Lạm phát tăng cao trong tháng Tết

Nhật Hạ - 12:43, 29/02/2024

TheLEADERCPI tháng này tăng 1,04% do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán và sự tăng giá của gạo, xăng dầu, gas.

Lạm phát tăng cao trong tháng Tết
Nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng trước. Nguyên nhân đến từ nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao dịp Tết Nguyên đán; đồng thời giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá xăng dầu, gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Con số 1,04% chỉ thấp hơn mức tăng của CPI tháng 2/2022 và tháng 1/2021 trong một thập kỷ qua. 

Lạm phát tăng cao trong tháng Tết

Trong mức tăng này, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, còn 2 nhóm giảm.

Cụ thể, nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,09%, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Trong đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trung bình hơn 15%; giá xăng và giá dầu đều tăng gần 6%. Hiệu ứng ngày Tết cũng kéo theo dịch vụ rửa xe, bơm xe, trông giữ xe, bảo dưỡng xe, phụ tùng khác trở nên đắt đỏ hơn.

Mặc dù ghi nhận mức tăng giá thấp hơn chỉ 1,7%, nhưng do có trọng số cao trong rổ tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại tác động mạnh nhất đến CPI chung khi góp tới 0,57 điểm phần trăm.

Ở mặt hàng lương thực, giá gạo tăng 2,2%, kéo theo các mặt hàng lương thực khác cũng đắt đỏ hơn như ngô, bún, bánh phở, bánh đa, miến…

Trong khi đó, ở mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn tăng 3,9%, các loạt thịt khác tăng gần 2%. Hàng loạt mặt hàng rau, củ, quả cũng đều lên giá.

Còn các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác đều tăng chỉ số giá chưa tới 1% và chỉ tác động khiêm tốn đến mức tăng CPI chung.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm gồm bưu chính viễn thông giảm 0,17% và giáo dục giảm 0,42%.

Lạm phát tăng cao trong tháng Tết 1

Bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.

Theo nhận định của đại diện Bộ Tài chính trong cuộc họp điều hành giá cuối tháng 1, tổng hợp các thông tin về các yếu tố tác động đến lạm phát năm nay, 3 kịch bản lạm phát đã được đưa ra với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguồn cung thịt lợn năm nay vẫn đảm bảo nhưng đòi hỏi sự quản lý nhà nước và kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng như cuối năm 2019: giá thịt lợn tăng cao do bán tháo, tiêu hủy lớn và không kịp phục hồi, tái đàn.

Giá xăng dầu được đánh giá ổn định nhưng đây là một yếu tố rất khó lường bởi biến động chính trị, nếu tiếp tục đứt gãy vận chuyển, giá dầu có thể sẽ là một ẩn số.

Bên cạnh đó, một yếu tố có thể tăng áp lực lên giá cả là việc Nhà nước gỡ dần chính sách bình ổn giá để hỗ trợ người dân trong 3 năm qua.

Hiện, Bộ Giáo dục và đào tạo đang đánh giá Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và trình Chính phủ sửa đổi dự kiến trong năm 2024, theo đó, khung giá dịch vụ giáo dục có thể giữ ổn định hoặc điều chỉnh với khu vực ngoài công lập, đây là yếu tố có thể tác động lên CPI năm nay.

Dịch vụ y tế điều chỉnh khá muộn cuối năm 2023; giá điện điều chỉnh lần 2 vào cuối năm 2023 là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến CPI trong những tháng tiếp theo của năm 2024. Việc điều chỉnh giá điện tiếp hay không sẽ phụ thuộc vào sự tính toán của Bộ Công thương, EVN và sự phối hợp của Bộ Tài chính.