Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực trong tháng 1/2022

An Chi - 08:48, 05/02/2022

TheLEADERNền kinh tế Việt Nam trong tháng 1/2022 đang cho thấy nhiều kết quả khởi sắc với những tín hiệu tích cực ở sản xuất công nghiệp, đăng ký doanh nghiệp và hoạt động đầu tư.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực trong tháng 1/2022
Nhiều dấu hiệu khởi sắc trong bức tranh kinh tế tháng đầu tiên của năm 2022

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 1 là thời điểm cả nước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước nhưng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%, đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung. 

Bên cạnh hoạt động sản xuất công nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 1 cũng có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022.

Trong tháng 01/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước. 

So với cùng kỳ năm trước, con số này tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Nếu tính cả 343,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1 là 536,1 nghìn tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Bên cạnh đó, còn có 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 01/2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 01/2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động đầu tư trong tháng 1 cũng là một điểm sáng của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022, các công trình mới được bố trí vốn năm 2022 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp. 

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 4,8% so với kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 01/2022 đạt mức khá (1,61 tỷ USD), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 01/2022 ước tính đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 4,6% và tăng 24,9%), bao gồm: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,2% kế hoạch năm và tăng 8,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/01/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 103 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 388 triệu USD, tăng 119,1% về số dự án và giảm 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 01/2022 có 15 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 44,2 triệu USD, gấp 13,97 lần so với cùng kỳ năm trước, có 02 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh giảm 7,2 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 36,9 triệu USD, gấp 11,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm sáng nữa của tăng trưởng kinh tế là hoạt động thương mại, vận tải và du lịch. Vận tải hành khách tháng 1 ước tính đạt 165,3 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,0% so với tháng trước và giảm 54,0% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 27,4%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1 ước đạt 19,7 nghìn lượt người, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 17,4 nghìn lượt người, chiếm 88% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 2,3 nghìn lượt người, chiếm 11,9% và giảm 64,2%; bằng đường biển 10 lượt người, chiếm 0,1% và giảm 76,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 470,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giáp tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,19% so với tháng 12/2021 và tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch đều tăng so với tháng trước, thì hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm. Ước tính tháng 1/2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỉ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất kim ngạch ước đạt 10,2 tỉ USD. Ước tính cán cân thương mại tháng 1 nhập siêu 500 triệu USD.

Về ngân sách nhà nước, trong tháng 1 năm 2022, ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước đạt đạt 183,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13% dự toán năm, Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 113,9 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán năm.