Hoa Kỳ gia tăng phòng vệ thương mại với hàng Việt xuất khẩu

Nguyễn Cảnh - 09:34, 08/06/2024

TheLEADERHoa Kỳ đang áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Hoa Kỳ gia tăng phòng vệ thương mại với hàng Việt xuất khẩu
Chính sách phòng vệ thương mại mới từ Hoa Kỳ sẽ tác động lớn tới sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ Công thương cho biết, Việt Nam có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Với tiềm năng tăng trưởng lớn và sức cạnh tranh tốt, hàng hóa Việt cũng gây áp lực cho các ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ.

Điều này khiến chính quyền Hoa Kỳ phải tìm kiếm các giải pháp để hạn chế nhập khẩu, ví dụ như điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) gồm chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ.

Đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra 62 vụ trên tổng số 249 vụ việc nước ngoài điều tra với Việt Nam, tức chiếm gần 25%. 

Đáng chú ý, số lượng vụ việc đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian 7 năm qua với 43 vụ, trong khi giai đoạn 2002 - 2016 chỉ có 19 vụ.

Một số đặc điểm, xu hướng của các vụ việc điều tra được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Thứ nhất, là việc tăng nhanh về số lượng vụ việc điều tra chống lẩn tránh. 

Trước khi sửa đổi quy định về điều tra chống lẩn tránh vào tháng 9/2021, mới ghi nhận 9 vụ việc.  Từ tháng 9/2021 đến nay, Hoa Kỳ khởi xướng 13/37 vụ việc điều tranh lẩn tránh với Việt Nam. 

“Các vụ việc này chủ yếu tập trung vào sản phẩm xuất khẩu sử dụng nguyên liệu có xuất xứ Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Thứ hai, Hoa Kỳ thường xuyên điều tra “kép”, điều tra nhiều biện pháp với cùng một sản phẩm. Đơn cử, lốp xe bị đồng thời áp thuế CBPG và CTC, pin năng lượng mặt trời bị áp thuế tự vệ, thuế chống lẩn tránh thuế CBPG và CTC, nhôm bị áp thuế chống lẩn tránh thuế CBPG và CTC và đang bị điều tra CBPG.

Thứ ba, là vấn đề điều tra “chùm”, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực thông qua nhiều FTA khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị Hoa Kỳ điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ.

Bên cạnh đó, các vụ việc ngày càng có phạm vi điều tra mở rộng, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, chống lẩn tránh biện pháp PVTM, định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ điều tra CTC.

Ví dụ, trong vụ điều tra CTC lốp xe của Việt Nam khởi xướng năm 2020, lần đầu tiên Hoa Kỳ cho rằng việc Chính phủ định giá thấp đồng tiền là một loại trợ cấp và đã đánh thuế gần 2% vì lý do này, dẫn đến tổng thuế CTC lên đến gần 8%.

Hay như việc thời gian điều tra kéo dài, đặc biệt với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh. Cụ thể, việc điều tra chống lẩn tránh với gỗ dán cứng của Việt Nam kéo dài hơn 3 năm do được gia hạn nhiều lần.

Việc gia hạn này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp của Việt Nam do chưa biết doanh nghiệp nào sẽ được tham gia cơ chế tự xác nhận để loại trừ khỏi biện pháp cho các lô hàng chưa thanh khoản và các lô hàng tương lai.

Một vấn đề khác, là mức thuế PVTM bị đẩy lên cao do vấn đề kinh tế thị trường (KTTT).

Theo Bộ Công thương, do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc CBPG, khiến mức thuế này tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc, là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được việc các doanh nghiệp này không chịu sự kiểm soát của Chính phủ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sử dụng ngưỡng chuẩn (benchmark) của nước thay thế khi tính toán biên độ trợ cấp, khiến biên độ trợ cấp tăng cao, hoặc khi xem xét các yếu tố đánh giá lẩn tránh biện pháp PVTM, khiến gia tăng khả năng doanh nghiệp Việt bị kết luận có lẩn tránh.

Ở diễn biến mới nhất, dự báo tình thế tiếp tục khó khăn do Hoa Kỳ áp dụng quy định mới về điều tra CBPG/CTC và chống lẩn tránh chính thức hiệu lực từ 24/4 vừa qua.

Điển hình là nội dung DOC cho phép điều tra và áp thuế trợ cấp xuyên quốc gia, tức các khoản trợ cấp do chính phủ hoặc tổ chức công ở một quốc gia cung cấp mang lại lợi ích cho nhà sản xuất/nhà xuất khẩu ở một quốc gia khác. 

Ví dụ như các khoản trợ cấp từ chương trình “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc có thể hỗ trợ việc sản xuất xuất khẩu của nước thứ ba trong tương lai.

Theo Bộ Công thương, việc sửa đổi nêu trên có thể dẫn tới sự khó đoán định và mức thuế CTC bất lợi hơn cho Việt Nam trong các vụ việc tương lai, do Hoa Kỳ có thể gộp thêm các trợ cấp của Chính phủ các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để tính biên độ trợ cấp cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, qua đó đẩy biên độ trợ cấp lên rất cao.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, các sửa đổi lần này của Hoa Kỳ sẽ có tác động mang tính hệ thống, lâu dài và sâu rộng đến các vụ việc điều tra PVTM với Việt Nam trong tương lai.

Đồng thời, việc sửa đổi quy định có thể nhằm đón đầu gia tăng các vụ việc điều tra PVTM mới hoặc các vụ việc rà soát của Hoa Kỳ thời gian tới, đặc biệt là các vụ việc trợ cấp. 

Trước khi công bố dự thảo quy định mới, DOC mới điều tra 8 vụ việc trợ cấp với Việt Nam (vụ cuối cùng khởi xướng năm 2020). Từ tháng 5/2023 tới nay, DOC đã khởi xướng 2 vụ với tôm nước ấm đông lạnh và đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam.

Tháng 4/2024 vừa qua, ngay khi quy định mới có hiệu lực, ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã tiếp tục khởi kiện một vụ việc trợ cấp với pin năng lượng mặt trời để đón đầu quy định về trợ cấp xuyên quốc gia.

Theo đó, nguyên đơn cáo buộc các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Việt Nam cũng được hưởng lợi từ trợ cấp xuyên quốc gia do Chính phủ Trung Quốc cấp, do các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu pin mặt trời sang Hoa Kỳ chủ yếu là FDI Trung Quốc (trong khi Hoa Kỳ đang áp thuế CTC với mặt hàng này của Trung Quốc).

Trong các vụ việc trợ cấp, Chính phủ Việt Nam sẽ phải trả lời các bản câu hỏi của Hoa Kỳ liên quan đến bất kỳ chính sách nào bị cáo buộc là trợ cấp. 

“Việc trả lời không rõ ràng, không đầy đủ theo nhận định chủ quan của DOC hoặc không đúng hạn đều dẫn đến kết luận bất lợi cho Việt Nam”, ông Diên lưu ý.