Lộ nhiều vi phạm tại khu công nghệ cao TP.HCM

Nguyễn Cảnh - 10:28, 20/08/2023

TheLEADERLập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chưa phù hợp, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ, thẩm định công nghệ của 32 dự án không đúng thẩm quyền… là một số sai phạm của Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM trong giai đoạn 2018-2020.

Lộ nhiều vi phạm tại khu công nghệ cao TP.HCM
Hàng chục dự án sử dụng đất trong SHTP có khả năng gây thất thu ngân sách nhà nước (ảnh: tphcm.chinhphu.vn)

Kết quả thanh tra cho thấy, Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (gọi tắt là BQL) lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 giai đoạn I và II khu công nghệ cao có một số nội dung chưa phù hợp quy hoạch chung được duyệt.

Điển hình trong đó: không thể hiện được quy mô điều chỉnh cây xanh, mặt nước trong hồ sơ, điều chỉnh cục bộ nhiều lần để thu hút đầu tư trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng đến kiểm soát đồng bộ của BQL về tổng thể quy hoạch chung và quy hoạch phân khu tại khu công nghệ cao.

Tiếp theo, BQL quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch và sau cấp phép xây dựng đối với một số chủ đầu tư dự án chưa chặt chẽ, kịp thời, để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép chậm khắc phục (nhà máy Jabil Việt Nam, Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên).

Ngoài ra, còn ghi nhận việc BQL thiếu đôn đốc, kiểm tra để chủ đầu tư 33 dự án chậm đưa đất vào sử dụng (thấp nhất 1 tháng, nhiều nhất 63 tháng, tính đến tháng 7/2021). Trong đó, 3 đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích theo chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đáng chú ý, kết quả thanh tra cho thấy BQL đã thẩm định công nghệ của 32/39 dự án không đúng thẩm quyền (theo Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 và Thông tư 03/2016 của Bộ Khoa học và công nghệ). BQL thực hiện thẩm định cấp chứng nhận đăng ký đầu tư còn thiếu sót về thủ tục, một số trường hợp chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt hoặc chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.

Một vấn đề khác là quản lý, sử dụng tài chính, kinh phí: cơ quan thanh tra cho biết, BQL chưa ràng buộc chặt chẽ biện pháp chế tài khi ký hợp đồng dẫn đến các nhà đầu tư dây dưa nợ khó đòi, không nộp số tiền khoảng 41,6 tỷ đồng.

Liên quan đến đất đai, đến tháng 7/2017, BQL mới ban hành quyết định quy định trình tự, thủ tục về đất đai dẫn đến hồ sơ cho thuê đất trước đó (từ 1/7/2014 - 21/7/2017) không đầy đủ thủ tục, thiếu nhiều thành phần hồ sơ quan trọng.

BQL không sử dụng đúng phương pháp giá vốn khi tổng hợp chi phí đầu tư để xác định giá cho thuê đất, tự loại trừ một số chi phí (như bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự phòng phí…) khi trình UBND thành phố ban hành quyết định 1719 năm 2013 về giá cho thuê đất trong khu công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư (ảnh hưởng đến việc hoàn trả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước).

Nội dung này, Kiểm toán Nhà nước đang xem xét theo đề nghị của UBND thành phố nhằm ổn định môi trường đầu tư bền vững, hạn chế khả năng dẫn đến tranh chấp đầu tư quốc tế.

Tại BQL còn 10/24 nội dung chưa thực hiện xong theo Thông báo của Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 8/2018. Trong đó, chưa nộp ngân sách nhà nước gần 59 tỷ đồng (tiền thuê đất khoảng 27 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng phải hoàn trả ngân sách nhà nước đối với dự án miễn tiền thuê đất khoảng 30,6 tỷ đồng), chưa truy thu tiền thuê đất (khoảng 242 tỷ đồng) đối với dự án trường đại học Fullbright Việt Nam.

Với những vi phạm của BQL được chỉ rõ, cơ quan thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM một số nội dung liên quan.

Điển hình, khẩn trương truy thu tiền thuê đất năm 2020 và các chi phí quản lý khác đối với Công ty CP Công viên Sài Gòn Silicon; rà soát và xử lý theo quy định của Luật Đầu tư 2020 đối với 11 dự án dở dang, chưa triển khai đầu tư và chưa ký quỹ đảm bảo thực hiện.

Yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên phát triển khu công nghệ cao: nộp ngân sách khoảng 17,3 tỷ đồng (theo ý kiến của Kiểm toán nhà nước); rà soát lại việc thẩm định công nghệ của 32/39 dự án. Việc xác định các dự án cần chuyển hồ sơ đến Sở Khoa học và công nghệ để thẩm định và xin ý kiến về công nghệ do BQL chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Kiểm tra, rà soát, bố trí lại việc sử dụng đất cho đúng chức năng theo quy hoạch đối với 15 dự án (gồm 7 dự án qua thanh tra phát hiện và 8 dự án qua kiểm toán kết luận).

Chánh Thanh tra TP.HCM kiến nghị và đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cơ bản thống nhất và chỉ đạo giao Cục Thuế TP.HCM tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường (xác định thông tin địa chính), Sở Tài chính (xác định giá đất), BQL khu công nghệ cao (cung cấp hồ sơ chi tiết) để kiểm tra, rà soát, truy thu (nếu có vi phạm) các trường hợp có khả năng gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Cụ thể: 62 trường hợp thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất bất hợp lý, không lập phương án giá đất sát giá thị trường để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định (trong đó có trường hợp thuê đất của Công ty Lập Thành); 4 trường hợp chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với khoảng 1,12 triệu m2 nhưng chưa hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt.

Các sở ngành phối hợp kiểm tra, làm rõ đối với 28 dự án sử dụng đất nhưng không thuộc diện ưu đãi đầu tư (đã được BQL cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích khoảng 1,4 triệu m2). Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại nhà nước thì chuyển thanh tra thành phố lập thủ tục chuyển cơ quan điều tra thụ lý giải quyết.

Thành lập vào tháng 10/2002, là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập, khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) có tổng diện tích 913ha, chia ra 2 giai đoạn phát triển: 300ha cho giai đoạn 1 và 613ha cho giai đoạn 2.

Tính đến hết tháng 4/2019 SHTP đã cấp chứng nhận đầu tư cho 156 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 7,14 tỷ USD, trong đó có 73 dự án đã đi vào hoạt động ổn định với tổng giá trị xuất khẩu lũy kế đạt khoảng 45,5 tỷ USD, đóng góp khoảng 94% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của TP.HCM.

SHTP được coi là điểm đến lý tưởng của nhiều dự án, tập đoàn công nghệ cao trên thế giới, trong đó có thể kể đến Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ - 1,04 tỷ USD); Tập đoàn Nidec (Nhật Bản - 296 triệu USD); Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc – 2 tỷ USD), Tập đoàn Nipro (Nhật Bản – 300 triệu USD) … cùng khoảng 60% số lượng dự án từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển công nghệ cao.