Khẩu vị đầu tư của Mekong Capital

Việt Hưng - 14:31, 30/09/2019

TheLEADERĐiều gì khiến Mekong Capital luôn thận trọng và có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ ngành công nghiệp truyền thống, thay vì startup công nghệ?

Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang trở thành điểm "nóng" thu hút sự chú ý của các công ty đầu tư mạo hiểm đến từ các khu vực khác trên toàn cầu. Trong 7 tháng đầu năm 2019, khoảng 2,62 tỷ USD đã được cam kết để đầu tư vào các kỳ lân và những startup tiềm năng trong khu vực.

Theo số liệu từ Bureau van Dijk, số tiền đầu tư từ các quỹ rót vào thị trường Việt Nam tăng lên mức kỉ lục 1,6 tỉ USD vào năm 2018 trong khi con số này năm 2017 chỉ là 418 triệu USD. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và Malaysia và chỉ xếp sau Indonesia về số vốn đã nhận từ các quỹ.

Trong đó, lĩnh vực thanh toán điện tử, giáo dục, cũng như chăm sóc sức khỏe, y tế đang được đánh giá là rất triển vọng, khi ngày càng có nhiều startup nhận vốn đầu tư lớn. Như VNPay gần đây đã gọi vốn 300 triệu USD từ Softbank và GIC. Thương vụ này đã phần nào phản ánh đúng xu hướng fintech lên ngôi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Mekong Capital - công ty quản lý quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân có kết quả khả quan nhất tại Việt Nam lại có góc nhìn khác. Là đơn vị quản lý danh mục tài sản trị giá 112 triệu USD, Mekong Capital tỏ ra thận trọng và có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư cho ngành công nghiệp truyền thống hơn là các startup công nghệ.

"Một số mô hình tỏ ra không có hiệu quả", ông Chris Freund, nhà sáng lập Mekong Capital nhận định và cảnh báo về các "bong bóng" startup tại Đông Nam Á. Freund đưa ra một ví dụ là startup siêu ứng dụng - Grab. Dù Grab hiện đang dẫn đầu thị trường nhưng chưa có lãi. "Tôi không rõ họ sẽ làm thế nào để họ có lãi... Bởi nếu nguồn vốn mạo hiểm cạn kiệt, cả ngành công nghiệp này sẽ sụp đổ".

Quan điểm của Chris Freund đã phần nào được chứng thực khi tuần qua, startup chia sẻ không gian làm việc chung WeWork - một trong những "startup kỳ lân" hàng đầu thế giới đã tuyên bố hoãn vô thời hạn kế hoạch IPO sau khi các nhà đầu tư ở phố Wall định giá giảm công ty này từ 47 tỷ USD xuống còn 20 tỷ USD.

Khẩu vị của Mekong Capital
Ông Chris Freund, nhà sáng lập & Tổng Giám đốc Mekong Capital

Theo ông Chris Freund, quan điểm của Mekong Capital ban đầu tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công ty sản xuất, nhưng hiện tại lại tập trung vào các công ty tiêu dùng, và có khả năng mở rộng thành chuỗi. Triết lý đầu tư của quỹ này dựa trên 14 tiêu chí khác nhau trong đó bao gồm cách quản trị doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp.

Thời điểm hiện tại, Mekong Capital và các quỹ thành viên đã đầu tư vào 35 công ty sau 18 năm có mặt tại thị trường Việt Nam. Rất nhiều trong số đó đã cho kết quả đáng ngạc nhiên. Khoản đầu tư vào Thế giới di động từ tháng 5/2007 đến tháng 1/2018 với tỷ suất sinh lời 57 lần, MWG từ 7 cửa hàng đã mở rộng trên 2.000 cửa hàng ra khắp cả nước.

Khoản đầu tư vào Golden Gate năm 2008 và thoái vốn vào năm 2014, thu lời gấp 9 lần sau 6 năm rưỡi, mở rộng từ 7 lên 69 cửa hàng với 11 nhãn hiệu khác nhau. Khoản đầu tư vào Traphaco năm 2007, thoái vốn năm 2017 cũng cho lợi nhuận gấp 6,3 lần.

Khoản đầu tư vào PNJ năm 2007 thoái vốn năm 2016, lãi gấp đôi, tuy nhiên sau khi Mekong Capital thoái vốn giá cổ phiếu PNJ đã tăng gấp ba và sau này Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital cho rằng: "Đôi khi chúng ta cần phải giữ những người chiến thắng càng lâu càng tốt".

Tất nhiên Mekong Capital không phải là "Midas" để có thể sờ vào đâu cũng ra vàng. Giai đoạn đầu tiên từ năm 2002 - 2007, quỹ đã rất khó khăn để có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể tại các công ty trong danh mục đầu tư.

Hiện tại, Mekong Capital đang hướng tới việc thành lập quĩ đầu tư thứ 5 với hi vọng huy động 200 triệu USD vào đầu năm 2020. Nếu thành công, cơ hội để ông Chris Freund và các đồng nghiệp chốt các hợp đồng đầu tư trị giá 20 triệu USD vào các nhà bán lẻ địa phương. Mức này lớn hơn nhiều so với giá trị trung bình của mỗi bản hợp đồng trước đó là 11 triệu USD.