Lãnh đạo VPBank muốn nợ xấu của ngân hàng được đánh giá công bằng hơn

Trần Anh - 08:21, 27/04/2019

TheLEADERÔng Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT của VPBank cho rằng, mô hình ngân hàng kết hợp với công ty tài chính tiêu dùng như VPBank là đặc thù, khác biệt với các ngân hàng khác trên thị trường.

Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Tổng kết lại hoạt động kinh doanh năm 2018, CEO Nguyễn Đức Vinh thừa nhận, năm qua không phải là năm kinh doanh thuận lợi của ngân hàng.

Ông Vinh đánh giá, kết quả hoạt động của VPBank chịu tác động của cả các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Đầu tiên phải kể đến những quy định của NHNN đã siết chắt tín dụng, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng 2018 thấp nhất sau nhiều năm. Trong bối cảnh đó, bản thân VPBank cũng đã chủ động giới hạn lại đà tăng trưởng để kiểm soát rủi ro tốt hơn sau thời gian dài phát triển theo chiều rộng.

Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2017. Dư nợ cấp tín dụng bao gồm cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tăng 17,3%.

4 trụ cột kinh doanh của ngân hàng năm qua đó là tín dụng tiêu dùng (Fe Credit), khách hàng cá nhân, tín dụng tiểu thương (Comm Credit), khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các phân khúc này tiếp tục tăng ổn định, đóng góp 68% vào tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng.

VPBank đã tăng vốn chủ sở hữu thêm 17% lên hơn 34.750 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn CAR là 12,3% và nếu tính theo chuẩn Basel II thì đạt 11,2%, cao hơn rất nhiều so với lần lượt 9% và 8% quy định tối thiểu. Lợi nhuận ngân hàng năm 2018 đạt gần 9.200 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017.

Dù kết quả đạt được thấp hơn so với kế hoạch đề ra, song Tổng Giám đốc VPBank vẫn tỏ ra lạc quan. “Sau khi tiến hành các hoạt động kiểm soát rủi ro tốt hơn, VPBank đã quay trở lại đà tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2018, đặc biệt là trong quý cuối năm và quý 1/2019”, ông Vinh chia sẻ.

Bước sang năm 2019, VPBank tiếp tục thực hiện các chính sách giảm chi phí. Ngân hàng sẽ không tăng nhân sự, điều chỉnh mô hình hoạt động và có thể giảm ở một số bộ phận nhưng vẫn đảm bảo năng suất. Doanh thu dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng 20%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 được xây dựng dựa trên kịch bản tăng trưởng tín dụng của VPBank trong năm nay đạt khoảng 14%. Đầu năm nay, VPBank mới được NHNN phê duyệt mức tăng trưởng tín dụng 12%, tuy nhiên, sau khi công bố đạt chuẩn Basel 2, ngân hàng kỳ vọng sẽ sớm được nới trần tín dụng.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2019 dự kiến đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 3% với năm 2018. Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường của năm 2018 đến từ hợp đồng bảo hiểm với AIA, mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019 sẽ khoảng 14%. Trong đó, ngân hàng mẹ sẽ tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%, từ 4.000 tỷ đồng lên 5.100 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng dự kiến xử lý xong khoản nợ 3.500 tỷ đồng đã bán cho VAMC trong năm nay. Tính tới hết quý 1/2019, nợ bán cho VAMC của VPBank chỉ còn khoảng 2.300 tỷ đồng.

Để tập trung nguồn lực cho phát triển, VPBank cũng thông qua kế hoạch không chia cổ tức trong năm nay, tăng vốn điều lệ và tìm kiếm cơ hội phát hành cổ phần riêng lẻ nếu thị trường chứng khoán thuận lợi.

Lãnh đạo VPBank muốn nợ xấu của ngân hàng được đánh giá công bằng hơn
Đại hội cổ đông thường niên 2019 của VPBank.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong Đại hội cổ đông của VPBank năm nay là vai trò của FE Credit trong tương lai của ngân hàng. Năm ngoái, FE Credit gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với hạn mức được NHNN cấp phép. Lợi nhuận của công ty tài chính tiêu dùng này cũng không đạt như kỳ vọng. Thị trường cho vay tín dụng, nhìn chung, được đánh giá không còn tăng trưởng mạnh mẽ như quãng thời gian trước với mức độ cạnh tranh giữa các công ty trong ngành ngày càng khốc liệt.

Bất chấp những khó khăn đó, ban lãnh đạo của VPBank vẫn khẳng định FE Credit là mô hình kinh doanh quan trọng và hiệu quả của ngân hàng. Ngân hàng cũng có kế hoạch chi hơn 2.800 tỷ đồng vào quỹ đầu tư phát triển FE Credit.

Hiện tại, dư nợ cho vay tín chấp của VPBank đang chiếm khoảng 35% tổng dư nợ hợp nhất của ngân hàng. Năm 2018, chi phí dự phòng hợp nhất của VPBank đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước đó.

Chủ tịch ngân hàng, ông Ngô Chí Dũng cho biết, cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng quá nóng trong vòng 7, 8 năm qua, vì vậy, tất yếu thị trường sẽ tăng tốc chậm dần lại, nhưng xu hướng chung vẫn sẽ tăng. 

Ông Dũng dẫn chứng, hiện mức độ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mới khoảng 16% GDP, còn thấp so với các nước trong khu vực. Người đứng đầu VPBank khẳng định, tín dụng tiêu dùng đang phục vụ hàng triệu khách hàng. 

Để thu hút được thêm nhiều khách hàng sử dụng, FE Credit cũng như các công ty tài chính tiêu dùng đang mở rộng phân khúc khách hàng. Nếu trước kia, cho vay tiêu dùng chỉ chú trọng thu nhập thấp thì hiện tại đang tiến dần tới phân khúc cao hơn.

Đặc thù của cho vay tiêu dùng là khi tiến lên phân khúc cao hơn thì hình thức cho vay cũng phải thay đổi. Chẳng hạn, thẻ tín dụng là 1 cách tiếp cận mới. Hiện FE Credit và VPBank đang chiếm 20% tổng số lượng thẻ tín dụng tại Việt Nam, trong đó FE Credit có hơn 1 triệu thẻ.

Về vấn đề NHNN đang lấy ý kiến siết cho vay tiền mặt trong hoạt động của công ty tài chính, đại diện VPBank cho rằng việc siết chặt nhiều khả năng sẽ không được áp dụng, bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành tín dụng tiêu dùng đang non trẻ cũng như kế hoạch chống tín dụng đen của Chính phủ.

Đánh giá về mức độ rủi ro và tỉ lệ nợ xấu cao của ngân hàng khi theo đuổi lĩnh vực vay tín chấp, ông Dũng đánh giá, mô hình kinh doanh của VPBank là đặc thù so với các ngân hàng khác. Hiện tại, tỉ lệ nợ xấu của mảng vay tín chấp của ngân hàng vẫn ở trên mức 4%, song đổi lại ngân hàng cũng phải trích lập dự phóng nhiều hơn, áp dụng theo các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Với các hoạt động truyền thống ngành ngân hàng như cho vay doanh nghiệp, VPBank chỉ duy trì mức nợ xấu 1,1%. Cho vay mua nhà thậm chí còn thấp hơn, chỉ ở mức 0,8% dư nợ.

“Tôi cho rằng so sánh nợ xấu của VPBank với các ngân hàng truyền thống khác là khập khiễng. Nếu thị trường trong nước có thêm các ngân hàng hoạt động theo mô hình giống VPBank, chúng ta sẽ có cái nhìn đánh quan hơn về mô hình hoạt động của ngân hàng. Nợ xấu của VPBank cần được đánh giá công bằng hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh, VPBank theo đuổi mô hình tăng trưởng cao và chấp nhận rủi ro cũng ở mức cao. Minh chứng rõ ràng nhất là VPBank hiện có doanh thu cao nhất thị trường, với 31.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và cao thứ nhì tại Việt Nam, chỉ sau Vietcombank. Con số doanh thu cho thấy năng lực huy động của VPBank. Điều quan trọng là ngân hàng thiết lập được hệ thống quản trị, trích lập dự phòng phù hợp để quản lý rủi ro.