‘Lận đận’ thu phí cảng biển ở TP.HCM

Hứa Phương - 09:06, 01/04/2022

TheLEADERSau hai lần trì hoãn, TP.HCM sẽ triển khai thu phí cảng biển từ ngày 1/4, đây sẽ là nguồn vốn bổ sung để nâng cấp cơ sở hạ tầng xung quanh các cảng.

Bổ sung nguồn vốn để xây dựng hạ tầng

Là đầu tàu kinh tế, sở hữu những cảng lớn như Cát Lái, Sài Gòn, Tân Thuận, Hiệp Phước…nên TP.HCM chiếm phần lớn thị phần container xuất, nhập khẩu các mặt hàng của cả nước.

Dù vậy nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối đến các cảng chưa được đầu tư hoàn thiện, xuống cấp do thiếu vốn làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác các cảng. Như tại cảng Cát Lái có thể đáp ứng 85 chuyến tàu cập bến mỗi tuần, song chỉ cho tiếp nhận 81 chuyến. Các cảng Phú Hữu, Hiệp Phước hiện chỉ khai thác khoảng 50% năng lực do hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

‘Lận đận’ thu phí cảng biển ở TP.HCM
Sau hai lần trì hoãn, TP.HCM sẽ triển khai thu phí cảng biển từ ngày 1/4.

Trước thực trạng đó, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết triển khai thu phí cảng biển với mục đích là để đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển.

Theo đó, kế hoạch ban đầu TP.HCM sẽ tiến hành thu phí cảng biển từ 1/7/2021 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lùi lại đến 1/10/2021 sau đó tiếp tục lùi đến 1/4/2022.

Từ 0h ngày 1/4, TP.HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí cụ thể: nhóm hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 2,2 triệu đồng/container với container loại 20feet; 4,4 triệu đồng/container với container 40feet.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20feet; 1 triệu đồng/container đối với container 40feet và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM, áp dụng mức thu là 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 250.000 đồng/container đối với container 20feet; 500.000 đồng/container với container 40feet.

Riêng những mặt hàng nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh quốc phòng; hàng xuất nhập khẩu phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh… sẽ được miễn thu phí.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, mức phí cảng biển áp dụng tại TP.HCM chỉ bằng 50% so với mức phí cảng biển ở Hải Phòng. Ước tính đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.

Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng. Đây là một phần trong kế hoạch bổ sung vốn đầu tư những tuyến đường kết nối các cảng bị chậm trễ nhiều năm do thiếu nguồn lực.

Đơn cử như các công trình quanh cảng Cát Lái (cảng chiếm gần 50% thị phần xuất nhập khẩu container toàn quốc) sẽ là ưu tiên hàng đầu của đề án thu phí do yêu cầu cấp bách như đường Nguyễn Thị Định, hoàn chỉnh nút giao vòng xoay Mỹ Thuỷ.

Đầu tư hai đoạn vành đai 2 qua TP.Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,5km) và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8km) để tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ.

Ngoài ra dự án cầu Thủ Thiêm 4 cũng trong kế hoạch được ưu tiên triển khai để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư - Nguyễn Văn Linh tạo hành lang thông thoáng cho khu vực cảng Sài Gòn.

TP.HCM nhận định, khi tình hình giao thông được đầu tư bài bản, tốt lên, thời gian chở hàng rút ngắn, các đơn vị vận tải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hưởng lợi nhiều hơn. Đồng thời việc thu phí hạ tầng cảng biển cũng giúp phân luồng hàng hóa, chia sẻ với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng của TP.HCM.

Bảy hiệp hội từng kiến nghị lùi ngày thu phí

Khi TP.HCM quyết định triển khai thu phí từ ngày 1/4 thì bảy hiệp hội ngành hàng gồm: Thực phẩm minh bạch; dệt may; da giày - túi xách; sữa; nhựa; chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ đồng kiến nghị chưa nên triển khai thu phí cảng biển đến hết 31/12/2022.

Theo các hiệp hội, việc thu phí này đang tạo ra những bất hợp lý. Đầu tiên là thời điểm áp dụng chưa phù hợp, vì quý III/2021, đa số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động do dịch bệnh, trong khi vẫn phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho…

Đến 10/2021, thành phố mở cửa trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng 30 – 70% công suất do thiếu công nhân, nguyên liệu và chuỗi cung ứng bị đứt gãy...

Doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu phục hồi sản xuất từ đầu năm 2022 nhưng lại phải gánh thêm nhiều chí phí như cước vận tải biển tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng trong khi vẫn đang thiếu vốn, thiếu công nhân.

Từ đó, các doanh nghiệp cho rằng, TP.HCM thu phí cảng biển ngày 1/4, sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh và cản trở việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp kiến nghị thành phố chưa nên triển khai thu phí cảng biển cho đến hết 31/12/2022.

Ngoài ra, các hiệp hội cũng cho rằng mức phí áp dụng chưa công bằng, phù hợp, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện.

Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM (doanh nghiệp ở tỉnh) bị thu mức phí cao gấp đôi so với doanh nghiệp mở tờ khai tại TP.HCM. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp đổ xô mở tờ khai tại TP.HCM gây quá tải và ùn tắc, làm chậm tiến độ thông quan. Ngược lại, nếu doanh nghiệp vận chuyển container hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng TP.HCM, chi phí sẽ tăng thêm từ 3-3,5 triệu đồng/container.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, hiện nay họ đều phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT... Chỉ tính riêng phí BOT, hiện nay doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.

Đơn cử, hiện nay từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP.HCM) đã có tới 7 trạm thu phí BOT. Doanh nghiệp phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về với tổng mức đóng phí qua 1 trạm là 360.000 đồng /1 container. Như vậy, 1 container hàng doanh nghiệp hiện đã trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng.

Như doanh nghiệp Thủy sản ở Khánh Hòa với 3.000 container xuất khẩu mỗi năm thì đã phải trả thêm 7,5 tỷ đồng/năm tiền phí trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí cảng biển mới này, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP.HCM sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng rồi như phí cầu tàu, phí lưu cont, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container.

Ngoài ra, nếu đóng thêm phí cảng biển thì họ sẽ phải đóng phí hai lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu...