Lenovo phải trả 140 triệu đô la cho các bằng sáng chế của InterDigital

Hương Giang - 18:42, 26/03/2023

TheLEADERTrong tuần qua, Tòa án tối cao Luân Đôn đã đưa ra phán quyết yêu cầu công ty Lenovo (Trung Quốc) bồi thường cho công ty InterDigital (Hoa Kỳ) một khoản tiền trị giá 138,7 triệu đô la, trong tranh chấp cấp phép sáng chế kéo dài hơn 3 năm giữa hai bên.

Lenovo phải trả 140 triệu đô la cho các bằng sáng chế của InterDigital

Đáng nói, mặc dù phải trả một số tiền không hề nhỏ, Lenovo cho rằng phán quyết này là một chiến thắng lớn cho hãng.

Ông John Mulgrew, Phó chủ tịch kiêm phó tổng cố vấn của Lenovo, phát biểu sau phiên tòa: “Lenovo cảm ơn tòa án vì phán quyết trong vụ kiện giữa InterDigital và Lenovo. Chúng tôi coi đây là một thắng lợi lớn cho ngành công nghệ và cho khách hàng cúa chúng tôi”.

Vì sao Lenovo lại phản ứng như vậy? Theo phán quyết, Lenova phải trả khoản tiền một lần là 138,7 triệu đô la đối với doanh số bán hàng sử dụng những công nghệ từ bằng sáng chế của InterDigital từ năm 2007 cho đến cuối năm 2023. Trong khi đó, số tiền mà InterDigital mong muốn nhận được lớn hơn rất nhiều – 337 triệu đô la cho giấy phép sử dụng trong 6 năm.

Có thể thấy rằng, số tiền bồi thường kì vọng giữa hai bên là rất khác nhau. Về nguyên tắc, những bằng sáng chế về di động và truyền thông cần phải tuân theo nguyên tắc công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử (Fair, reasonable, and non-discriminatory - FRAND), bởi đây là những bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (standard essential patents - SEPs). Bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn là những bằng sáng chế cần được cấp phép bởi các nhà sản xuất để đảm bảo rằng sản phẩm của họ đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trên nguyên tắc FRAND, chủ sở hữu bằng sáng chế cần phải cấp phép công nghệ cho bên sử dụng ở mức độ hợp lý. Theo cáo buộc của Lenovo, InterDigital đã không thực hiện đúng theo nguyên tắc này. Trong khi đó, theo kết luận của thẩm phán Mellor, thẩm phán trong phiên tòa tranh chấp giữa Lenovo và InterDigital thời gian vừa qua, những nỗ lực dàn xếp tranh chấp trước đây của cả hai bên đã không tuân theo các tắc này.

“Dựa trên kết quả từ phân tích và so sánh, tôi thấy rằng cả chương trình cấp phép mở rộng 5G của InterDigital cũng như khoản thanh toán trọn gói của Lenovo đều không tuân theo nguyên tắc FRAND hoặc thuộc phạm vi FRAND”, thẩm phán Mellor nhận định.

Ông John Mulgrew, Giám đốc sở hữu trí tuệ của Lenovo, nhận định rằng phán quyết này của tòa đã "củng cố vai trò quan trọng của nguyên tắc FRAND trong việc tạo điều kiện thuận lợi cấp phép minh bạch và công bằng đối với những công nghệ được tiêu chuẩn hóa".

Phán quyết này được đưa ra tại phiên tòa thứ sáu giữa InterDigital và Lenovo. Theo tài liệu của tòa án, cả sáu phiên tòa tập trung vào các điều khoản công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử (FRAND).

Phiên tòa đã kết thúc, nhưng các tranh chấp pháp lý có thể sẽ không kết thúc sớm như vậy. Ông Josh Schmidt, Giám đốc pháp lý của InterDigital, cho biết InterDigital rất hoan nghênh quyết định của tòa án và gọi đó là "phán quyết quan trọng đầu tiên theo nguyên tắc FRAND đối với những bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn, công nhận rằng người được cấp phép phải thanh toán đầy đủ."

Tuy nhiên, hoan nghênh không đồng nghĩa với việc InterDigital đồng ý với tất cả các kết luận của tòa án.

"Chúng tôi dự định kháng cáo, vì chúng tôi tin rằng một số khía cạnh của phán quyết này không phản ánh chính xác chương trình cấp phép của chúng tôi," Ông Schmidt tuyên bố.

InterDigital là trung tâm của nhiều vụ kiện về bằng sáng chế trong nhiều năm. Trong đó, những vụ kiện và tranh chấp của InterDigital với Microsoft, Huawei, Samsung và những công ty khác có tình tiết tương đối giống so với vụ kiện lần này với Lenovo.

Bình luận về vụ việc, ông Mark Marfe, Luật sư bằng sáng chế tại London, người không liên quan đến vụ việc, cho biết phán quyết này củng cố quyết định của Tòa án tối cao Vương quốc Anh về việc cấp giấy phép FRAND toàn cầu.

Trung Quốc là khu vực tài phán duy nhất trên thế giới mà tại đó các tòa án ấn định tỷ lệ FRAND toàn cầu cho những bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn.

Ông Marfe cho rằng "mọi con mắt sẽ đổ dồn về Tòa án Sáng chế Thống nhất (tòa án cấp bằng sáng chế chung của các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu)” sẽ khai mạc vào tháng 6 này, để xem liệu tòa án này có tiếp cận tương tự hay không.