm sao để các sản phẩm truyền thống của Việt Nam ngày càng được nhiều người tiêu dùng các nước biết tới và sử dụng", chị Hạnh cho biết như vậy; nhung có lẽ đây cũng là ý kiến chung của nhiều chủ doanh nghiệp khác tham gia các kỳ hội chợ này mà người viết bài ghi nhận được.