Kinh doanh có trách nhiệm: Khuyến khích hay bắt buộc?

Phạm Sơn - 08:09, 08/04/2022

TheLEADERKinh doanh có trách nhiệm đang trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là liệu có nên luật hóa những nội dung về kinh doanh có trách nhiệm hay chỉ cần khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị thực hành theo?

Quý III/2021, Covid-19 bùng phát đỉnh điểm tại Việt Nam. Chính phủ đã phải ban hành một số biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị mất việc, giảm thu nhập do tác động của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết, đến khi kê khai các giấy tờ, thủ tục để người lao động hưởng chính sách mới phát hiện ra nhiều doanh nghiệp không thực hiện giao kết hợp đồng với người lao động. Chính vì vậy, công tác rà soát, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ câu chuyện giao kết hợp đồng, cơn bão Covid-19 quét qua, thổi bay lớp vỏ bên ngoài, phơi bày nhiều sự bất cập trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong mối quan hệ đó, người lao động luôn luôn nằm ở thế yếu.

Hình ảnh nhiều lao động phổ thông mắc kẹt trong những khu nhà trọ tồi tàn hay dòng người lũ lượt đổ về quê hương đặt ra nhiều dấu hỏi về mức thu nhập của người lao động, đặt ra vấn đề liệu mức lương “đủ sống” có còn đủ?

Không ít những trường hợp doanh nghiệp dù không quá mức khó khăn nhưng vẫn dùng lý do Covid-19 để “đuổi” bớt nhân sự có tuổi, hòng tuyển thêm nhân sự trẻ. Hành động ấy khiến nhiều người là trụ cột của gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, nhiều đứa trẻ chẳng biết lấy tiền đâu để đóng học.

Những bất cập ấy khiến thị trường lao động bị tổn thương nghiêm trọng và tác động tiêu cực tới chính tiến trình phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp. Ngay sau khi kết thúc giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động bổ sung.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm đối với người lao động khi tìm cách duy trì công việc, thu nhập ở mức nhất định, dù có khi đang phải đóng băng, tạm ngừng hoạt động. Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, những doanh nghiệp này nhanh chóng bắt nhịp phục hồi với đội ngũ nhân sự hết sức tận tâm và gắn bó.

Xét trên khía cạnh môi trường, hoạt động kinh doanh có trách nhiệm cũng đang tạo ra nhiều lợi thế cho doanh nghiệp. Với tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường thế giới và quy định về môi trường ngày càng thêm nghiêm ngặt, những doanh nghiệp nào có ý thức chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường từ sớm chắc chắn sẽ không rơi vào cảnh “bỡ ngỡ”, thậm chí nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phát triển.

Khuyến khích hay bắt buộc?

Trong bối cảnh hiện tại, việc thực hành các tiêu chuẩn về phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm như ESG (môi trường – xã hội – quản trị); CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp)… đang ngày càng phổ biến, trở thành xu thế trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn đồng nghĩa với doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để đầu tư ban đầu. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có thể phải tăng giá bán, là một yếu tố có phần bất lợi.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã không có nhiều tiềm lực tài chính, lại chịu tàn phá nặng nề từ Covid-19, theo lời bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, là “trả lương cho người lao động còn khó chứ nói gì đến kinh doanh có trách nhiệm”.

Như vậy, theo bà Thủy, kinh doanh có trách nhiệm là điều kiện cộng thêm, mang tính chất khuyến khích. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang tự chủ động chuyển đổi sang hướng kinh doanh có trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, của thị trường chứ không phải vì tuân thủ quy định của Nhà nước.

Nói về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, nhận xét, thực tế việc doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh không gắn với trách nhiệm đang bỏ qua nhiều loại chi phí. Những chi phí đó là thiệt hại về con người, môi trường, xã hội, trở thành gánh nặng chung cho toàn xã hội.

Như vậy, thực chất doanh nghiệp không đặt yếu tố trách nhiệm, bền vững trong sản xuất, kinh doanh là đang cạnh tranh không lành mạnh. Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng, theo ông Hiếu, cần từng bước đưa những yếu tố gắn với kinh doanh có trách nhiệm vào các văn bản pháp luật.

“Đây là yêu cầu bắt buộc, không thể “mặc cả” và là xu hướng không thể đứng ngoài”, đại diện Ủy ban kinh tế Quốc hội khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những quy định mang tính bắt buộc, Nhà nước cũng cần tạo điều kiện để có cơ chế hỗ trợ cho những doanh nghiệp tiên phong, gương mẫu thực hành kinh doanh có trách nhiệm cũng như cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và hộ kinh doanh. Đây là điều kiện tối quan trọng để những quy định về kinh doanh có trách nhiệm có thể đi được vào thực tế.