Huế nâng cao chất lượng cải cách nhờ công nghệ

Tùng Anh - 11:50, 18/06/2023

TheLEADERTriển khai chiến lược chuyển đổi số phù hợp, đặc biệt là mô hình “4 không – 1 có” đã góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dần tạo lập hình ảnh một chính quyền thân thiện.

Huế nâng cao chất lượng cải cách nhờ công nghệ
Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế

Nhiều ý tưởng đột phá

Tiếp tục ghi nhận sự cải thiện trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế vươn lên xếp thứ sáu với 69,36 điểm, nằm trong nhóm dẫn đầu của toàn quốc. Chỉ số này phần nào cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải cách hành chính hiệu quả và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI Việt Nam nhận định, với thứ hạng đã đạt được, Thừa Thiên Huế đang dần tạo lập hình ảnh một chính quyền thân thiện.

Để đạt được những thành tựu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều ý tưởng đột phá, đặc biệt trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào cải cách.

Ông Trương Đức Trọng, chuyên gia dự án chỉ số PCI đánh giá, Thừa Thiên Huế có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, đặc biệt là mô hình “4 không – 1 có” được đặt ra trong Quyết định số 1957 của UBND tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh. 

Mô hình này bao gồm: làm việc không giấy tờ; hội họp không tập trung nhiều; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu đã được số hóa chưa.

Không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái, Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất của Việt Nam được vinh danh ở hạng mục Chính phủ số trong giải thưởng ASOCIO. Đây là giải thưởng công nghệ thông tin uy tín hàng đầu khu vực dành cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp xuất sắc tại 24 nền kinh tế thành viên tổ chức Công nghiệp điện toán khu vực châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO).

Tiêu biểu, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công là bước đi đột phá của địa phương này trong cải cách hành chính. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhằm xây dựng chính quyền minh bạch, kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Năm 2022, toàn tỉnh có 2.129 thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế; đã tích hợp 964 dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.790 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 814 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 976 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Cũng nhờ vậy mà công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước; thường xuyên rà soát đơn giản hóa và hệ thống hóa bộ thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ.

Bên cạnh đó, trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) Thừa Thiên Huế đang triển khai đồng thời nhiều dịch vụ, bao gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị và an toàn giao thông; thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn mạng; giám sát tàu cá….

Đặc biệt, Hue-S là siêu ứng dụng trên nền tảng di động được xây dựng với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Hue-S chính là sợi dây kết nối, giúp tiếng nói người dân đến với chính quyền và ngược lại.

Từ đầu năm 2023, Trung tâm IOC đã tiếp nhận hơn 9 nghìn phản ánh trong các lĩnh vực. Trung tâm đang đầy mạnh các dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số trên nền tảng Hue-S như ví điện tử, chợ số. Qua quá trình triển khai ví điện tử từ tháng 10/2022 đến nay, số lượng người dùng cài đặt ví điện tử đã lên đến hơn 30 nghìn tài khoản cùng hơn 500 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn tỉnh.

Về mô hình hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị trung tâm phấn đấu thực hiện mô hình tự chủ tài chính trong thời gian tới để vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững, vừa xây dựng thu hút được đội ngũ cán bộ giỏi đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ trong thời kì công nghệ 4.0.

Cần cải thiện trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 

Dù có nhiều tiến bộ với 5 chỉ số tăng điểm nhưng nếu nhìn vào các chỉ số thành phần của bảng xếp hạng PCI 2022 có thể thấy, các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương này chưa đánh giá cao về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền tỉnh, thậm chí giảm 1,4 điểm so với năm ngoái xuống còn 5,5 điểm. Tính năng động của chính quyền tỉnh cũng ở mức thấp.

Huế nâng cao chất lượng cải cách nhờ công nghệ
Bảng xếp hạng PCI Thừa Thiên Huế qua các năm

Góp ý cho tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Tuấn cho rằng những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong công tác quản trị, đào tạo mà còn phải tạo lập mặt bằng kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; tìm kiếm các thị trường mới; khai thác, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia…

Giám đốc dự án chỉ số PCI cho rằng, tỉnh cần nhiều hơn các cuộc gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp, đặc biệt là các hình thức phi chính thức để giảm thiểu các vụ việc không có quy trình giải quyết, hoặc chưa rõ ràng khi doanh nghiệp gặp phiền hà.

Một số lĩnh vực hành chính tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn, theo ông Trong, bao gồm: thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, phòng chống cháy nổ, trong đó, chú trọng thời gian giải quyết các thủ tục, giảm tải gánh nặng thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, duy trì các biện pháp giảm thiểu chi phí không chính thức. 

Trong buổi đào tạo, tập huấn công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, mỗi một đánh giá chưa tốt của cộng đồng doanh nghiệp là một điểm hạn chế mà tỉnh cần phải nỗ lực hơn.

Chính vì vậy, để sâu sát hơn đến từng cấp, từng ngành, nhiều năm liền tỉnh tiến hành đánh giá thêm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban, ngành và địa phương (DDCI) nhằm xác định các đơn vị, địa phương, thủ tục…mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao để từ đó thực hiện các biện pháp điều chỉnh và cải thiện.