Kinh tế tuần hoàn và lời giải tăng trưởng

Phạm Sơn - 08:11, 28/05/2024

TheLEADERKinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt phần chi phí cho phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trước tiên, dù đây có thể là giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh biến động khó lường.

Kinh tế tuần hoàn và lời giải tăng trưởng
Cộng sinh công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tăng sức chống chịu. Ảnh: Hoàng Anh

Thoát khỏi bóng đêm u ám của đại dịch Covid-19, toàn thế giới đặt kỳ vọng vào lộ trình phục hồi kinh tế, với những bài học đáng quý rút ra được trong giai đoạn chống dịch. Tuy nhiên, cơn bĩ cực của nền kinh tế vẫn tiếp diễn, với những thách thức cũ, mới đan xen và diễn biến khó lường.

Doanh nghiệp cạn kiệt sau khủng hoảng kéo dài, đang vật lộn với bài toán về sụt giảm đơn hàng, mất lao động, chi phí đầu vào tăng cao. Đó là nguyên nhân được nhiều chuyên gia dùng để lý giải cho sự chậm chân trong việc áp dụng các giải pháp bền vững, kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, nếu nhìn một góc khác, kinh tế tuần hoàn nói riêng và các giải pháp bền vững hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung là lời giải cho bài toán sinh tồn, phục hồi và tăng trưởng.

Tăng sức đề kháng

Vấn đề nghiêm trọng mà doanh nghiệp gặp phải trong suốt hơn bốn năm qua là sự đứt gãy chuỗi cung ứng bởi các lệnh giãn cách xã hội, tiếp đó là xung đột, bất ổn địa chính trị. Hệ quả, nguồn vật liệu đầu vào thiếu hụt và tăng giá mạnh, khiến sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Hiện trạng đó đặt ra bài toán hàng đầu của phục hồi là tái định hình chuỗi cung ứng một cách vững chắc hơn. Giải pháp được nhiều doanh nghiệp và quốc gia sử dụng là chiến thuật “friendshoring”, tức chuyển chuỗi cung ứng về các quốc gia có chính sách kinh tế, ngoại giao thân thiện.

Chính sách ngoại giao tốt có thể tránh những xung đột, bất ổn chính trị, quân sự, tuy nhiên không phải là liều vaccine đa năng cho chuỗi cung ứng. Bởi lẽ, dịch bệnh, rủi ro xã hội hay các hệ quả của biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể tàn phá chuỗi cung ứng.

Giảm thiểu những hệ lụy khó lường đó đòi hỏi chuỗi cung ứng tại chỗ có thể vận hành hoàn chỉnh kể cả trong tình cảnh bị cô lập. Kinh tế tuần hoàn là một lời giải hiệu quả, thông qua mô hình tận dụng tại chỗ những phế, phụ phẩm, năng lượng dư thừa làm đầu vào cho sản xuất.

Mở rộng quy mô ứng dụng kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp trong cùng một khu công nghiệp hoặc địa phương có thể liên kết lại với nhau theo hình thức cộng sinh công nghiệp. Bằng cách này, chuỗi cung ứng khép kín được thiết lập một cách vững chắc, bảo vệ hoạt động sản xuất khỏi tác động ngoại sinh.

Mặt khác, tiền thu về từ bán phụ phẩm cũng là nguồn tài chính quý giá, tiếp sức sống cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn về tài chính.

Thực tế, nội địa hóa và thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt khủng hoảng Covid-19, điển hình như Nestlé Việt Nam với chuỗi cung ứng cà phê bền vững được xây dựng nhiều năm dựa trên chương trình Nescafe PLAN hay Traphaco với vùng dược liệu liên kết với đồng bào vùng cao.

Bên cạnh tăng cường tính cạnh tranh cho chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cũng có thể tối thiểu hóa chi phí, qua đó nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu toàn cầu có xu hướng tăng.

Chẳng hạn như đối với ngành nông nghiệp, giá phân bón tăng mạnh trong giai đoạn 2022 khiến một bộ phận nông hộ chuyển sang áp dụng phương pháp chế biến phụ phẩm làm phân bón, điển hình như ủ rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh hay tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ.

Chi phí của những giải pháp này không cao nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, lại có tiềm năng nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, doanh nghiệp “sống khỏe” qua cơn bão giá.

Hay như câu chuyện cát, đá, xi măng, kim loại tăng giá cao làm nhiều chủ đầu tư xây dựng chịu thiệt hại do đã ký hợp đồng đơn giá cố định. Tận dụng cơ hội này, một số doanh nghiệp, đơn cử như VICEM đã chế biến bùn thải thành xi măng, vừa bán được hàng, vừa giúp đối tác giải quyết vấn đề eo hẹp chi phí.

Một hiệu quả khác của việc áp dụng kinh tế tuần hoàn là giúp doanh nghiệp bền vững hóa chuỗi cung ứng, qua đó dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, vốn đầu tư ưu đãi. Đây có lẽ là điều doanh nghiệp cần nhất trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao, lãi suất trong nước có nhiều khả năng sẽ tăng trở lại bởi áp lực tỷ giá.

Thay đổi tư duy chiến lược

Thực trạng đáng buồn là trong bối cảnh khó khăn, đứng trước bài toán cắt giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn cắt phần ngân sách chi cho đầu tư phát triển bền vững trước tiên.

Điều này không khó hiểu bởi chi cho phát triển bền vững là khoản đầu tư lâu dài, chưa thấy hiệu quả ngay trước mắt. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp chưa thực sự thấu hiểu nội hàm của phát triển bền vững, quên mất yếu tố kinh tế ở trong đó nên các hoạt động bền vững mới tính đến khía cạnh môi trường, xã hội, bỏ quên hiệu quả tài chính.

Tư duy sai lầm ấy có thể giúp doanh nghiệp “kéo dài hơi thở” trong ngắn hạn nhưng bị tụt hậu về dài hạn, hoặc thậm chí khó có thể sinh tồn để đợi đến ngày bị tụt hậu nếu khó khăn vẫn kéo dài.

Thực tế, trong bối cảnh chịu nhiều áp lực, bài toán đặt lên hàng đầu luôn là tìm cách đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với thời cuộc. Kết hợp tư duy đó với hiểu biết đúng đắn về kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp có thể tìm ra hướng đi chiến lược để đứng vững qua cơn bão, chờ đợi thời cơ tăng trưởng.