Khoảng trống lớn nguồn vốn dành cho cơ sở hạ tầng

Dũng Phạm - 12:50, 19/01/2024

TheLEADERMỗi năm Việt Nam cần ít nhất 25 – 30 tỷ USD vốn đầu tư cho đến năm 2040. Tuy nhiên, theo ước tính của FiinGroup, trung bình hàng năm Việt Nam có khoảng cách tài trợ nợ từ 5,8 đến 6,8 tỷ USD, tức là tổng cộng nhu cầu tài chính lên đến 116 tỷ USD cho đến năm 2040.

Mới đây, FiinGroup và Tập đoàn Đầu tư Hạ tầng Tư nhân (PIDG) đã tổ chức hội thảo chuyên ngành về “Giải pháp Tăng cường Tín dụng cho phát triển hạ tầng tư nhân tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm đánh giá về nhu cầu vốn và nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng bền vững tại Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Quang Thuân- Chủ tịch FiinGroup, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm 7% GDP trong 10 năm tới, đến năm 2030, và việc hoàn thành mục tiêu này phụ thuộc một phần vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chính phủ đã ban hành các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như giao thông (tập trung vào đường cao tốc và tàu điện ngầm); năng lượng (tập trung vào năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ, truyền tải, lưới điện của đất nước); cấp nước và vệ sinh; xử lý nước thải và rác thải; cảng biển và sân bay; viễn thông và kỹ thuật số; và gần đây nhất là nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ.

Riêng lĩnh vực năng lượng, Việt Nam cần vốn đầu tư tổng cộng 134,7 tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ cho các cơ sở sản xuất điện mới và nâng cấp hệ thống lưới điện.

Trong tổng số này, khoảng 119,8 tỷ USD được phân bổ cho các dự án sản xuất điện, trong đó 46,5 tỷ USD ước tính cho các nhà máy điện mặt trời và điện gió mới. Thêm vào đó, 14,9 tỷ USD được dành riêng cho đầu tư vào lưới truyền tải điện.

Hiện có nhiều sáng kiến đang được triển khai, bao gồm Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) và Liên minh tài chính Glasgow về mức phát thải ròng bằng không (GFANZ).

Khoảng trống lớn nguồn vốn dành cho cơ sở hạ tầng

Mặc dù vậy, theo FiinGroup, nguồn tài chính chính hiện nay đến từ các ngân hàng, nhưng tín dụng dài hạn rất hạn chế.

Hiện nay, nguồn huy động nợ dài hạn ở Việt Nam chủ yếu đến từ các lĩnh vực như ngân hàng với tổng công suất cho vay trung và dài hạn cho cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 4-8 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên nguồn cho vay dài hạn dự kiến sẽ giảm đáng kể do các yêu cầu quy định.

Bên cạnh đó, với nhóm các công ty bảo hiểm nhân thọ, tổng danh mục đầu tư ước tính khoảng 29,3 tỷ USD. Hiện tại, họ phân bổ khoảng 80% danh mục đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.

Với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, tổng danh mục đầu tư ước tính khoảng 2,7 tỷ USD, hiện tại phân bổ khoảng 80% danh mục đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ước tính khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng xanh, nguồn vốn tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, hiện chỉ chiếm chưa đến 5% (~22,3 tỷ USD) tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Với 43 tổ chức tín dụng hiện đang cung cấp các khoản vay xanh, NHNN đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng tín dụng xanh 25% vào năm 2025 và 30-35% vào cuối năm 2030. Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (45%), và nông nghiệp xanh (31%) là các lĩnh vực chính được tài trợ cho đến nay.

Bên cạnh việc các ngân hàng thiếu vốn đối với các khoản vay dài hạn, Việt Nam hiện cũng thiếu các công cụ tài chính dài hạn khác.

Trong đó, vốn cổ phần, bao gồm cả IPO, đóng vai trò rất nhỏ do thị trường chứng khoán Việt Nam do nhà đầu tư cá nhân chi phối với khoảng 90% giá trị giao dịch hàng ngày. Các kênh khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu diễn ra bởi các ngân hàng và công ty bất động sản.

Theo thống kê của FiinGroup, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ngoài ngân hàng đến cuối năm 2022 đạt 28,1 tỷ USD, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm 51,4%. Phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như năng lượng, xây dựng, sản xuất và dịch vụ.

Đáng chú ý, khoảng 80% đơn vị phát hành trái phiếu là các công ty không niêm yết, chủ yếu là các công ty dự án hoặc các công ty mới thành lập có hạn chế tiếp cận tín dụng ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh NHNN thắt chặt kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Về tương quan nguồn cung vốn trong và ngoài nước, nguồn tài trợ ODA giảm trong khi nguồn vốn cho đầu tư công gặp phải hạn chế.

Theo đó, dòng ODA ròng vào Việt Nam giảm mạnh từ năm 2015 do Việt Nam chuyển sang nhóm nước thu nhập trung bình, khiến mức hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giảm sút trong bối cảnh ngân sách cho cơ sở hạ tầng hiện chỉ đạt 11-13 tỷ USD/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của Việt Nam.