Liệu có thể ứng dụng blockchain vào nền kinh tế truyền thống?

Việt Hưng - 08:56, 23/05/2022

TheLEADERBlockchain xuất hiện khá sớm ở nước ta, nhiều dự án của người Việt phát hành thậm chí tạo được tiếng vang trên toàn cầu. Tuy nhiên việc ứng dụng blockchain vào nền kinh tế truyền thống vẫn đang còn khá chậm.

Thực trạng về blockchain tại Việt Nam

Ông Phạm Thế Trường - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ NGS cho biết, khái niệm blockchain được manh nha từ 1991, tuy nhiên, vào năm 2008 mới là thời điểm blockchain khai sinh.

"Blockchain được du nhập vào Việt Nam rất sớm, tôi đã nhanh chóng nghiên cứu và đầu tư nhỏ vào lĩnh vực này, tuy nhiên bản thân cũng từng nghĩ blockchain chỉ là đồng tiền ảo (cryptocurrency)", ông Trường nói.

Xét về mặt lý nguyên lý, blockchain là công nghệ để thu thập, lưu trữ và vận hành dữ liệu cũng như đem lại sự an toàn, minh bạch và công khai, nếu hiểu đúng theo nguyên lý sẽ không ai bị nhầm lẫn câu chuyện với tiền điện tử khi nói đến blockchain.

Mỗi năm Việt Nam tạo ra khoảng hơn 2 triệu lao động, trong đó khoảng 300.000- 400.000 học từ công nghệ, có thể thấy với sự đông đảo của dân số và được phổ cập internet, ở Việt nam có rất nhiều cá nhân, công ty, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu về blockchain và thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: game, thanh toán, tài chính, bất động sản, giáo dục đào tạo…

"Tuy nhiên, không thể nhìn vào góc độ phát triển mạnh và nhiều mà không tự đặt câu hỏi liệu nó đã đủ tầm và có bị manh mún hay không, vì môi trường phát triển đang chưa tốt cũng như chưa có sự dẫn dắt", ông Trường nhận định.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Huy Nguyễn - Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam bật mí KardiaChain đã làm việc với nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, tuy nhiên hầu hết các ứng dụng phát triển đều nằm trong lĩnh vực DeFi, GameFi và liên quan đến tài chính.

Trong khi đó hiện có một làn sóng mới các doanh nghiệp truyền thống muốn áp dụng công nghệ blockchain vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực TMĐT, điển hình là Tiki và Fado, việc Tiki tích hợp ASTRA vào hệ sinh thái chính là việc áp dụng công nghệ blockchain.

Ở lĩnh vực bất động sản, có thể kể đến Tập đoàn Hưng Thịnh, Moonka cũng đã áp dụng blockchain bằng việc chia nhỏ (tokenize) các dự án bất động sản. Về lĩnh vực giải trí, thể thao, nghệ thuật lại càng phát triển khi áp dụng công nghệ blockchain như việc phát hành NFT và sở hữu NFT để trở thành membership.

Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, logistics, chuỗi cung ứng cũng đang tìm hiểu và tiến đến việc áp dụng blockchain vào hệ sinh thái.

Liệu có thể ứng dụng blockchain vào nền kinh tế truyền thống?
Liệu có thể ứng dụng blockchain vào nền kinh tế truyền thống?

Đưa blockchain vào nền kinh tế truyền thống

"Hiện tại, khả năng áp dụng và đầu tư blockchain có thể chỉ phát triển ở các doanh nghiệp lớn, tài chính mạnh. Đối với những doanh nghiệp nhỏ có thể xảy ra rủi ro về tài chính đầu tư", ông Huy Nguyễn cho biết.

Blockchain chưa được áp dụng nhiều vào nền kinh tế truyền thống bởi rất nhiều lý do, có hai vấn đề thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp lớn khi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain, đầu tiên là việc đánh giá đúng mức độ phức tạp cũng như sự đơn giản cần thiết của một giải pháp blockchain cho việc vận hành hàng ngày.

"Tuy nhiên, nếu nghĩ blockchain là một công nghệ quá phức tạp là không đúng với lại giá trị nó mang lại. Đối với quy trình của một hoạt động, công nghệ blockchain thực sự chỉ ứng dụng vào một số giai đoạn nhất định của một doanh nghiệp chứ không phải ứng dụng toàn bộ quy trình", ông Cris Duy Trần - CEO quỹ Khởi nghiệp Quốc Gia Việt Nam nêu quan điểm.

Về vấn đề thứ 2, ông Cris cho rằng thị trường đang rất nóng về các sản phẩm blockchain, dẫn đến câu chuyện thiếu hụt về nhân sự như kỹ thuật, marketing, bussiness,… điều này đang khiến các doanh nghiệp quen dần với việc thuê các công ty tư vấn giải pháp về blockchain khiến cho bài toán hiện tại là làm cách nào tạo ra nguồn cung nhân sự ngành.

Theo một thống kê từ CBD site cho thấy trước đây hầu hết các ứng dụng hay công ty blockchain tập trung vào mảng tài chính. Tuy nhiên, vào năm 2021, mảng tài chính chỉ chiếm khoảng 40% với các công ty blockchain, song song đó là các công ty về KYC, nông nghiệp, giải trí.

Nhưng bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp khi tìm hiểu về ứng dụng blockchain đã đặt câu câu hỏi cho việc vì sao phải ứng dụng blockchain vì còn nhiều công nghệ khác như Big Data, AI,….

Nhận định về điều này, ông Nguyễn Lê Thành, Chủ tịch Verichains cho rằng cần hiểu rõ mỗi công nghệ có đóng vai trò khác nhau trong việc chuyển đổi số doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.

"Một số công ty có dữ liệu lớn như Google, Meta (Facebook),… sẽ phát sinh những nhu cầu trong việc đảm bảo quyền riêng tư, cũng như giao dịch an toàn, minh bạch, như vậy việc ứng dụng blockchain có thể mang lại sự tin cậy", ông Thành chia sẻ.

Rất nhiều lĩnh vực sẽ dần áp dụng công nghệ blockchain để giải quyết các công việc cụ thể, và không thể áp dụng toàn bộ vì trong một hệ sinh thái có thể phải sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để vận hành.

Liệu có thể ứng dụng blockchain vào nền kinh tế truyền thống? 1
Rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam sẽ dần áp dụng công nghệ blockchain

Thách thức và cơ hội

Theo ông Trường, rào cản lớn nhất cho việc áp dụng rộng rãi công nghệ blockchain chính là hành lang pháp lý.

"Việc các công nghệ phát triển vượt bậc dần xóa mờ ranh giới của các quốc gia gây ra mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp làm về công nghệ và thiếu sự hướng dẫn của luật pháp, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thành lập công ty ở nước ngoài, nhưng vẫn hoạt động ở Việt Nam", ông Trường nhận định.

Mặc dù có nhiều rào cản và thách thức, tuy nhiên blockchain mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Có thể thấy blockchain đang có những đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Anh Huy Nguyễn cho rằng Việt Nam đang ở giữa quá trình chuyển đổi số – một bước tiến mang yếu tố công nghệ vô cùng lớn, một số công nghệ nếu được áp dụng ngay đầu sẽ tạo ra một khởi đầu thuận lợi cho tiến trình sau này.

Minh chứng là việc làm thẻ căn cước công dân, số hóa người dân là tiền đề để bắt đầu kinh tế số. Trong các lĩnh vực đó, blockchain đều có thể tham gia vào các bước cụ thể.

"Một công nghệ thông thường tốn 20 năm để từ phòng thí nghiệm bước ra các sản phẩm đầu tiên. Tốn 20 năm nữa để các sản phẩm đó trở thành công nghệ lõi, và có thể tốn khoảng 50 năm để đi vào đời sống bình thường", ông Huy nhận định.

Trên thế giới đã có một quốc gia bắt đầu quá trình chuyển đổi số, điển hình là Estonia triển khai từ 2018. Những cột mốc đạt được của họ từ khi áp dụng blockchain là GDP tăng lên 1%, với hơn 49% công dân đã có ID.

Có thể thấy, số hoá là công cuộc lâu dài với rất nhiều công nghệ sẽ được triển khai, với đặc tính minh bạch, tin cậy và an toàn, blockchain sẽ đóng góp vào tiến trình này ở nhiều khâu khác nhau.

Nhắc đến Big Data, AI,… Việt Nam không thể so với Mỹ hay Trung Quốc, nhưng với blockchain, chúng ta đang cho thấy sự so kè không thua kém. Tuy nhiên trong vòng 5 năm tới Việt Nam cần có những bước tiến mới để blockchain thực sự đi vào đời sống.

Nhận định về tương lai, ông Cris cho rằng Việt Nam cần nâng cao khả năng của mình trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là mảng blockchain, những dự án về data sẽ là một trong những cơ hội lớn của Việt Nam.

"Việt Nam đang có đủ các yếu tố “thiên, thời, địa, lợi, nhân, hoà”, và sẽ có cơ hội trở thành một quốc gia mạnh về blockchain, có thể là trong top 10, top 20", ông Huy Nguyễn nêu quan điểm

Ông Huy cũng tin rằng Việt Nam cần tiến gần đến các nước như Hàn Quốc, Singapore hay các nước khu vực đã là một thành công. Anh lưu ý rằng mặc dù có nhiều cơ hội vào top 10 nhưng phải khiêm tốn để có thể đi tắt đón đầu.

"Bên cạnh đó là chiến lược đào tạo nhân lực, cũng như ban hành các khung pháp lý", ông Thành bổ sung.

"Công nghệ lần thứ 4 đã xóa mờ biên giới, và các nước đang có cơ hội như nhau, cho phép các quốc gia nhỏ được quyền tham gia. Có ba trụ cột cần để giúp Việt Nam phát triển thành cường quốc và thực hiện giấc mơ là: pháp lý, đào tạo, đầu tư", ông Trường kết luận.